Tường tận sức mạnh của Cảnh sát biển Việt Nam
Cảnh sát biển Việt Nam được thành lập ngày 28/8/1998, có nhiệm vụ chủ yếu là bảo vệ và duy trì an ninh các khu vực biển và thềm lục địa của Việt Nam.
Cảnh sát biển Việt Nam được đặt dưới sự chỉ đạo của Chủ tịch nước, sự quản lý của Thủ tướng chính phủ và Bộ Quốc phòng là cơ quan trực tiếp quản lý, tổ chức, hiệp đồng. Từ khi thành lập đến nay, Cảnh sát biển Việt Nam không ngừng kiện toàn tổ chức biên chế, nỗ lực nâng cao phạm vi và hiệu quả chấp pháp.
Tàu tuần tra 8004. Ảnh: Canhsatbien |
Hiện nay, Bộ tư lệnh Cảnh sát biển Việt Nam được biên chế các đơn vị trực thuộc gồm: Bộ tư lệnh Vùng cảnh sát biển; Trung tâm thông tin; Trung tâm huấn luyện; Cụm trinh sát số 1, số 2; Cụm phòng, chống tội phạm ma túy số 1, số 2, số 3 và số 4; các Hải đoàn. Trong đó, Cảnh sát biển Việt Nam hiện được giao quản lý 4 vùng cảnh sát biển.
4 vùng cảnh sát biển hiện nay của Việt Nam gồm: Vùng 1 đảm nhiệm quản lý khu vực từ của sông Bắc Luân đến đảo Cồn Cỏ/Quảng Trị, sở chỉ huy đóng tại Hải Phòng; Vùng 2 đảm nhiệm quản lý khu vực từ đảo Cồn Cỏ/Quảng Trị đến Cù Lao Xanh/Bình Định, sở chỉ huy đóng tại Quảng Nam; Vùng 3 đảm nhiệm quản lý khu vực từ Cù Lao Xanh/Bình Định đến bờ Bắc cửa Định An/Trà Vinh, sở chỉ huy đóng tại Bà Rịa-Vũng Tàu; Vùng 4 đảm nhiệm quản lý khu vực từ bờ Bắc cửa Định An/Trà Vinh đến Hà Tiên/Kiên Giang, sở chỉ huy đóng tại Cà Mau.
Chức năng nhiệm vụ
Căn cứ vào pháp luật Việt Nam và các điều ước, công ước luật quốc tế mà Việt Nam đã ký kết, Cảnh sát biển Việt Nam có một số chức năng, nhiệm vụ sau:
+ Tuần tra, kiểm tra, giám sát, duy trì và quản lý chủ quyền;
+ Bảo vệ tài nguyên, môi trường sinh thái biển, phòng chống ô nhiễm môi trường biển;
+ Duy trì trật tự, giao thông hàng hải; phát hiện, đấu tranh và phòng chống tội phạm, người nhập cư trái phép, buôn lậu…;
+ Tấn công, đánh bắt cướp biển, nạn buôn người và các hành vi vi phạm pháp luật khác… trong vùng lãnh hải, thềm lục địa, vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam.
Tàu tuần tra 8001. Ảnh: Canhsatbien |
Ngoài ra, Cảnh sát biển Việt Nam còn có nhiệm vụ phối hợp với các cơ quan chức năng khác tiến hành thông tin; bảo vệ tài sản, tính mạng hợp pháp của công dân Việt Nam; duy trì hoạt động hợp pháp an ninh, an toàn giao thông trên biển đối với các tàu của Việt Nam và quốc tế trong khu vực lãnh hải và thềm lục địa của Việt Nam; tham gia xử lý các sự vụ trên biển, tìm kiếm cứu nạn; phối hợp với các lực lượng vũ trang khác của Việt Nam bảo vệ các đảo, khu vực biển.
Trang bị chủ yếu của Cảnh sát biển Việt Nam
- Tàu tuần tra
+ Hiện nay, Cảnh sát biển Việt Nam được biên chế 3 tàu tuần tra có lượng giãn nước 1.200 tấn. Các tàu này do Công ty đóng tàu Sông Thu đóng, với số hiệu lần lược là 6006, 6007 và 6008.
+ Ngoài ra, Cảnh sát biển Việt Nam còn được biên chế 3 tàu tuần tra đa năng DN-2000, có khả năng tuần tra tại các vùng biển xa lãnh hải Việt Nam. Đây là các tàu tuần tra lớn nhất của Cảnh sát biển Việt Nam, do Tập đoàn đóng tàu Hà Lan thiết kế, Công ty 189 của Việt Nam đảm nhận thi công.
Ba tàu này hiện nay được mang số hiệu là 8001, 8002 và 8004, có lượng giãn nước 2.500 tấn, biên chế 70 người, khả năng hành trình liên tục 40 ngày, tốc độ tối đa 21 hải lý/giờ, khu vực hoạt động 5.000 hải lý, có thể chịu được gió cấp 12.
+ 4 tàu ST4612 làm nhiệm vụ cứu nạn với số hiệu lần lược là 9001, 9002, 9003 và 9004. Loại tàu này cũng do Tập đoàn đóng tàu Hà Lan Damen thiết kế, tàu có chiều dài 46m, rộng 5,5m, lượng giãn nước 1.400 tấn, công suất máy 2,57Kw, tốc độ tối đa 12 hải lý/giờ, có thể chịu được gió cấp 12, trang bị 2 vòi rồng cao áp 90mm với tầm bắn 45m và có khả năng xoay góc 350 độ. Các tàu này chủ yếu có nhiệm vụ xử lý sự cố tràn dầu, bảo vệ đoàn tàu khảo sát thềm lục địa và ngăn chặn tàu cá nước ngoài xâm phạm lãnh hải.
+ Một tàu tuần tra ven biển số hiệu CSB 8003, tàu này vốn là một tàu của Lực lượng Bảo vệ bờ biển Hàn Quốc chuyển giao cho Việt Nam.
+ Một tàu được chuyển đổi từ tàu đánh cá do Cục Thủy sản Nhật Bản chuyển giao vào ngày 5/2/2015. Đây là chiếc đầu tiên trong lô 3 chiếc mà Nhật Bản sẽ chuyển giao cho Việt Nam. Các tàu này có lượng giãn nước 650 tấn, trọng lượng toàn tải đạt 725 tấn, có khả năng hành trình liên tục 2.800 hải lý với tốc độ 13 hải lý/giờ, trang bị 1 vòi rồng cao áp, 1 đèn pha công suất lớn.
+ 4 tàu tuần tra lớp Hồ Phong, đây là các tàu phóng ngư lôi 206 do Liên Xô chế tạo và chuyển giao cho Hải quân Việt Nam (sau chuyển sang cho Cảnh sát biển) với số hiệu lần lượt là 5011, 5012, 5013 và 5014.
Phân loại các tàu của Cảnh sát biển Việt Nam. Ảnh: Canhsatbien |
Tàu có chiều dài 34,7m, rộng 6,7m, mớn nước 1,5m, lượng giãn nước tiêu chuẩn 148 tấn, trọng lượng toàn tải 173 tấn, sử dụng 3 động cơ dầu 503A với tổng công suất 5,9kw, tốc độ tối đa 45 hải lý/giờ, khả năng hành trình liên tục 850 hải lý với tốc độ 30 hải lý/giờ, biên chế 23 người. Tàu được trang bị pháo 30mm và súng máy tự động.
+ 12 tàu cao tốc TT-120 lớp 200 tấn. Đây là những tàu do Công ty đóng tàu Hồng Hà thuộc Tổng cục Công nghiệp Quốc phòng Việt Nam chế tạo. Các tàu này có số hiệu lần lượt là CSB 001, 1011, 1012, 1013, 1014, 3001, 3002, 3003, 3004, 3005, 3006 và 3007.
+ 13 tàu tuần tra cao tốc TT-200 lớp 200 tấn, các tàu này do Viện thiết kế kỹ thuật Hải quân thiết kế, Công ty Hồng Hà chế tạo. Số hiệu lần lượt là CSB 2001, 2001, 2003, 2004, 2005, 2006, 2007, 2008, 2009, 2010, 2011, 2013 và 2014. Các tàu này có khả năng chịu được gió cấp 7, 8, 9, khả năng hành trình liên tục 1.800 hải lý.
+ 4 tàu tuần tra cao tốc TT-400 lớp 400 tấn, số hiệu lần lượt là CSB 4031, 4032, 4033 và 4034. Tốc độ 34,5 hải lý/giờ, hành trình liên tục 2.500 hải lý, thời gian tác nghiệp liên tục 30 ngày và là một trong sáu hạng mục quan trọng phát triển trong thời gian tới của Cảnh sát biển Việt Nam.
+ 3 tàu tuần tra lớp 4100 do Tập đoàn đóng tàu Hà Lan thiết kế, số hiệu là SAR 411, 412 và 413 với nhiệm vụ chủ yếu là dùng để tìm kiếm cứu nạn. Các tàu này có chiều dài 42,8m, rộng 6,8m, mớn nước 2,5m, lượng giãn nước 206 tấn, sử dụng 2 động cơ dầu 3516B với tổng công suất là 4,18kw, tốc độ tối đa 26 hải lý/giờ, khả năng hành trình liên tục 2.000 hải lý với tốc độ 12 hải lý/giờ, biên chế 17 người (trong đó có 6 sỹ quan). Các loại vũ khí chủ yếu là 1 súng máy 12,7mm, 1 hệ thống rađa đối hải Scout, 1 hệ thống rađa dẫn đường vệ tinh, 1 vòi rồng cao áp.
- Máy bay chấp pháp
Bên cạnh hoạt động đầu tư đóng mới các tàu chấp pháp, Việt Nam cũng đang rất chú trọng đầu tư đối với máy bay chấp pháp trên biển nhằm nâng cao hiệu quả và năng lực thực thi pháp luật của mình.
Năm 2008, Việt Nam đã ký hợp đồng mua của Tây Ban Nha 3 chiếc máy bay tuần thám biển cánh cố định CASA C-212-400. Bên cạnh đó, Việt Nam cũng đẩy mạnh đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng phục vụ lực lượng này. Năm 2012 - 2013, các máy này được chuyển giao và chính thức đi vào hoạt động, qua đó nâng cao năng lực chấp pháp trên biển cho lực lượng Cảnh sát biển Việt Nam.
Máy bay tuần tra 8982. Ảnh: Canhsatbien |
CASA C-212-400 có nhiệm vụ chủ yếu là tuần tra, giám sát bờ biển, ngăn chặn tàu cá phi pháp của nước ngoài, chống buôn lậu, cướp biển và một số hoạt động phi pháp khác. Ngoài ra, Cảnh sát biển Việt Nam còn được biên chế 1 trực thăng hạng trung EC-225 do Công ty trực thăng châu Âu chế tạo.
Trong tương lai, Việt Nam sẽ tiếp tục đẩy mạnh hoạt động đầu tư trang bị đối với lực lượng cảnh sát biển. Đặc biệt là Việt Nam sẽ tận dụng tối đa nguồn vốn ODA cho Chính phủ Nhật Bản viện trợ. Bên cạnh đó, Việt Nam đang có kế hoạch mua 10 chiếc máy bay tuần tra giám sát M28 của Ba Lan nhằm nâng cao năng lực tuần tra trên không khu vực ven biển. Đồng thời, Việt Nam cũng đang tìm kiếm phương án mua trực thăng để trang bị trên các tàu tuần tra cỡ lớn DN-2000.
Theo Baodatviet