Thứ trưởng Bộ GD-ĐT khuyên học sinh không nên luyện thi ở ngoài

16/06/2017 09:00

Thứ trưởng Bùi Văn Ga: Học sinh cần chú tâm ôn tập ở nhà, không nên đi luyện thi ở ngoài vừa tốn thời gian lại vừa ảnh hưởng tới sức khỏe.

Chỉ còn một tuần nữa là sẽ diễn ra kỳ thi THPT Quốc gia 2017. Các học sinh tranh thủ thời gian hệ thống các kiến thức ôn tập và luyện đề trắc nghiệm.

Đến thời điểm này, một số trường THPT trên địa bàn thành phố Hà Nội đã dừng tổ chức ôn tập trên lớp cho học sinh lớp 12. Theo đó, các học sinh tự ôn thi ở nhà, trong đó chủ yếu sưu tầm đề thi trên mạng tích cực rèn luyện kỹ năng làm bài thi trắc nghiệm.

Nguyễn Quang Thiện, học sinh lớp 12 Trường THPT Đồng Quan, huyện Phú xuyên Hà Nội cho biết: “Em học trên lớp làm đề còn ở nhà tìm thêm tài liệu để học thêm. Em tìm kiếm tài liệu trên mạng và những quyển sách để đọc thêm. Em học từ 8h tối đến 11h đêm cũng có khi còn muộn hơn. Kết quả thi thử của em tạm ổn nhưng vẫn bị yếu môn Toán”.

Do cấu trúc đề thi và cách thức tổ chức thi năm nay có sự thay đổi, nhất là môn Toán chuyển từ hình thức tự luận sang trắc nghiệm, tổ hợp môn khoa học tự nhiên (Hóa, Lý, Sinh ) và môn khoa học xã hội (Giáo dục công dân, địa lý, Lịch sử) khiến nhiều em lo lắng nên phải đi học thêm “chạy xô” ở các lớp luyện thi.

Đặng Thị Thanh Mai, học sinh lớp 12 Trường THPT Lê Lợi, Hà Đông cho biết: “Sáng em đi học ở trường. Chiều em lại đi học Toán xong lại phải đi học thêm Sử, Địa, Công dân. Tại vì năm nay mới thêm các môn này chuyển sang trắc nghiệm nên em phải đi học thêm để hiểu và làm được. Lúc trước em định ôn khối A nhưng sau em phải chuyển sang khối D. Đây là thực trạng chung không phải một mình em chạy xô. Buổi tối 10h - 10h30 em mới về tới nhà xong 12h em bắt đầu vào bàn nhưng cũng mệt nên học một tý hoặc không học”.

Các học sinh tranh thủ thời gian hệ thống các kiến thức ôn tập và luyện đề trắc nghiệm
Các học sinh tranh thủ thời gian hệ thống các kiến thức ôn tập và luyện đề trắc nghiệm

Trước đó, từ giữa tháng 5, các trường THPT tổ chức tập trung ôn tập các môn tùy theo đối tượng học sinh đã đăng ký và kiểm tra thi thử theo cấu trúc đề thi minh họa mà Bộ Giáo dục và Đào tạo công bố. Từ kết quả bài làm này, giáo viên bổ sung hướng dẫn cho học sinh ôn tập những kiến thức còn yếu. Trong thời gian gấp rút này, các thầy cô giáo rèn luyện cho học sinh có kỹ năng làm bài trắc nghiệm.

Cô giáo Đào Thị Thu Hường, Trường THPT Trung Văn, Quận Nam Từ Liêm, Hà Nội nói: “Các lỗi mà các con hay mắc phải, đó là hấp tấp, vội vàng. Câu hỏi trắc nghiệm có 4 đáp án thì có thể là đáp án 1, đáp án hai gần giống với đáp án đúng các con không đọc đủ 4 đáp án đó đã khoanh vào. Đấy là cái cần phải rèn lại kỹ năng làm bài trắc nghiệm cho các con. Trước tiên là phải đọc đầy đủ đáp án sau đó thì mới khoanh chứ đừng vội vàng. Sau khi làm xong, phải soát lại”.

Kỳ thi THPT Quốc gia năm 2017, các thí sinh phải làm bài thi tổ hợp gộp một lúc 3 môn thi với nhau, trước đây mỗi buổi các em chỉ phải làm một môn. Do đó, học sinh bị áp lực về kiến thức rất lớn. Theo Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Bùi Văn Ga, học sinh cần chú tâm ôn tập ở nhà, không nên đi luyện thi ở ngoài vừa tốn thời gian lại vừa ảnh hưởng tới sức khỏe.

“Sự đổi mới thi làm cho các em thi nhẹ nhàng hơn. Vì vậy, các em không cần phải lo lắng. Trước hết nội dung thi vẫn nằm trong chương trình lớp 12 không cần yêu cầu các em học ở đâu xa. Thứ hai thi trắc nghiệm các em sẽ bao quát hết kiến thức chương trình. Các em không sợ may rủi cho nên cứ ôn tập đầy đủ các chương trình là có thể thi tốt được, còn đối với việc tuyển sinh đại học, cao đẳng các em có nhiều nguyện vọng hơn”, Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Bùi Văn Ga cho biết thêm.

Kỳ thi THPT quốc gia 2017 sẽ chính thức diễn ra từ ngày 22/6 đến ngày 24/6. Ngày 22/6, buổi sáng các thí sinh làm bài thi môn Ngữ văn, buổi chiều thi môn Toán. Ngày 23/6, buổi sáng thí sinh thi các môn tổ hợp khoa học tự nhiên gồm Vật lý, Hóa học, Sinh học, buổi chiều thi môn Ngoại ngữ. Ngày 24/6, buổi sáng thí sinh làm bài thi các môn tổ hợp khoa học xã hội gồm Lịch sử, Địa lý, Giáo dục Công dân./.

Theo VOV

TIN LIÊN QUAN