Thay đổi cách tiếp cận trong phân bổ nguồn lực từ chính sách giảm nghèo

24/06/2017 07:20

(Baonghean) - Để nguồn lực đầu tư cho giảm nghèo trở thành động lực cho người nghèo cần có cách tiếp cận hiệu quả hơn. Đó là các chính sách giảm nghèo cần tích hợp, tránh đầu tư dàn trải, hướng đến hỗ trợ gián tiếp. Đồng thời phân loại đối tượng theo nhóm hộ nghèo để có chính sách tác động phù hợp theo từng nhóm, không nên cào bằng.

Giảm hỗ trợ trực tiếp

Giảm nghèo giai đoạn 2016 - 2020 được tiếp cận theo phương pháp đa chiều. Nghĩa là, giảm nghèo ở đây không chỉ căn cứ vào tiêu chí thu nhập, mà còn tính đến khả năng tiếp cận các dịch vụ cơ bản về y tế, giáo dục, nhà ở, nước sạch và vệ sinh, thông tin.

Qua chương trình giám sát của Thường trực HĐND tỉnh, thực tiễn các địa phương, các ngành liên quan đã có những phản hồi để khắc phục những hạn chế đã được chỉ ra, hoàn thiện hơn các chính sách giảm nghèo bền vững trên địa bàn tỉnh, trong đó có những cách tiếp cận hợp lý và hiệu quả hơn về cả chính sách lẫn quá trình thực hiện. Trước hết, đó là việc xây dựng và ban hành chính sách về phân bổ và sử dụng nguồn lực giảm nghèo, nên thực hiện theo hướng giảm các chương trình hỗ trợ trực tiếp mà tăng đầu tư gián tiếp thông qua việc xây dựng cơ sở hạ tầng và mô hình kinh tế…

Đoàn giám sát HĐND tỉnh trao đổi với cán bộ xóm Yên Thịnh, xã Diễn Kim về triển khai các chính sách cho hộ nghèo. Ảnh: Thành Duy
Đoàn giám sát HĐND tỉnh trao đổi với cán bộ xóm Yên Thịnh, xã Diễn Kim về triển khai các chính sách cho hộ nghèo. Ảnh: Thành Duy

Xã Hữu Kiệm (huyện Kỳ Sơn) có tổng số 9/9 bản thực hiện chương trình mục tiêu Quốc gia giảm nghèo bền vững, trong đó có 9 bản thuộc diện đặc biệt khó khăn, số hộ nghèo chiếm tỷ lệ gần 40%, số hộ cận nghèo là 15,5% vào năm 2016. Từ thực tế triển khai ở địa phương, ông Nguyễn Hữu Lượng - Chủ tịch UBND xã Hữu Kiệm cho rằng, cần có các chính sách hỗ trợ gia đình thuộc diện cả hộ cận nghèo lẫn hộ nghèo mới thoát nghèo có như vậy mới tránh tái nghèo.

Đồng tình với ý kiến trên, Phó Chủ tịch UBND huyện Kỳ Sơn - bà Vi Thị Quyên đề nghị: Nâng mức hỗ trợ để thực hiện các hạng mục đầu tư hạ tầng, cấp vốn kịp thời để triển khai thực hiện; đồng thời dừng thực hiện đối với các chương trình hỗ trợ trực tiếp cho hộ nghèo với định mức thấp vì không những không mang lại hiệu quả mà còn gây tâm lý trông chờ, ỷ lại.

Còn Chủ tịch UBND xã bãi ngang Diễn Kim (huyện Diễn Châu) Phạm Xuân Bang cho rằng, Chính phủ cần khảo sát, đánh giá, nghiên cứu thực tế tại các địa phương để có chính sách giảm nghèo sát thực, vừa hiệu quả cho người nghèo, vừa có hiệu quả xã hội nói chung. “Chính sách cho hộ nghèo, người nghèo nên tập trung, không nên dàn trải. Trong hộ nghèo cần phân loại cụ thể hơn để có chính sách phù hợp theo nhóm hộ nghèo: nhóm hộ nghèo nhiều năm liền, nhóm hộ nghèo có khả năng thoát nghèo, nhóm hộ nghèo tạm thời do rủi ro” - ông Bang đề xuất.

Đồng tình với quan điểm này, ông Nguyễn Hồng Vinh - Ủy viên Ban Thường vụ, Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy; Trưởng ban Kinh tế - Ngân sách, HĐND tỉnh cho rằng: “Với những đối tượng không đủ sức lao động thì đừng xếp họ vào hộ nghèo mà phải xếp vào diện bảo trợ xã hội. Còn những ai có sức lao động nhưng không có phương pháp, kiến thức để làm ra sản phẩm hoặc lười lao động thì phân loại ra để có giải pháp giảm nghèo hiệu quả”.

Theo đánh giá của Thường trực HĐND tỉnh thông qua giám sát tại một số địa phương, thì vẫn còn một số cấp ủy, chính quyền chưa thật sự quan tâm đến công tác giảm nghèo và xây dựng kế hoạch, lộ trình cụ thể cho công tác giảm nghèo. Do đó, việc thực hiện công tác giảm nghèo đòi hỏi tinh thần chủ động, sáng tạo hơn của cấp ủy, chính quyền các cấp. Về vấn đề này, ông Hoàng Danh Truyền - Phó Chủ tịch UBND huyện Yên Thành bày tỏ: Công tác xóa đói, giảm nghèo cần phải luôn đặt dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo và kiểm tra của các cấp ủy Đảng, phát huy vai trò của cán bộ, đảng viên trong hoạt động giảm nghèo.

Giám sát chặt việc giảm nghèo bền vững

Có thể nói, chưa bao giờ Thường trực HĐND tỉnh thực hiện một chương trình giám sát, quy mô và toàn diện về công tác giảm nghèo bền vững trên địa bàn tỉnh như vừa qua. Hơi thở từ thực tiễn ở cơ sở là chất liệu quan trọng để cơ quan đại biểu dân cử có được cái nhìn toàn diện về bức tranh công tác giảm nghèo. Kết quả đạt được là rất quan trọng và hết sức ý nghĩa, nhưng tồn tại, hạn chế chỉ ra cần tháo gỡ cũng đặt ra hết sức bức thiết.

Vì muốn phát triển bền vững thì một trong những vấn đề quan trọng là giảm nghèo phải bền vững. Đây cũng là yếu tố rất quan trọng chi phối nhiều mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh đến năm 2020, góp phần thực hiện thành công Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVIII và Nghị quyết 26 của Bộ Chính trị về phương hướng, nhiệm vụ phát triển tỉnh Nghệ An đến năm 2020.

Với tầm quan trọng đó, qua trao đổi, ông Hoàng Viết Đường - Phó Chủ tịch HĐND tỉnh cho biết: “Kết quả giám sát việc thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2012 - 2016 sẽ được lựa chọn đưa vào nội dung chương trình kỳ họp thứ 4, HĐND tỉnh khóa XVII, nhiệm kỳ 2016 - 2021, dự kiến khai mạc vào ngày 11/7/2017 để thảo luận. Từ đó, HĐND tỉnh đưa ra các giải pháp mang tính tổng thể, vừa trước mắt, vừa lâu dài”.

Trong đó, HĐND tỉnh sẽ cùng với UBND tỉnh và các ngành nhìn nhận lại tổng thể các cơ chế, chính sách chi phối, tác động đến công tác giảm nghèo; chính sách nào thật sự hiệu quả, chính sách nào ít hiệu quả, nhất là các chính sách đối với vùng miền núi, đồng bào dân tộc; đồng thời kiểm tra tính thực tế trong việc lồng ghép các chương trình, dự án liên quan đến công tác giảm nghèo; xác định rõ vai trò trách nhiệm trong lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền, MTTQ và các đoàn thể các cấp, nhất là cơ sở trong phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

Mô hình nuôi cá ở lồng hồ Thủy điện Hủa Na (Quế Phong). Ảnh: Thành Duy
Mô hình nuôi cá ở lồng hồ Thủy điện Hủa Na (Quế Phong). Ảnh: Thành Duy

Đặc biệt, trong xây dựng các mô hình kinh tế phải thực hiện hiệu quả gắn với đào tạo, tập huấn nâng được nhận thức, tư duy của người nghèo thực sự chủ động vươn lên thoát nghèo. Thường trực HĐND tỉnh thấy rằng: Việc rà soát, kiểm tra, thanh tra, đánh giá hộ nghèo cần phải đảm bảo chính xác và khách quan, nhất là quá trình bình xét hộ nghèo phải công tâm, không để sót đối tượng hộ nghèo; để làm được điều này, đặt ra trách nhiệm rất cao của cấp ủy, chính quyền các cấp, đặc biệt cấp xã và thôn, xóm, bản.

Cùng với các giải pháp nêu trên, về cơ chế, chính sách cũng sẽ được nghiên cứu để chỉnh sửa phù hợp trong thực tế theo hướng dành nguồn lực ưu tiên xây dựng mô hình, phát triển kinh tế - xã hội, tạo được mô hình trình diễn ở mỗi địa phương để nhân rộng. Hạn chế các chính sách hỗ trợ trực tiếp có thể “dùng ngay” như: gạo và các hiện vật; tăng các chính sách hỗ trợ gián tiếp như: trợ giá giống cây, giống con mang tính dài hơi.

Song song với đó là nghiên cứu có chính sách ưu tiên mang tính chất trọng yếu cho từng vùng miền nhằm tạo điều kiện, nâng mặt bằng chung về đời sống kinh tế - xã hội giữa các địa phương, vùng miền cụ thể. “Khi làm được như vậy mới hy vọng công tác giảm nghèo mới triệt để, bền vững hơn”, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh nhấn mạnh.

Cách tiếp cận công tác giảm nghèo theo hướng giải quyết từ gốc của vấn đề mà Thường trực HĐND tỉnh đã chỉ ra qua giám sát và sẽ có những thảo luận, ban hành quyết sách chính thức tại kỳ họp vào tháng 7 tới hy vọng sẽ mang lại cách nghĩ, cách làm mới trong thực tiễn. Lúc đó nguồn lực đầu tư mới trở thành động lực thực sự để người nghèo thoát nghèo triệt để, bền vững.

Mai Hoa - Thành Duy

TIN LIÊN QUAN