Cần bổ sung quy định trách nhiệm quản lý nhà nước về thuỷ sản của UBND cấp huyện, xã

20/06/2017 15:51

(Baonghean.vn)- Tham gia phiên thảo luận tại hội trường kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XIV về Luật Thủy sản (sửa đổi), ngày 20/6, đại biểu Trần Văn Mão - Phó trưởng đoàn đại biểu Quốc hội Nghệ An đề nghị làm rõ khái niệm về nguồn lợi thủy sản, quy định cụ thể trách nhiệm quản lý nhà nước về thuỷ sản của UBND cấp huyện, cấp xã.

Ngày 20/6, tiếp tục chương trình kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XIV lần lượt biểu quyết thông qua Luật trách nhiệm bồi thường của Nhà nước (sửa đổi); Luật Trợ giúp pháp lý (sửa đổi); Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Hình sự số 100/2015/QH13; Nghị quyết về việc thi hành Bộ luật Hình sự; Luật cảnh vệ; Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ và thảo luận tại hội trường về Dự án Luật Thủy sản (sửa đổi)

Theo đại biểu Trần Văn Mão, dự thảo Luật mới ban hành nhằm thiết lập khung pháp lý điều chỉnh các quan hệ xã hội đối với ngành Thủy sản, đồng thời cải thiện môi trường kinh doanh trong hoạt động thủy sản nhằm thực hiện tái cơ cấu, phát triển sản phẩm giá trị tăng, nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống ngư dân, ứng phó với biến đổi khí hậu, góp phần bảo vệ chủ quyền an ninh quốc gia trên biển và phát triển thủy sản bền vững, đáp ứng yêu cầu hội nhập quốc tế.

Tuy nhiên về phần giải thích từ ngữ, đại biểu Trần Văn Mão đề nghị dự thảo Luật cần giải thích khái niệm “vùng nước tự nhiên” tại khoản 1 điều 3 là gì, những ao, hồ, kênh mương, nhân tạo có được coi là vùng nước tự nhiên hay không để từ đó làm rõ khái niệm về nguồn lợi thủy sản.

Đại biểu Trần Văn Mão- Phó trưởng đoàn đại biểu quốc hội tỉnh Nghệ An phát biểu tại phiên thảo luận tại hội trường sáng 30/5. Ảnh: Thanh Loan
Đại biểu Trần Văn Mão - Phó trưởng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Nghệ An phát biểu tại phiên thảo luận tại hội trường sáng 20/6. Ảnh: Huyền Thương

Về chính sách nhà nước trong hoạt động thủy sản, tại khoản 1 Điều 6 liệt kê các hoạt động được Nhà nước có chính sách đầu tư, hỗ trợ. Tuy nhiên, theo đại biểu Trần Văn Mão việc liệt kê như dự thảo đang còn tràn lan, chưa thể hiện được chính sách, hỗ trợ đặc thù cho hoạt động thuỷ sản. Do vậy, đề nghị dự thảo cần có các quy định mang tính cụ thể, rõ ràng; các cơ chế chính sách mang tính đột phá và đảm bảo nguồn lực để thực thi nhằm thúc đẩy ngành thủy sản phát triển, còn các nội dung cụ thể thì theo yêu cầu thực tiễn từng thời kỳ giao Chính phủ quy định những cơ chế, chính sách phù hợp với từng hoạt động thủy sản cụ thể.

Liên quan đến trách nhiệm quản lý nhà nước, đại biểu Trần Văn Mão cho rằng tại Điều 7 chỉ mới quy định trách nhiệm quản lý nhà nước của Chính phủ, các Bộ, ngành và UBND cấp tỉnh nhưng chưa có quy định cụ thể về trách nhiệm quản lý nhà nước về thuỷ sản của UBND cấp huyện, cấp xã.

Trong khi các cấp chính quyền địa phương có vai trò quan trọng trong triển khai thực hiện các văn bản pháp luật quy định, phát hiện và xử lý vi phạm về bảo vệ nguồn lợi thủy sản, do vậy đề nghị bổ sung trách nhiệm quản lý nhà nước của cấp huyện, cấp xã để đảm bảo vai trò quản lý của cấp cơ sở trong hoạt động thủy sản, đại biểu Trần Văn Mão lý giải.

Các đại biểu dự kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XIV. Ảnh: Tuổi trẻ
Các đại biểu dự kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XIV. Ảnh: Tuổi trẻ

Về những hành vi bị cấm trong hoạt động thủy sản, đại biểu Trần Văn Mão cho rằng, thực trạng ở các địa phương vừa qua có tình trạng lấn chiếm đất rừng phòng hộ ven biển để nuôi tôm, lấn chiếm mặt nước biển, đầm, lầy để nuôi trồng thủy sản gây ô nhiễm môi trường. Do vậy, đề nghị dự thảo Luật có các quy định cấm các nội dung này. Bên cạnh đó dự thảo luật cần có các quy định chặt chẽ về loại thủy sản ngoại lai nhằm ngăn chặn ngay từ đầu tình trạng xâm nhập các loại ngoại lai gây ảnh hưởng xấu đến môi trường và thiệt hại về kinh tế, xã hội.

Đại biểu này cũng cho rằng để đảm bảo tính chặt chẽ từ khâu nuôi trồng, khai thác, chế biến, bảo quản, cần sửa nội dung Khoản 6 Điều 8 quy định “Sử dụng hóa chất cấm, chất nổ, điện, phương pháp khai thác có tính huỷ diệt để khai thác thủy sản” thành “sử dụng thuốc, phụ gia, hóa chất thuộc danh mục cấm để nuôi, trồng thủy sản, sản xuất thức ăn nuôi, trồng thủy sản, chế biến, bảo quản thủy sản, dùng chất nổ, điện và phương pháp khai thác có tính huỷ diệt để khai thác thủy sản”.

Về tổ chức cộng đồng quản lý hoạt động thủy sản, tại khoản 2 Điều 11 quy định “cơ quan có thẩm quyền giao quyền khai thác nguồn lợi thuỷ sản cho tổ chức cộng đồng đồng thời là cơ quan thực hiện thu hồi quy chế hoạt động, kế hoạch quản lý của tổ chức cộng đồng khi có vi phạm”, theo đại biểu Trần Văn Mão quy định việc “thu hồi quy chế” là không phù hợp. Vì quy chế hoạt động, kế hoạch quản lý của tổ chức cộng đồng là do tổ chức cộng đồng đó xây dựng và triển khai thực hiện khi cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt, đây không phải là một loại hình cấp giấy phép cho nên đặt ra vấn đề thu hồi là không phù hợp.

Khi có vi phạm thì phải xử lý và có chế tài cụ thể như thu hồi quyền khai thác nguồn lợi thuỷ sản cho tổ chức cộng đồng đó, chứ không phải là thu hồi quy chế hoạt động, kế hoạch quản lý của tổ chức cộng đồng. Vi vậy, đề nghị cơ quan soạn thảo nghiên cứu, chỉnh sửa cho phù hợp.

Cũng theo đại biểu Mão thì việc dự thảo Luật Thủy sản (sửa đổi) nên có quy định cụ thể việc phân quyền quản lý để UBND các cấp có thể thực hiện việc giao quyền khai thác nguồn lợi thuỷ sản cho các tổ chức cộng đồng trong phạm vi quản lý của mình. Bởi nếu quy định chung chung sẽ khó triển khai thực hiện khi Luật ban hành mà chưa có Nghị định hướng dẫn.

PV-CTV

TIN LIÊN QUAN