ĐT U22 Việt Nam: Thành bại tại thủ môn?

07/07/2017 10:54

(Baonghean.vn) - Người ta từng nói, thủ môn chiếm 50% sức mạnh của đội bóng. Liệu điều đó có chính xác với ĐT U22 Việt Nam ở thời điểm này?

“Mắt xích” yếu nhất

Để chuẩn bị cho VL U23 châu Á và đặc biệt là SEA Games 29 diễn ra vào tháng 8 tới đây, HLV Nguyễn Hữu Thắng đã triệu tập những thủ môn được đánh giá là xuất sắc nhất của bóng đá nước nhà ở lứa tuổi U22, gồm: Minh Long, Sỹ Huy (Hà Nội FC), Tiến Dũng (FLC Thanh Hóa), Văn Trường (HAGL).

4 gương mặt vừa nêu, không cần phải bàn cãi về mặt tài năng nhưng phong độ và tâm lý thi đấu lại là điều khiến các nhà chuyên môn, những người hâm mộ không khỏi lấn cấn, bất an. Bởi ở cấp CLB, những thủ môn này đều chỉ đóng vai trò dự bị. Ngoài thủ môn Minh Long được xỏ găng vào sân vỏn vẹn 180 phút (2 trận đấu) trong màu áo Hà Nội FC, thì Sỹ Huy, Tiến Dũng và Văn Trường chưa được đứng trong khung gỗ tại mùa giải năm nay.

Thủ môn Minh Long cũng chỉ là cầu thủ dự bị ở Hà Nội FC suốt thời gian qua.  Ảnh: Internet
Thủ môn Minh Long cũng chỉ là cầu thủ dự bị ở Hà Nội FC suốt thời gian qua. Ảnh: Internet

Ở những vị trí khác (trung vệ, tiền vệ, tiền đạo), ra sân nhiều hay ít không quá ảnh hưởng nhiều đến tâm lý và phong độ thi đấu. Tuy nhiên, vị trí thủ môn là nơi chịu nhiều áp lực nhất, ảnh hưởng rất nhiều đến thành tích chung của cả đội. Một sai lầm nhỏ của “người gác đền” sẽ khiến đội bóng phải trả những cái giá khá đắt.

Có câu, “trăm hay không bằng tay quen”. Tài năng có xuất sắc đến đâu, nếu không được thi đấu thường xuyên thì cũng dẫn đến nguy cơ bị thui chột. Cho nên, việc cả 4 thủ môn của ĐT U22 Việt Nam phải mòn mỏi “mài đũng quần” trên băng ghế dự bị ở cấp CLB, là điều hết sức lo lắng.

Quãng thời gian hơn 1 tháng tập luyện và những trận đấu tại VL U23 châu Á 2018, BHL ĐT U22 Việt Nam phải vô cùng vất vả mới có thể giúp các thủ môn đạt được trạng thái tâm lý lẫn phong độ cao nhất tại SEA Games 29. Như vậy, vị trí thủ môn chính là “mắt xích” yếu nhất của ĐT U22 Việt Nam ở đợt tập trung lần này.

Tiếng nói từ quá khứ

Trong bóng đá hiện đại, vai trò của thủ môn là hết sức quan trọng, góp phần quyết định đến thành - bại của mỗi đội bóng. Bản thân các đội tuyển bóng đá Việt Nam (ĐTVN, U23 Việt Nam, U19 Việt Nam...) đều không ít lần phải “ôm hận” vì những sai lầm đến từ “người gác đền”.

Chẳng nói đâu xa, tại trận bán kết lượt về AFF Cup 2016 giữa ĐTVN và ĐT Indonesia trên sân Mỹ Đình, thủ thành Nguyên Mạnh đã bị trọng tài chính truất quyền thi đấu sau tình huống đánh nguội cầu thủ đối phương. Hành động mất kiểm soát của thủ môn quê Nghệ An, chính là một trong những nguyên nhân khiến ĐTVN rời giải trong cay đắng.

Trước Nguyên Mạnh là thủ môn Tấn Trường. Trong trận lượt đi bán kết AFF Cup 2010 giữa ĐTVN và ĐT Malaysia diễn ra trên đất người Mã, thủ thành quê Đồng Tháp đã đóng vai “tội đồ” trong cả 2 bàn thua của đội nhà. Nhờ chiến thắng với tỉ số 2 - 0 từ những pha dứt điểm đầy may mắn của tiền đạo Safee, Malaysia tiến một mạch lên ngôi vô địch AFF Cup 2010.

Tình huống thủ môn Tấn Trường mắc sai lầm trong bàn mở tỉ số của Safee (Malaysia).  Ảnh: Internet
Tình huống thủ môn Tấn Trường mắc sai lầm trong bàn mở tỉ số của Safee (Malaysia). Ảnh: Internet

Xa hơn nữa là tại trận chung kết Tiger Cup 1998 (tiền thân của AFF Cup) giữa ĐTVN và ĐT Singapore diễn ra trên sân Hàng Đẫy, thủ môn Tiến Anh đã có pha ra vào không hợp lý giúp hậu vệ Sasikuma ghi bàn thắng duy nhất của trận đấu. Đây là thất bại được xem là cay đắng nhất trong lịch sử bóng đá Việt Nam.

Và thật trùng hợp, giải đấu thành công nhất của ĐTVN là kỳ AFF Cup 2008 lại gắn với sự xuất sắc của người trấn giữ khung thành. Cách đây gần 9 năm, ĐTVN dưới sự dẫn dắt của HLV Calisto đã vượt qua các đối thủ mạnh như Singapore, Thái Lan để lần đầu tiên lên ngôi vô địch AFF Cup.

Ở giải đấu lần đó, ngoài sự xuất sắc của những Công Vinh, Việt Thắng, Minh Phương, Vũ Phong, Như Thành... là những màn trình diễn chói sáng của thủ thành Dương Hồng Sơn. Với phong độ tuyệt vời trong khung thành, thủ môn sinh năm 1982 đã góp công lớn vào chức vô địch mà ĐTVN đã giành được. Dương Hồng Sơn được BTC AFF Cup 2008 trao danh hiệu “cầu thủ xuất sắc nhất giải”.

Qua những dẫn chứng sơ lược trên, chúng ta đều nhận thấy một điều rất rõ ràng: Những thất bại - thành công của bóng đá Việt Nam trong hơn 2 thập kỷ qua có liên quan trực tiếp tới phong độ, tài năng của các thủ môn. Vì vậy, ĐT U22 Việt Nam sẽ đi đến đâu tại SEA Games 29, phụ thuộc không nhỏ vào sự xuất sắc của “người gác đền” mà HLV Nguyễn Hữu Thắng trao gửi niềm tin./.

Thanh Hưng

TIN LIÊN QUAN