Cao Lãnh - Vinh - Thiên Trường: Nỗi lo phận nhà nghèo trong làng bóng đá

27/07/2017 11:14

(Baonghean.vn) - Bóng đá Đồng Tháp, Nghệ An và Nam Định có điểm chung, người dân thì cuồng nhiệt với sân cỏ nhưng không có doanh nghiệp mạnh chung tay làm bóng đá chuyên nghiệp. Giờ thì số phận 3 đội bóng đi theo những ngã đường khác nhau “một người về đỉnh cao, một người về vực sâu” nhưng vẫn còn đó nỗi lo “cơm áo, gạo tiền”.

Nỗi buồn Cao Lãnh

CLB Đồng Tháp - tượng đài của bóng đá miền Tây trước nguy cơ phải về hạng Nhì, khi lần đầu tiên trong lịch sử xếp bét bảng giải hạng Nhất. Lịch sử 17 năm V-League, bóng đá Đồng Tháp thường xuyên “trồi lên, trụt xuống” giữa hạng Nhất và năm V-League.

Các cầu thủ trẻ Đồng Tháp đã phải đá trận play-off để giành quyền trụ lại hạng Nhất. Ảnh: Internet
Các cầu thủ trẻ Đồng Tháp đã phải đá trận play-off để giành quyền trụ lại hạng Nhất. Ảnh: Internet

Nguyên nhân chủ yếu cũng là “vì nghèo” không có tiền giữ chân cầu thủ và mua ngoại binh tốt, lương thưởng èo uột nên không có HLV, cầu thủ giỏi. Kinh phí chỉ có 15 tỷ đồng/mùa bóng, Công ty CP bóng đá Đồng Tháp lại không có tiếng nói chung với Sở VH-TT&DL trong việc phát triển bóng đá tỉnh nhà.

Đồng Tháp đã đặt mục tiêu Top 3 ở giải hạng Nhất 2017 bằng đội hình U17 vừa vô địch quốc gia. Do cầu thủ non kém về kinh nghiệm thi đấu và HLV Bùi Văn Đông (thay thế HLV Trần Công Minh) cũng như Giám đốc điều hành CLB Trần Quốc Trường không phải là người “thạo việc” khiến Đồng Tháp xếp cuối bảng nên phải đá tranh vé trụ hạng với đội xếp thứ tứ 4 giải hạng Nhì.

Dù HLV Trần Công Minh đã chia sẻ: “Nếu không thể chèo lái Đồng Tháp trụ lại giải hạng Nhất có thể gọi là nỗi đau lớn cho bóng đá quê nhà. Tôi sẽ động viên các học trò cố gắng hết mình cho trận play-off. Tôi tin tưởng các cầu thủ sẽ không phụ lại niềm tin của người hâm mộ Đồng Tháp”.

Việc Đồng Tháp đã phải thay tướng giữa dòng, khi mời trở lại HLV Trần Công Minh để "chữa cháy" có thể cứu đội bóng này một mùa nhưng không phải là cách làm căn cơ.

Niềm vui Thiên Trường

Theo chiều ngược lại, đội bóng thành Nam đã trở lại “mái nhà xưa” sau 7 năm vắng bóng tại V-League. Với những cái tên Hữu Quý, Bá Thành, Hạ Long - Mạnh Cường, Hữu Định, Văn Hiệp… Đa phần các cầu thủ là những người do chính Nam Định đào tạo và giành chức vô địch giải U21 QG 2011.

Niềm vui ngày thăng hạng của các cầu thủ Nam Định. Ảnh: Internet
Niềm vui ngày thăng hạng của các cầu thủ Nam Định. Ảnh: Internet

Theo thống kê, độ tuổi trung bình của các cầu thủ Nam Định hiện tại là 23,9 nên trên lý thuyết là khá sung sức và đang trong giai đoạn đầu của đỉnh cao phong độ. Phần nội binh, cũng như SLNA đội bóng thành Nam có các tuyến trẻ, đào tào cơ bản để chủ động nguồn cầu thủ cho đội 1.

Trên băng ghế chỉ đạo, ngoài HLV Phạm Hồng Phú đã nhiều năm gắn bó với bóng đá Nam Định họ còn có Giám đốc kỹ thuật Nguyễn Văn Sỹ, một đứa con thành Nam đã chinh chiến V-League nhiều năm. Bộ đôi này hoạt động ăn ý và tỏ ra mát tay suốt cả mùa giải hạng Nhất vừa qua.

Theo quy định của VFF về tài chính, Nam Định phải chứng minh trong két có tối thiểu 35 tỷ đồng để đủ điều kiện tham dự V-League 2018. Nhiều người nhận định, đây không phải là điều kiện quá khó, khi các đại gia thành Nam đang say sưa với niềm vui bất ngờ.

Nhưng làm sao để duy trì được nguồn kinh phí nuôi đội bóng chơi V-League lâu dài và trước mắt có tiền mua ngoại binh là một vấn đề không đơn giản. Rút kinh nghiệm bài học của Kiên Giang, An Giang khi phụ thuộc vào một nhà tài trợ, khi bị lâm thế “rút củi đáy nồi” sẽ lâm nguy lần này, đội bóng Nam Định sẽ thành lập công ty cổ phần với hơn 20 doanh nghiệp tham gia.

Không biết liệu người thành Nam có cùng nhau giữ được đội bóng thân yêu của mình hay không?

Nỗi lo sân Vinh

So với các đội bóng “con nhà nghèo”, số phận của SLNA khá hơn, họ là đội 38 năm nay, chưa 1 lần xuống hạng và bảng vàng thành tích có vô số chiếc Cúp, đủ mọi cấp độ. Nhưng việc 3 mùa giải V-League gần đây thành tích BXH của đội 1 đứng thứ 5,7,9 có chiều hướng ngày càng đi xuống cùng các đội trẻ trắng tay tại các giải đấu đã gióng lên hồi chuông báo động.

SLNA cũng xảy ra hiện tượng, “chảy máu quần đùi, áo số” khi các cầu thủ, HLV thành danh lần lượt ra đi, CLB cũng chỉ có duy nhất 1 nhà tài trợ Bắc Á, may rủi trông chờ vào đấy.

Gần đây, trên khán đài sân Vinh đã vắng bóng khán giả, giống hệt sân Cao Lãnh trước đây, thành phần BHL cũng không có sự ổn định cần thiết. Việc mua ngoại binh cũng diễn ra y chang ở Cao Lãnh, các cầu thủ mua về chỉ đá cắc-bụp, không gánh được nội binh.

Ba đội bóng, ở 3 địa phương nghèo khá xa nhau nhưng có những nét tương đồng. Một đội đang chuẩn bị đi đá play-off, một vừa reo vui khi được thăng hạng và một đang trồi trụt ở cuối BXH V-League. Đó đang là thực trạng của bóng đá chuyên nghiệp Việt Nam, các CLB chỉ mới có người làm chuyên môn đơn thuần mà thiếu đi những con người biết kinh doanh bóng đá!

AT

TIN LIÊN QUAN