Xóa tư tưởng muốn nghèo để thụ hưởng chính sách
(Baonghean) - Vì sao kết quả giảm nghèo vẫn chưa được như mong muốn? Có nhiều nguyên nhân được chỉ ra, song bao trùm lên các nguyên nhân chính là yếu tố con người. Qua giám sát của Thường trực HĐND tỉnh cho thấy, thực trạng không chỉ một bộ phận người nghèo, mà còn có cả những thôn, bản, xã… muốn được nghèo để thụ hưởng chính sách.
» Bất cập về mô hình làm ăn và khâu đào tạo nghề
Xã nghèo không muốn… thoát nghèo
Quá trình giám sát ở các địa phương miền núi cao, đồng bằng và đồng bằng ven biển trên địa bàn tỉnh của Thường trực HĐND tỉnh cho thấy, hầu như tất cả các báo cáo đánh giá của các địa phương cấp xã, huyện đều chỉ rõ nguyên nhân, hạn chế là một bộ phận người nghèo còn tư tưởng trông chờ, ỷ lại, chưa nỗ lực vươn lên thoát nghèo, làm giàu.
Theo phân loại của Sở Lao động - Thương binh và Xã hội thì toàn tỉnh có hơn 7.478 hộ thuộc các đối tượng bảo trợ xã hội của tỉnh, chiếm hơn 9,33% so với số hộ nghèo. Các đối tượng này là những người tàn tật, trẻ em mồ côi, người già neo đơn không nơi nương tựa,... thiếu sức lao động nên khó thoát nghèo.
Nhưng cũng có đến khoảng 65% là hộ nghèo còn nằm trong độ tuổi lao động, song tại sao họ vẫn nghèo là điều phải suy nghĩ, trăn trở.
Phó Chủ tịch HĐND tỉnh Cao Thị Hiền trao đổi với gia đình chị La Thị Dung là hộ tái nghèo tại bản Na Lượng 1, xã Hữu Kiệm (Kỳ Sơn). Ảnh: Thành Duy |
Thống kê ra các chính sách mà người nghèo hiện nay được thụ hưởng để lý giải một phần nguyên nhân cho thực trạng trên. Về các chính sách chung, người nghèo hiện đang được hưởng tín dụng ưu đãi, hỗ trợ về y tế, giáo dục, nhà ở, tiền điện, đào tạo nghề, trợ giúp pháp lý.
Ngoài ra, huyện nghèo, hộ nghèo còn được thụ hưởng các dự án thành phần thuộc Chương trình Mục tiêu Quốc gia giảm nghèo bền vững gồm: Chương trình 30a, Chương trình 135, hỗ trợ phát triển sản xuất, đa dạng hóa sinh kế ngoài Chương trình 30a và Chương trình 135; chính sách của tỉnh hỗ trợ các xã có tỷ lệ hộ nghèo 30% trở lên và nguồn hỗ trợ từ xã hội hóa.
Có thể nói, việc thiết kế, ban hành các chính sách này là hoàn toàn đúng đắn, thể hiện truyền thống “lá lành đùm lá rách”, sự chăm lo của Đảng, Nhà nước và toàn xã hội cho người nghèo, địa phương nghèo.
Thông qua các chính sách này, nhiều người nghèo đã vươn lên thoát nghèo, nhưng có một thực tế là một bộ phận người nghèo lại vin vào các chính sách này để không muốn thoát nghèo, thậm chí có tâm lý trông chờ, ỷ lại một cách nặng nề nhằm được thụ hưởng chính sách. Tâm lý trông chờ, ỷ lại của một bộ phận người nghèo không phải đến bây giờ mới được đề cập, mà đây đã là vấn đề làm đau đầu của những nhà hoạch định, ban hành và cả thi hành chính sách.
Đề cập đến thực trạng này, Phó Chủ tịch UBND huyện Quế Phong, ông Lang Văn Minh ví chính sách giảm nghèo hiện nay như “xòe bàn tay” mà không có trọng tâm, trọng điểm. Để giảm nghèo một cách bền vững thì trước hết phải phân loại chính xác các hộ nghèo: Đối với các hộ già cả không nơi nương tựa hoặc hộ không có sức lao động thì Nhà nước xác định đây là các hộ cần được bảo trợ; đối với những hộ tích cực lao động, mong muốn tiếp cận nguồn vốn, khoa học kỹ thuật và các điều kiện sản xuất khác để thoát nghèo thì cần có chính sách hỗ trợ, khuyến khích.
Tránh tình trạng cứ cho không vì thực tế đơn cử có hộ được cấp cho con bê để chăm sóc có điều kiện thoát nghèo, nhưng khi trong nhà có người chết thì đem làm thịt để cúng tế.
Đồng tình với tồn tại này, nhưng một số thành viên đoàn giám sát của HĐND tỉnh cho rằng đánh giá như vậy vẫn chưa thỏa đáng. Từ số liệu thực tế, mặc dù nguồn đầu tư, hỗ trợ để giảm nghèo lớn, nhưng chỉ có 4 xã, 25 thôn bản ra khỏi Chương trình 135 giai đoạn 2011- 2016, song ngược lại danh sách số xã thuộc Chương trình 135 lại được tiếp tục bổ sung thêm 1 xã.
Bên cạnh đó còn có thực trạng cán bộ cũng đang muốn xã nghèo, huyện nghèo để hưởng chế độ. Như thế còn tồn tại tâm lý không chỉ người dân mà ngay cả thôn, bản, xã, thậm chí huyện cũng chưa muốn thoát nghèo...
Cần đánh giá đúng thực trạng
Như vậy, việc tuyên truyền, nâng cao ý thức của người nghèo và cả cán bộ một số địa phương cũng là vấn đề hết sức quan trọng trong thực hiện các giải pháp giảm nghèo bền vững. Tại cuộc giám sát của Thường trực HĐND tỉnh ở huyện Kỳ Sơn, ông Nguyễn Thanh Hoàng - Chủ tịch UBND huyện này cho hay, mỗi năm địa phương có khoảng 1.000 học sinh tốt nghiệp cấp 3 và cấp 2, nhưng không tiếp tục học lên rất cần giải quyết việc làm.
Ông Hoàng đã trực tiếp làm việc với Trường Cao đẳng GTVT miền Trung và Trường Cao đẳng nghề số 4 - Bộ Quốc phòng ở TP. Vinh để tuyển sinh đào tạo nghề cho thanh niên địa phương. Tuy nhiên, điều lo lắng nhất chính là trở ngại về tâm lý, tư duy, rằng liệu những thanh niên này có muốn được học nghề, có nghề để thoát nghèo hay không; hay nhập học rồi lại bỏ về?.
“Cốt lõi nhất để làm sao cho họ tự đi học, tự nguyện để phát triển kinh tế, nếu bằng một quyết định hành chính để "ép" họ thì không bền”, ông Hoàng nói và cho biết thêm, Ban Thường vụ Huyện ủy Kỳ Sơn xác định việc tuyên truyền, tư vấn để thay đổi nhận thức là vấn đề cốt lõi để phát huy nội lực nhằm thực hiện tốt công tác giảm nghèo bền vững.
Địa phương đã triển khai công tác tuyên truyền đến tận bản về các nội dung hướng nghiệp, dạy nghề. Lãnh đạo huyện cũng đã giao phòng GD&ĐT giao cho giáo viên chủ nhiệm tư vấn học nghề cho học sinh.
Đồng tình với giải pháp trên, ông Vương Quang Minh - Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh cho rằng, trong các giải pháp giảm nghèo thì vấn đề cần quan tâm hàng đầu là nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền nhằm tạo bước chuyển về nhận thức, từ bỏ tâm lý “bám” vào chính sách trong cán bộ và nhân dân, phải có ý chí vươn lên thoát nghèo khi bản thân có sức lao động, khi điều kiện tự nhiên và xã hội không quá khó khăn.
Cán bộ Trạm Y tế xã Châu Thuận (Quỳ Châu) hướng dẫn người dân sử dụng thuốc. Ảnh: Thành Duy |
Ông Nguyễn Bằng Toàn - Giám đốc Sở LĐ - TB&XH cho biết: Ở Kỳ Sơn có trường hợp con cái khá giả nhưng tách khẩu để bố mẹ vào các bản khó khăn nhằm hưởng chính sách hộ nghèo. Hay như quá trình rà soát các thôn, bản diện hưởng Chương trình 135 vừa qua, có những lãnh đạo xã, huyện tiếp cận, trao đổi để thôn, bản, xã được vào Chương trình 135.
“Không chỉ Sở LĐ-TB&XH mà cả hệ thống chính trị phải kiên quyết đánh giá đúng thực trạng các địa phương. Vì trước nay tỉnh chủ yếu định hướng, ban hành cơ chế, chính sách, hướng dẫn, kiểm tra, giám sát, còn tổ chức thực hiện vẫn là huyện, xã, thôn, bản, gia đình”, ông Toàn nhấn mạnh.
Ở chừng mực nào đó, nguyên nhân của tâm lý “thích được nghèo” của lãnh đạo một số địa phương, theo chúng tôi còn do mức độ nguồn lực đầu tư phân tán, nhỏ lẻ, thực sự chưa đáp ứng được nhu cầu… nên chưa tạo được cú hích thực sự mạnh mẽ cho địa phương đó. Điều này sinh ra hiệu ứng ngược là nhiều thôn bản, thậm chí là xã “phấn đấu” được nghèo để tận dụng chính sách.
Do đó, cần có cách tiếp cận phù hợp hơn trong phân bổ nguồn lực, không dàn trải; đồng thời gắn với việc giao trách nhiệm, tiêu chí đánh giá thi đua của từng địa phương để giảm nghèo thực sự nhanh và quan trọng hơn là bền vững, dứt điểm; người nghèo, thôn bản nghèo, xã nghèo… có thể tự tin trên con đường phát triển, không bị “hụt hơi” khi không còn nguồn lực giảm nghèo tiếp sức.
(Còn nữa)
Thành Duy - Mai Hoa