Chuyện về những người lính thời bình

20/05/2017 11:00

(Baonghean) - Những chia sẻ, tâm tình tại buổi giao lưu điển hình tiên tiến toàn quân tối 16/5 đã mang đến cảm xúc trân trọng, tự hào về những người bộ đội Cụ Hồ thời kỳ mới.

Tối 16/5, tại hội trường Quân khu 4, Bộ Quốc phòng tổ chức buổi giao lưu điển hình tiên tiến toàn quân thực hiện Cuộc vận động “Phát huy truyền thống, cống hiến tài năng, xứng danh Bộ đội Cụ Hồ”. Những chia sẻ, tâm tình tại buổi giao lưu đã mang đến cảm xúc trân trọng, tự hào về những người bộ đội Cụ Hồ thời kỳ mới.

Đại úy Trần Vũ Hợp (giữa) - Giám đốc Trung tâm nghiên cứu phát triển, Viện Ra-đa chia sẻ tại buổi giao lưu. Ảnh: Cảnh Nam
Đại úy Trần Vũ Hợp (giữa) - Giám đốc Trung tâm nghiên cứu phát triển, Viện Ra-đa chia sẻ tại buổi giao lưu. Ảnh: Cảnh Nam

Người đầu tiên lên sân khấu chia sẻ công việc, kinh nghiệm và thành tích của mình là Đại úy quân nhân chuyên nghiệp Trần Vũ Hợp - Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu phát triển, Viện Ra-đa (Viện Nghiên cứu Phát triển Viettel, Tập đoàn Viễn thông Quân đội).

Anh cho biết, cách đây 4 năm, anh nhận một nhiệm vụ vô cùng khó khăn, mới mẻ, đó là thiết kế, chế tạo đài rada cảnh giới tầm thấp dải sóng đề-xi-mét. Đây là lĩnh vực nghiên cứu hoàn toàn mới ở Việt Nam. Bản thân Đại úy Quân nhân chuyên nghiệp Trần Vũ Hợp cũng chưa có nhiều kiến thức về lĩnh vực này. Trải qua quá trình miệt mài làm việc, đến khi thử nghiệm thì chưa được như ý muốn, anh cùng đồng đội quay lại từ đầu để xác định rõ bản chất của vấn đề còn tồn tại.

Chính từ những nỗ lực ấy, sau 4 năm quyết tâm học hỏi, nắm bắt công nghệ và nghiên cứu chế tạo, anh cùng đồng đội đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao. Đó là chế tạo thành công đài ra đa cảnh giới tầm thấp dải sóng đề-xi-mét hiện đang được quân đội sử dụng.

Thành công này đã đưa Việt Nam trở thành 1 trong 9 quốc gia có năng lực quản lý vùng trời hiện đại nhất trên toàn thế giới. Đại úy Trần Vũ Hợp chia sẻ: “Chúng tôi hạnh phúc vì đã hoàn thành nhiệm vụ được giao và đã vượt lên những giới hạn của bản thân. Việc hoàn thành chế tạo loại đài ra đa cảnh giới tầm thấp dải sóng đề - xi - mét hoàn toàn dựa vào nguồn lực trong nước, mang thương hiệu “made in Việt Nam”, tôi tự hào khi làm được điều đó”.

Để lại ấn tượng sâu sắc trong buổi giao lưu còn là câu chuyện của Đại tá Nguyễn Văn Huy - Đội trưởng Đội quy tập mộ liệt sỹ (Cục Chính trị, Quân khu 2). Gần 10 năm băng rừng vượt suối, Đại tá Nguyễn Văn Huy cùng đồng đội đã tìm kiếm, cất bốc và quy tập 261 hài cốt liệt sỹ quân tình nguyện và chuyên gia Việt Nam hy sinh trên nước bạn Lào.

Đại tá Nguyễn Văn Huy chia sẻ về hàng ngàn ngày dài, đêm đằng đẵng giữa những cánh rừng thâm u của nước bạn Lào. “Đêm đến, nằm giữa những cánh rừng, nghe tiếng con hươu, con nai gọi bầy trong màn đêm dày đặc, chúng tôi không sao chợp mắt được. Chúng tôi nghĩ về người thân của các anh, ở quê nhà, biết bao bà mẹ đang khắc khoải chờ đợi được đón người con đã hy sinh trở về. Nhiều mẹ đến khi ra đi cũng không thỏa được ước nguyện. Xót xa lắm!

Chiến tranh đã đi qua lâu rồi, mọi thông tin về nơi các anh yên nghỉ bị xóa nhòa rất nhiều, khi địa hình, địa vật đã có quá nhiều thay đổi so với trước kia, nhân chứng phần lớn đều đã già yếu hoặc không còn nữa. Nếu không nỗ lực vượt khó, rất nhiều cha anh, rất nhiều đồng đội của chúng tôi sẽ phải nằm lại nơi rừng hoang, sương lạnh của nước bạn, không thể trở về với quê hương, đồng đội, với đất mẹ thân yêu.

Chúng tôi sẽ tiếp tục đi, tiếp tục tìm kiếm và đưa hài cốt liệt sỹ về nước. Bởi đó không chỉ là trách nhiệm của Đảng và Quân đội giao phó mà còn là truyền thống văn hóa, là đạo lý “uống nước nhớ nguồn” thiêng liêng của dân tộc” - Đại tá Nguyễn Văn Huy chia sẻ.

Đại tá Vương Kim Hải - Chủ nhiệm Chính trị Bộ CHQS tỉnh Nghệ An  trao cờ Tổ quốc cho như dân Quỳnh Lưu. Ảnh: Cảnh Nam
Đại tá Vương Kim Hải - Chủ nhiệm Chính trị Bộ CHQS tỉnh Nghệ An trao cờ Tổ quốc cho như dân Quỳnh Lưu. Ảnh: Cảnh Nam

Tình yêu quê hương, đất nước dường như là động lực, lấp lánh toả sáng trong những chiến công của mỗi một cán bộ, chiến sỹ. Trong đợt tôn vinh lần này, Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Nghệ An vinh dự có sự góp mặt của Đại tá Vương Kim Hải - Chủ nhiệm Chính trị Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh. Nhiều năm qua, anh luôn xông xáo, tâm huyết, trăn trở lo nghĩ để có những đề xuất, tham mưu và tổ chức nhiều mô hình hoạt động có hiệu quả thiết thực, hướng đến cuộc sống, tâm tư nguyện vọng của người dân trên địa bàn tỉnh.

Đơn cử như hoạt động trao tặng cờ Tổ quốc cho ngư dân. Anh đã chỉ đạo thành lập đội xung kích thanh niên vừa đi vận động bà con ngư dân treo cờ Tổ quốc, vừa vận động quyên góp ủng hộ, hàng tháng phối hợp với các địa phương ven biển tổ chức tặng cờ Tổ quốc và trao quà cho ngư dân. Nhờ đó, đến nay Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh Nghệ An đã tặng được hơn 10.000 lá cờ Tổ quốc và hàng trăm suất quà cho ngư dân.

Nhiều năm lại đây, Đại tá Vương Kim Hải cùng đồng đội xác định “mũi nhọn” dân vận cụ thể, thiết thực như thu gom thức ăn thừa ở các đơn vị, giúp chị em vùng giáo chăn nuôi thoát nghèo; tiết kiệm từ tăng gia sản xuất để góp phần cải thiện bữa ăn cho trẻ mồ côi, tàn tật ở Giáo xứ Bố Sơn; năng động giúp dân làm đường nông thôn mới...

Tại buổi giao lưu và tôn vinh còn có sự xuất hiện của nhiều tấm gương điển hình tiên tiến trên các lĩnh vực. Từ năm 2013, Thường vụ Quân uỷ Trung ương (Bộ Quốc phòng) phát động cuộc vận động “Phát huy truyền thống, cống hiến tài năng, xứng danh Bộ đội Cụ Hồ” đến nay, toàn quân đã có 26 tập thể, cá nhân được Đảng, Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng LLVT, Anh hùng lao động trong thời kỳ đổi mới;

703 tập thể được tặng Cờ thi đua của Chính phủ, Cờ thi đua của Bộ Quốc phòng, 11 chiến sĩ Thi đua toàn quốc... Những chiến công toả sáng trong đời thường càng khẳng định thêm niềm tin yêu, tự hào mà nhân dân đã gửi trao với những người bộ đội Cụ Hồ thời kỳ mới.

Cảnh Nam

TIN LIÊN QUAN