Cán bộ phải 'khéo kiểm soát', đẩy lùi thói tuỳ tiện trong công việc

23/07/2017 11:28

(Baonghean) - Đây là một trong những nội dung trọng tâm được thực hiện ở xã Giai Xuân, huyện Tân Kỳ nhằm đổi mới tác phong, lề lối làm việc và nâng cao hiệu quả công tác của cán bộ, công chức.

“Ngày thứ Năm vì dân” tại Ban CHQS huyện Tân Kỳ.
“Ngày thứ Năm vì dân” tại Ban CHQS huyện Tân Kỳ.

Khâu đột phá trong thực hiện Chỉ thị 05 ở huyện Tân Kỳ là làm cho tinh thần học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách của Bác thấm nhuần từ nhận thức đến hành động trong mỗi cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức trong hệ thống chính trị.

Đồng chí Phan Văn Giáp - Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy cho biết, trọng tâm thực hiện Chỉ thị 05 là việc mỗi cán bộ, đảng viên đi trước nêu gương trong việc cải cách hành chính và sửa đổi lề lối làm việc, hướng đến việc nâng cao chất lượng pthục vụ người dân và doanh nghiệp để thúc đẩy kinh tế - xã hội địa phương chuyển biến.

Giải pháp thực hiện là mở rộng đối thoại giữa Ban Thường vụ Đảng ủy xã, thị trấn với nhân dân để nắm bắt tâm tư nguyện vọng, ý kiến của đảng viên và nhân dân nhằm giải quyết kịp thời các vướng mắc, tạo sự thống nhất, đồng thuận trong cấp ủy đảng, giữa cấp ủy đảng với nhân dân.

Trong năm 2016, Huyện ủy đã chỉ đạo điểm tổ chức được 3 cuộc đối thoại tại các xã Giai Xuân, Nghĩa Hành, Tân An. Trên cơ sở đó, lan tỏa tinh thần đối thoại, lắng nghe để tiếp thu, giải trình, làm rõ các vấn đề người dân quan tâm.

Tại xã Giai Xuân, đồng chí Nguyễn Duy Kết - Bí thư Đảng ủy xã cho biết, địa phương đã lựa chọn và tập trung đổi mới tác phong, lề lối làm việc và nâng cao hiệu quả công tác của cán bộ, công chức, nhất là lãnh đạo, người đứng đầu cấp ủy, chính quyền và MTTQ, các tổ chức đoàn thể, tạo “điểm sáng về xây dựng chính quyền”.

Trong đó, tập trung xây dựng, nâng cao năng lực quản lý, điều hành, giải quyết công việc; thực hiện tốt quy chế dân chủ, tăng cường kỷ luật kỷ cương hành chính. Học tập Bác phong cách làm việc khoa học, mỗi cán bộ tại đây đã đặt kế hoạch rõ ràng, tỉ mỉ bằng cách xây dựng lịch công tác cá nhân cụ thể và được niêm yết.

Hàng tuần, cán bộ phải báo cáo lại những đầu việc đã được giải quyết và giải trình những nhiệm vụ chưa hoàn thành. Với cách làm này, mỗi người đã tự “khéo kiểm soát” và chủ động được trong công việc, đẩy lùi thói tuỳ tiện, chủ quan, thiếu kế hoạch.

Đặc biệt trong giải quyết các thủ tục hành chính, nêu cao tinh thần “đặt lợi ích của nhân dân trên hết”. Khi tiếp cận với người dân, mỗi cán bộ đều ý thức thái độ nhã nhặn, giải thích ngắn gọn, thấu đáo, giúp người dân hiểu rõ vấn đề và cùng hợp tác giải quyết.

Nhờ vậy, với một xã có lượng giao dịch lớn giữa người dân và doanh nghiệp, người dân với các đơn vị như Giai Xuân, hiếm khi xảy ra tình trạng tồn đọng. Bên cạnh nhiệm vụ tiếp dân tại trụ sở, mỗi cán bộ, công chức xã phải đề ra 2 - 3 ngày bám sát cơ sở, phản ánh kịp thời những tâm tư, nguyện vọng của người dân. Nhờ đó mà hiệu quả phục vụ nhân dân ngày được nâng lên, giải quyết kịp thời những vấn đề nổi cộm, bức xúc.

Không chỉ vậy, bằng những quyết tâm hành động, sự vào cuộc đồng bộ của cán bộ, đảng viên từ xã xuống xóm, vận dụng linh hoạt khéo léo, kiên trì bám dân, đã làm tốt công tác “dân vận khéo” trong dồn điền, đổi thửa vùng chuyên canh để trồng mía tập trung tại xóm Vạn Long và Vạn Xuân.

Chỉ tính riêng quý I năm 2017, đã hoàn thành 687/1.016 thửa, tương đương với 117,58 ha. Hai xóm từ 12 xứ đồng nay quy tụ lại còn 4 vùng, được chỉnh trang và quy hoạch mới 16 tuyến đường giao thông nội đồng phục vụ sản xuất.

Tại xã Hương Sơn đã quán triệt trong từng cán bộ, đảng viên và công chức tại đơn vị tinh thần “cần phải gần dân, trọng dân, có trách nhiệm với dân”, trong giải quyết các thủ tục phải biết đặt bản thân vào vị trí người dân, luôn đi sớm về muộn, không để xảy ra tình trạng người dân phải chờ để giải quyết công việc. “Có như vậy, mỗi cán bộ, công chức mới được nhân dân tin tưởng và quý trọng”, đồng chí Nguyễn Văn Kha - Bí thư Đảng ủy xã chia sẻ.

Song hành với nhiệm vụ chính trị, Hương Sơn còn cụ thể hoá Chỉ thị 05 bằng cách biểu dương những tấm gương sáng, điển hình tốt trong những cuộc vận động, nhằm tạo sức lan toả và ý nghĩa nhân văn cao.

Ví như chị Dương Thị Bảy, hội viên Chi hội Phụ nữ xóm Xuân Hương duy trì mỗi tháng nấu 18 bát cháo tặng người già cô đơn không nơi nương tựa, trẻ em mồ côi và tàn tật; tặng 1 suất học bổng trị giá 1,2 triệu đồng cho 1 cháu có hoàn cảnh khó khăn; vận động chị em hội viên phụ nữ mua hơn 1.800 gói tăm tre ủng hội Hội Người mù của huyện…

Còn Ban Chỉ huy quân sự huyện đã cụ thể hoá thực hiện Chỉ thị 05 bằng việc triển khai thực hiện đồng bộ 5 đột phá. Trong đó, quan trọng nhất là tập trung đổi mới thường xuyên sinh hoạt chi bộ với hình thức “tự soi, tự sửa”.

Hàng tháng, từ Đảng ủy Quân sự huyện đến các chi bộ đều chỉ ra những mặt yếu kém trong quá trình công tác, từ đó chỉ đạo các chi bộ, cán bộ, đảng viên đăng ký sửa chữa, khắc phục.

Với mô hình này, từng cá nhân và cấp ủy Đảng đã tự soi lại bản thân trong thực hiện chức trách nhiệm vụ được giao cũng như trong chấp hành chế độ nề nếp, thái độ tiếp xúc với nhân dân, từ đó để khắc phục dần khuyết điểm, phát huy mặt tích cực.

“Tự soi, tự sửa” được triển khai thực hiên cũng là gắn với thực hiện kiểm điểm theo tinh thần Nghị quyết Trung ương IV khoá XII của Đảng.

Gia đình bà Phạm Thị Bảy, xóm Vạn Xuân, xã Giai Xuân (Tân Kỳ) có gần 2 ha trồng mía, cho thu nhập 40 - 50 triệu đồng/năm. Ảnh: Mỹ Nga
Gia đình bà Phạm Thị Bảy, xóm Vạn Xuân, xã Giai Xuân (Tân Kỳ) có gần 2 ha trồng mía, cho thu nhập 40 - 50 triệu đồng/năm. Ảnh: Mỹ Nga

Mỗi cán bộ chiến sỹ Ban Chỉ huy quân sự huyện Tân Kỳ đã nêu cao tinh thần trách nhiệm trong công việc, tận tình phục vụ nhân dân, điển hình với “Ngày thứ Năm vì dân” - trực tiếp trao đổi và trả lời phúc đáp cho nhân dân tại đơn vị, và xuống tận các xã, xóm để trả lời những ý kiến đề xuất của nhân dân về các chế độ chính sách liên quan đến quân đội.

Hay như với “Ngày thứ Bảy, Chủ nhật xanh”, cán bộ Ban CHQS huyện hàng tháng kết hợp với đoàn thanh niên, hội phụ nữ tiến hành làm vệ sinh môi trường được hơn 1.500m đường giao thông, phát quang, nạo vét, khơi thông hơn 850m mương thủy lợi, giúp đỡ các gia đình chính sách, gia đình có hoàn cảnh khó khăn…

Đồng chí Nguyễn Anh Tự - Chính trị viên Ban CHQS huyện, Phó Bí thư Đảng bộ cho hay, ngoài những nội dung trên, đơn vị còn triển khai mô hình “Nâng bước em đến trường”.

Thông qua việc phát động toàn thể cán bộ, chiến sĩ của đơn vị tham gia, trong 6 tháng đầu năm 2017, đã quyên góp ủng hộ 2 xe đạp, 100 kg gạo, 100 quyển sách, vở cho học sinh có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn ở xã Nghĩa Hoàn và Đồng Văn.

Đồng chí Phan Văn Giáp - Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy Tân Kỳ, khẳng định: Qua một năm thực hiện Chỉ thị 05 của Bộ Chính trị, nhận thức của cán bộ, đảng viên và quần chúng nhân dân có nhiều chuyển biến tích cực. Cán bộ, đảng viên đã nâng cao ý thức tu dưỡng về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, khối đoàn kết nội bộ được bền chặt; các tầng lớp nhân dân luôn đồng tình, ủng hộ các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước.

Các cơ sở, đơn vị còn bổ sung, hoàn thiện chuẩn mực đạo đức nghề nghiệp, công vụ với phương châm “sát chức năng, nhiệm vụ, ngắn gọn, dễ nhớ, dễ thực hiện và đánh giá”. Nhiều cấp ủy đã đổi mới phương thức lãnh đạo, chỉ đạo theo hướng có trọng tâm, trọng điểm, phân công nhiệm vụ rõ ràng.

Để tiếp tục tạo sức sống trong thực hiện Chỉ thị 05 ở Tân Kỳ, đồng chí Phan Văn Giáp nhấn mạnh, việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh phải thực sự trở thành việc làm tự giác, thường xuyên của mỗi tổ chức, cá nhân, giải quyết kịp thời, hiệu quả các vấn đề bức xúc, nổi cộm của địa phương, đơn vị.

Mỹ Nga

TIN LIÊN QUAN