Nghệ An: 5 tháng giải quyết 72.681 hồ sơ từ dịch vụ công trực tuyến

26/06/2017 19:27

(Baonghean) - Sau hơn 5 tháng chính thức triển khai tại Nghệ An, cổng dịch vụ công trực tuyến đang dần chứng tỏ những ưu điểm nổi trội, tương xứng với nỗ lực xây dựng một nền hành chính công hiện đại. Tuy nhiên, các cơ quan, đơn vị và các địa phương vẫn cần rốt ráo hơn nữa, thay đổi nếp nghĩ, cách làm cũ của cán bộ, công chức, song hành với đẩy mạnh tuyên truyền để người dân biết và tiếp cận được với các dịch vụ trực tuyến.

Từ ngày 10/1/2017, hệ thống Cổng dịch vụ công trực tuyến và hệ thống một cửa điện tử liên thông của tỉnh chính thức được khai trương, đến nay bước đầu gặt hái được một số kết quả đáng khích lệ.

Theo Sở Thông tin và Truyền thông, tính đến ngày 8/6, hệ thống hoạt động ổn định, đảm bảo an toàn thông tin, trên toàn tỉnh tiếp nhận hơn 90.653 hồ sơ, giải quyết hơn 72.681 hồ sơ (trong đó, trước hạn là 55.140, đúng hạn là 7.113 và trễ hạn là 10.428), còn tồn 1.216 hồ sơ.

Nhiều sở, ban, ngành cấp tỉnh cùng 21 huyện, thành, thị đã công khai thủ tục hành chính lên cổng dịch vụ công trực tuyến, với tổng số 5.162 dịch vụ công, trong đó có 4.339 dịch vụ công mức độ 2, 810 dịch vụ công mức độ 3. Đặc biệt, đã có 13 dịch vụ công mức độ 4 - mức cao nhất được triển khai tại Sở Tư pháp (7 thủ tục), Sở Lao động - Thương binh và Xã hội (4 thủ tục), Sở Tài chính (1 thủ tục), Sở Văn hóa và Thể thao (1 thủ tục).

Cán bộ thao tác trên phần mềm một cửa điện tử tại UBND huyện Nghi Lộc. Ảnh: Thu Giang
Cán bộ thao tác trên phần mềm một cửa điện tử tại UBND huyện Nghi Lộc. Ảnh: Thu Giang

Có được những tín hiệu khả quan như vậy là nhờ sự tích cực, sẵn sàng của các đơn vị, địa phương, nỗ lực tiếp cận, tìm hiểu và nắm vững hệ thống cũng như cách thao tác trong thời gian ngắn, tổ chức các buổi tập huấn đến tận các cán bộ cấp xã, xây dựng bộ quy trình chuẩn để có thể phân công, phân nhiệm cho từng cán bộ, công chức, từng cá nhân trong bộ máy khi có vấn đề phát sinh.

Trong số này, nổi bật có trung tâm tiếp nhận và trả kết quả theo cơ chế một cửa của huyện Nghi Lộc, tuy không phải là huyện “điểm” của toàn tỉnh nhưng lại có cách tiếp cận quyết liệt và trăn trở trong quá trình triển khai dịch vụ công trực tuyến. Đến thời điểm hiện nay, tất cả các dịch vụ công đã được niêm yết tại địa chỉ truy cập riêng của huyện, đạt yêu cầu chuẩn mức độ 2 và đang trong quá trình thử nghiệm mức độ 3.

Bà Cao Thị Hồng Phương - cán bộ chuyên trách của bộ phận tiếp nhận và trả kết quả theo cơ chế một cửa, cho hay: “Từ khi có chủ trương của tỉnh, chúng tôi đã tích cực tham mưu và được lãnh đạo huyện chỉ đạo thực hiện quyết liệt, hàng tháng đều đôn đốc các xã trực tiếp qua điện thoại khi có dấu hiệu chậm trễ, lơ là, có báo cáo thống kê đầy đủ, nêu đích danh những xã đã làm tốt (như Nghi Văn, Nghi Xuân, Nghi Phong, Nghi Đồng,…) và cũng không ngại “điểm mặt” cả những xã còn chưa thật chịu khó, hoàn thành tốt nhiệm vụ trên (như Nghi Kiều, Nghi Xá, Nghi Hưng, Nghi Hoa,…) để họ biết mà khắc phục.

Nhờ liên tục đôn đốc mà từ 13 xã ban đầu, đến nay toàn bộ 29 xã của Nghi Lộc đã triển khai áp dụng đồng bộ các tính năng của hệ thống, quản lý hồ sơ, tài liệu bài bản và nền nếp hơn”. So với cách làm của một số địa phương là cử cán bộ các phòng chuyên môn trực tại bộ phận một cửa của huyện, tại Nghi Lộc chỉ có 1 cán bộ phụ trách khâu tiếp nhận hồ sơ vào tất cả các ngày làm việc và hầu hết các lĩnh vực, nhờ đó huyện tiết kiệm được khoản phụ cấp phải chi trả là khoảng 400.000 đồng/người/tháng, đồng thời tận dụng hiệu quả, tránh lãng phí nguồn nhân lực.

Bên cạnh đó, một khi đi vào nền nếp, tạo được thói quen cho người dân, các công dân cần giao dịch với chính quyền sẽ giảm được thời gian, chi phí đi lại, thực hiện giao dịch. Việc niêm yết công khai số hồ sơ địa phương, đơn vị đã tiếp nhận và xử lý, tỷ lệ hồ sơ xử lý đúng hạn, trước hạn và trễ là căn cứ để lãnh đạo cấp trên và nhân dân theo dõi, giám sát, là thông số giúp đánh giá về tính chuyên nghiệp của dịch vụ hành chính công cũng như năng lực, thái độ làm việc của các cán bộ, công chức trong bộ máy.

Công dân giao dịch tại bộ phận tiếp nhận và trả kết quả một cửa huyện Nghi Lộc. Ảnh: Thu Giang
Công dân giao dịch tại bộ phận tiếp nhận và trả kết quả một cửa huyện Nghi Lộc. Ảnh: Thu Giang

Tuy nhiên, qua quá trình triển khai, một số nơi thừa nhận rằng, kết quả triển khai thực hiện chưa được như kỳ vọng, với nhiều nguyên nhân và biểu hiện khác nhau: còn tồn tại song song nhiều phần mềm chứ chưa tích hợp được với nhau, mẫu biểu xử lý công việc chưa được cập nhật, chưa liên thông từ huyện tới tỉnh mà quy trình mới chỉ kết thúc ở tuyến huyện, chưa áp dụng chữ ký số trong xử lý hồ sơ, tài liệu trực tuyến, các sở, ngành chưa ban hành bộ thủ tục cấp huyện, xã, chưa có chế tài xử lý những cán bộ, công chức chậm trễ, “lười” cập nhật hồ sơ lên hệ thống,… Ở nhiều địa phương, đơn vị, trong đó có Quỳnh Lưu, “chuyển động” của cán bộ cấp xã nhìn chung chưa thật tích cực, ít nhiều tạo sức ỳ trong quá trình triển khai dịch vụ công trực tuyến của huyện.

Bà Nguyễn Thị Hương - cán bộ phụ trách bộ phận tiếp nhận và trả kết quả một cửa huyện Quỳnh Lưu chia sẻ: “Ngoài một số xã thực hiện nhập số liệu nghiêm túc, đều đặn như Tân Hải, Tân Sơn, Quỳnh Tam,…, còn lại ở nhiều xã hầu như cán bộ còn “chê” phần mềm nhiều mục, khó nhìn, khó thao tác, hoặc viện cớ bận rộn những việc khác, biện minh cho kết quả thực hiện nhiệm vụ triển khai dịch vụ công trực tuyến chưa cao.

Thời gian qua, thông qua kênh trực tiếp và tại các buổi giao ban, Quỳnh Lưu đã thẳng thắn nhắc nhở, phê bình những xã còn tồn đọng nhiều hồ sơ trong các lĩnh vực, đề nghị quy trách nhiệm cụ thể, chậm trễ đó là do cán bộ hay lãnh đạo xã để có hướng khắc phục và phòng ngừa nguy cơ tái diễn”.

Ngoài ra, dịch vụ công trực tuyến chưa thực sự phát huy hết tính năng và hiệu quả bởi phần lớn người dân chưa biết hoặc biết nhưng chưa sử dụng được công cụ trực tuyến này. Phân tích nguyên nhân dẫn tới tình trạng trên, ông Lê Văn Tân - Giám đốc Cổng Thông tin điện tử tỉnh chỉ rõ: “Hiện rất ít hồ sơ nộp trực tuyến là bởi công dân còn mang tâm lý thích đến tận nơi để giao dịch, trình độ dân trí chưa cao, khả năng làm chủ công nghệ thông tin còn hạn chế.

Giao diện cổng dịch vụ công trực tuyến UBND huyện Quỳnh Lưu.
Giao diện cổng dịch vụ công trực tuyến UBND huyện Quỳnh Lưu.

Công tác tuyên truyền cũng chưa được quan tâm đúng mực, cần tăng cường, đẩy mạnh hơn thông qua nhiều kênh khác nhau để người dân thấu hiểu rằng mục đích của dịch vụ công trực tuyến là nhằm phục vụ nhiệm vụ cải cách hành chính nói chung, giúp công khai, minh bạch thông tin, giảm chi phí đi lại, giao tiếp cho chính người dân.

Sở Thông tin và Truyền thông đã ban hành văn bản đề nghị các đơn vị tại các bộ phận giao dịch một cửa phải niêm yết hướng dẫn, quy trình nộp hồ sơ trực tuyến, tích cực vận động người dân nộp hồ sơ trên môi trường mạng internet, thiết kế pa nô, áp phích tuyên truyền để người dân tìm hiểu và nắm vững cách thức sử dụng hệ thống”.

Thời gian tới, khi Nghệ An tiếp tục triển khai thí điểm các giải pháp thanh toán không dùng tiền mặt, trong đó có giải pháp thu hộ phí, lệ phí dịch vụ hành chính công trực tuyến, người dân sẽ cảm nhận rõ hơn sự thuận tiện nhiều mặt của việc thực hiện giao dịch qua mạng với các cơ quan, đơn vị hữu quan. Cùng đó, trình độ năng lực và tác phong làm việc của các cán bộ “một cửa” nhất thiết phải được quan tâm cải thiện, chấn chỉnh, tạo sự thông suốt trong cơ chế vận hành dịch vụ công trực tuyến.

Thu Giang

TIN LIÊN QUAN