Những bệnh cần đề phòng khi trời nóng 40 độ

04/06/2017 14:51

Người bệnh cao huyết áp hay có vấn đề tim mạch, hô hấp; trẻ em và người lớn tuổi cần chăm sóc kỹ sức khỏe khi thời tiết nắng nóng kéo dài.

Mỗi ngày, khoa Khám bệnh, Bệnh viện Nhi Trung ương (Hà Nội) tiếp nhận khoảng 3.200-3.500 bệnh nhi đến khám, chủ yếu là các bệnh sốt virus, tiêu chảy, viêm đường hô hấp… Nguyên nhân được các bác sĩ nhận định là do nhiệt độ miền Bắc đang vào đỉnh nóng kỷ lục, có lúc trên 40 độ. Dự báo nếu thời tiết còn nắng nóng kéo dài, số lượng bệnh nhi nhập viện còn tăng.

Dưới đây là các bệnh thường tấn công mọi người trong thời tiết nắng gắt, theo khuyến cáo của các bác sĩ.

Bệnh tim mạch

Thời tiết nóng tác động đến huyết áp, nhất là ở người bị bệnh mãn tính, bệnh nhân sau can thiệp, suy tim… Bệnh có thể tiến triển nặng, người bệnh lên cơn đau cấp tính, phải đi cấp cứu, thậm chí có thể dẫn tới đột quỵ. Trời nóng cũng khiến thói quen sinh hoạt của người dân thay đổi. Bệnh nhân suy tim mà uống nhiều nước hơn sẽ làm tăng khối lượng tuần hoàn, dẫn đến bị suy nặng hơn.

Vì thế, bạn nên uống nước vừa đủ, không nên uống quá nhiều, nhất là những người uống nhiều mà không ra mồ hôi. Bệnh nhân suy tim nên khống chế lượng nước đầu vào, khi nào khát thì uống. Người bệnh mãn tính phải uống thuốc đều đặn theo chỉ định, đặc biệt là người già.

Bệnh đường hô hấp

Viêm đường hô hấp thường có nguyên nhân do trẻ bị nhiễm lạnh. Khi trẻ nóng, mồ hôi ra nhiều làm ướt áo, nếu bật quạt gió mạnh trực tiếp vào người thì mồ hôi sẽ bay hơi nhanh làm cho nhiệt độ giảm dẫn đến nhiễm lạnh. Bên cạnh đó, bật nhiệt độ điều hòa nhiệt độ quá thấp trong phòng ngủ cũng gây cho trẻ bị nhiễm lạnh. Trong điều kiện như vậy, trẻ rất dễ bị viêm họng cấp, viêm amidan, viêm phế quản, biến chứng viêm phổi...

nhung-benh-can-de-phong-khi-troi-nong-40-do

Trẻ chờ khám tại Bệnh viện Nhi Trung ương. Ảnh: L.T.

Theo tiến sĩ Nguyễn Tiến Dũng, nguyên Trưởng khoa Nhi, Bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội), nhà có điều hòa nên đặt ở nhiệt độ 27-28 độ C. Lưu ý, không để điều hòa quá thấp, chênh lệch nhiệt độ lớn so với môi trường bên ngoài (không quá 5 độ C). Khi đã ở trong phòng điều hòa thì không nên để trẻ chạy ra vào phòng liên tục, sự thay đổi nhiệt độ đột ngột cũng khiến trẻ dễ đổ bệnh.

Tùy theo lứa tuổi của trẻ, cha mẹ nên bật quạt số to hay nhỏ, không nên bật quạt quá mạnh trực tiếp vào người trẻ. Trẻ sơ sinh thì không nên để quạt quá gần, mà giữ cách 2 m trở lên, bật số nhỏ nhất, không nên để quạt thốc thẳng vào mặt. Nếu trẻ nhỏ ra mồ hôi nhiều thì dùng khăn bông lau khô cho trẻ, nhất là ở lưng. Hạn chế cho trẻ uống nước đá, ăn kem, ăn thức ăn trực tiếp từ tủ lạnh.

Say nắng

Đi hay hoạt động một thời gian dài ở ngoài trời nắng mà không đội mũ nón để tia nắng mặt trời chiếu vào đầu, gáy và các phần hở trên cơ thể có thể khiến bạn bị say nắng. Khi bị say nắng nhẹ, bạn sẽ cảm thấy mệt mỏi, chóng mặt, hoa mắt, ù tai, đôi khi bị buồn nôn hoặc nôn. Nhiệt độ cơ thể có thể tăng cao hơn bình thường. Nếu bị say nắng nặng, nạn nhân có thể bị rối loạn phản xạ, đôi khi co giật.

Cách xử trí là đưa người bệnh vào chỗ mát và thoáng khí, nới rộng quần áo, dùng khăn thấm nước mát đắp vào người, cho uống nhiều nước. Trong một số trường hợp cần đưa người bệnh tới cơ sở y tế gần nhất.

Bệnh về da

Trời nắng nóng, trẻ ra mồ hồi nhiều nếu không chú ý tắm rửa sạch sẽ, giữ vệ sinh tốt, vệ sinh da thì sẽ dễ bị viêm da. Nắng gay gắt sẽ ảnh hưởng tới khả năng tự làm mát của cơ thể và gây mất nước. Nó cũng là “thủ phạm” gây ra các nguy hại cho làn da.

Khi ra ngoài trời người dân nên đeo kính râm và chọn mặc quần áo thích hợp; chọn loại quần áo làm từ chất liệu vải cotton, sáng màu và không bó sát. Nếu buộc phải ra ngoài, nên đội mũ rộng vành, đeo kính và bôi kem chống nắng có độ SPF từ 15 trở lên từ trước khi ra khỏi nhà khoảng 30 phút. Trẻ em nên cho mặc áo rộng, thấm mồ hôi, thoáng mát không để trẻ chơi dưới nắng. Những khe, kẽ trên da của trẻ nên dùng lớp phấn rôm nhằm giữ khô tránh hiện tượng hăm kẽ gây khó chịu.

Theo VNE

TIN LIÊN QUAN