Nguyễn Tiến Thịnh - 'nghệ sỹ' phục vụ rượu vang Pháp giỏi nhất Việt Nam

16/07/2017 11:37

(Baonghean) - Cuối năm 2015, khi gặp chuyên gia phục vụ rượu vang Nguyễn Tiến Thịnh để thực hiện một cuộc phỏng vấn cho báo Tết, tôi đã mong mỏi được gặp lại và viết kỹ hơn về anh. Không phải bởi đơn thuần anh là một người con xứ Nghệ thành danh, mà tôi đã thực sự bị cuốn hút bởi cách mà anh yêu cái nghề... nếm, ngửi rượu của mình. Tôi biết, còn rất nhiều tâm sự, chất chứa mà anh chưa thể kể, biết rằng anh - chính là người truyền cảm hứng cho tôi, và có thể lắm, cho nhiều người khác, đặc biệt là những người trẻ, trước ngưỡng cửa chọn nghề, khởi nghiệp…

Và thật may mắn, tôi lại được gặp anh, dù rằng vô cùng bận rộn, anh vẫn dành cả buổi chiều để chia sẻ với tôi về nỗi nhớ, sự mang ơn của mình đối với quê hương, những kỷ niệm thiếu thời và con đường của mình đến với cái nghề vẫn còn quá xa lạ với phần đông người Việt.

Trước khi kể với tôi về…rượu, về những cánh đồng nho ở Ý, ở Pháp trải dài như bất tận trong giấc mơ của anh, về lịch sử hàng ngàn năm của vang, một lịch sử khiến người dân châu Âu tự hào vì nó gắn với nền nông nghiệp cũng như thú ẩm thực đã nâng đến mức nghệ thuật của họ, Nguyễn Tiến Thịnh đã kể cho tôi nghe về những cánh đồng muối trắng quê anh.

Những cánh đồng mà anh đã đổ biết bao mồ hôi, nước mắt nhọc nhằn. Sau này, anh kể, khi mình đứng chân trên những bạt ngàn màu xanh hay tràn mùi thơm, vị ngọt mùa nho chín nơi xứ người, anh đã nghĩ về những cánh đồng trắng lóa dưới cái nắng mùa hè. Những cánh đồng mà cậu bé Thịnh lũn cũn như cây nấm đã biết cùng cha mẹ ra trang cát, đẩy xe cút kít.

Tiếng xe lăn bánh như nỗi cần mẫn, sự vất vả đời này truyền đời khác của người dân biển Quỳnh Dị, Hoàng Mai. “Bạn biết không, ngày ấy, tôi thèm nhất là một que kem. Tôi nghĩ tới cái vị mát lạnh tan chảy trong miệng mình, xua đi cơn khát, cơn mệt, nhưng cả que kem nhiều khi cũng chỉ là giấc mơ”- Thịnh kể về tuổi thơ khó nhọc của mình, rồi như bừng tỉnh: “Cũng lạ, tôi đã sinh ra từ hương mắm, hương muối để rồi lại chọn dừng lại ở… hương rượu vang”.

Nguyễn Tiến Thịnh thăm cánh đồng nho ở Italya. Ảnh: NVCC
Nguyễn Tiến Thịnh thăm cánh đồng nho ở Italya. Ảnh: NVCC

Sinh năm 1978, Nguyễn Tiến Thịnh là con cả trong gia đình có 3 anh em. Cha anh là một thương binh và mẹ làm nông.

Nhà nghèo, với nhiều bữa đói ăn, Nguyễn Tiến Thịnh đã sớm biết lao động để đỡ đần bố mẹ. Ngoài làm ruộng lúa và muối, lớn thêm một chút Thịnh đã gắn liền với chiếc xe kéo và đánh bạn với chú bò. Từ 2,3 giờ sáng, cậu bé hơn 10 tuổi ấy đã trở dậy, lụi hụi đánh xe đi lấy cát về bán, vào lèn mua đá về bán, hay đi kiếm củi quanh rừng. Anh cũng quen với cả nghề thái thuốc lào, hái hoa hòe để kiếm thêm chút tiền trang trải cuộc sống…

Để rồi, Thịnh trở thành một hiện tượng vùng quê nghèo khi anh là một trong số ít những học trò đầu tiên đậu Đại học Ngoại ngữ Hà Nội. “Dường như có sự sắp đặt kỳ diệu gì đó của số phận để mình trở thành sinh viên ngành Tiếng Pháp. Sau này, mình mới hiểu ra, những con đường ta đi trong cuộc đời, đều từ những viên gạch nhỏ bé xây nên, không hề bỏ phí viên nào. Như nhiều người nói, mình rẽ sang một ngành khác, bỏ qua chuyên môn Ngoại ngữ, không hề nhé. Nó dẫn dắt ta đến với hiện tại đấy!”

Kể lại cái duyên đến với tiếng Pháp, Nguyễn Tiến Thịnh vẫn còn cười thú vị: “Đó là năm mình lớp 6, một người chị họ học Đại học Ngoại ngữ về quê dịp hè đã hứng thú mở một lớp nho nhỏ dạy cho một vài đứa trẻ quê. Chị ấy cũng không thể ngờ, tình yêu tiếng Pháp và nước Pháp của chị ấy đã thấm sang cái cậu bé lơ ngơ là mình hồi đấy”.

Thế rồi, cậu bé Thịnh vốn nuôi mộng làm hướng dẫn viên du lịch (vì nghĩ rằng nghề này sẽ đưa mình đi nhiều nơi, đến với nhiều cảnh đẹp) trong những lúc ngồi điều khiển xe bò kéo đi lấy củi, lấy cát… đã bắt đầu mơ tưởng đến miền đất xa - nước Pháp.

Thi đậu đại học, Thịnh đã phải làm thêm để duy trì việc học của mình. Và ngay cả khi đã tốt nghiệp đại học, anh cũng loay hoay mãi với ý nghĩ phải bám trụ lại Hà Nội, xin bất cứ việc gì làm, miễn không còn phải xin tiền bố mẹ nữa vì khi ấy trở về quê Thịnh không xin được việc. Đó là những tháng ngày cơ cực của Thịnh. Anh nhận rót bia cho khách trong quán bia, đi đưa hàng cho các cơ sở kinh doanh, rồi xin một chân phụ việc cho cửa hàng xe máy… Tưởng như xếp lại vĩnh viễn cái bằng Ngoại ngữ của mình.

Thịnh nói, chính là tính cách kiên trì, chịu thương chịu khó của người xứ Nghệ như truyền tự bao đời luôn chảy trong anh nên anh không hề nản lòng. Sau đó, Thịnh may mắn xin được vào làm nhân viên phục vụ của khách sạn Sofitel Metropole, tuy nhiên sau đó có chương trình cắt giảm nhân sự rất lớn và anh không được trụ lại.

Thế nhưng những tháng ngày làm việc tại đây đã cho chàng trai “quê mùa” rất nhiều bài học, sự hiểu biết. Lặng lẽ làm việc, lặng lẽ quan sát, lặng lẽ học tập và thu nhận để rồi, sau đó 2 năm, đến năm 2004, Thịnh được nhận vào làm tại khách sạn Hilton Hanoi Opera. Anh được đào tạo về ẩm thực, được học về rượu vang, và vì chăm chỉ, chịu khó, lại có vốn tiếng Pháp nên lại được chọn tham quan một chuyến bên Pháp. Chuyến đi ấy là một dấu ấn, một bước ngoặt lớn lao trong cuộc đời anh khi anh được đứng chân trên cánh đồng nho, thăm những hầm rượu hàng trăm năm…

Chàng trai đã quen với vị mặn chát đồng muối ấy đã ít nhiều ngẫm nghĩ. Những người nông dân cũng như người quê mình cần mẫn cả đời trên cánh đồng nho hay cánh đồng lúa mạch. Họ làm việc, họ yêu đất đai và họ sáng tạo. Họ làm nên rượu vang, cái vị say ngọt quyến rũ, không chỉ còn là thức uống mà trở thành văn hóa ẩm thực. Vì sao nhỉ, mà rượu vang được xem như “món quà của Thượng đế” ban tặng cho loài người? Vì sao người ta nói uống rượu vang phải dùng đến 5 giác quan? Tại sao có những người tinh tế và chuyên nghiệp đến mức ngửi rượu vang lại có thể phân biệt được loại rượu, độ rượu, thậm chí biết được rượu của vùng nào, mùa nào?

Những câu hỏi ấy đã thôi thúc chàng trai trẻ xứ Nghệ. Bắt đầu từ sự tự tìm hiểu, tìm câu trả lời và dấn thân rồi say mê. Đó là quãng năm 2008. Khi ấy nghề phục vụ rượu, hay còn gọi là nghề nếm, ngửi rượu (Sommelier) chưa mấy người biết tới ở Việt Nam.

Nguyễn Tiến Thịnh nói, mình đã bắt đầu từ ý nghĩ “Tại sao người ta làm được mà mình lại không?” để rồi, anh đã thực sự bị chinh phục bởi nét quyến rũ đầy chất văn hóa của nghề phục vụ rượu. Nghề nghiệp này không phổ biến ở Việt Nam nên việc học nghề của anh càng bội phần khó khăn. “Nhưng có hề gì, khi mình bắt đầu yêu nó.

Tình yêu và nuôi dưỡng những đam mê đã giúp mình đi đến tận cùng với nghề. Mình yêu đến mức, mình quên đi đó là một nghề của mình, mà mình đang hòa quyện, thưởng thức, suy đoán, theo đuổi, chinh phục nó. Nếm, ngửi rượu vang ư? Không, mình đang thưởng thức một bản hòa tấu. Bạn hãy nhắm mắt đi, bạn thấy không vị chua của nước nho, vị chát của vỏ nho, vị nồng nàn của men, vị đọng của những tấm gỗ sồi thùng rượu… Bạn thấy cả trời xanh trước mắt, bạn thấy những cánh đồng trải ra vô tận, bạn thấy làn hơi khói bay lên, thấy hoa chanh đang tỏa hương…

Nguyễn Tiến Thịnh thú nhận, càng đi sâu tìm hiểu, anh càng mê tới không thể dứt ra được. Và anh nhận ra, không phải chỉ bởi anh khát khao chinh phục, mà còn bởi nó ẩn chứa những khám phá vô tận. Khác với nhiều loại đồ uống khác, vang có một “đẳng cấp” riêng, cần đến tinh tế và xúc cảm.

“Đúng là phải căng 5 giác quan để hiểu vang, để tận hưởng những khác biệt. Để biết rằng, bất cứ ai cũng có thể trở thành một nghệ sỹ trong công việc hay đơn thuần ngay cả trong ăn uống”. Và cảm giác, ấy là cái đọng mãi. Cuộc sống sẽ giàu có, thú vị biết bao khi mình luôn nếm trải những cảm giác, sự tươi mát và để trí tưởng tượng được bay lên…

Chứng nhận giải Nhất người phục vụ rượu vang Pháp năm 2015.
Chứng nhận giải Nhất người phục vụ rượu vang Pháp năm 2015.

Chuyên gia phục vụ rượu vang, cái “danh hiệu” nghề nghiệp mà phấn đấu để được sự công nhận ấy, Nguyễn Tiến Thịnh cũng đã đổ biết bao công sức. Anh luôn nhớ về và biết ơn làng quê bé nhỏ, nghèo khó của mình. Nhớ về tuổi thơ nhiều vất vả. Nhớ về giấc mơ trên chiếc xe bò. Nhớ bài học về tiếng Pháp đầu tiên, để sau này nhờ biết tiếng Pháp mà anh đã được đứng chân trên cánh đồng nho ở Pháp.

Anh nói, nếu không có tất cả những vất vả, mặn mòi ấy, làm sao anh có được vị ngọt bây giờ. Làm sao anh có đủ kiên trì và tự tin để bước vào và dấn thân trong cuộc đời và bao nhiêu thử thách và hấp dẫn phía trước.

“Và các bạn trẻ, các bạn hãy bắt đầu bằng sự kiên trì cùng niềm đam mê nhé, thành công sẽ đến nếu bạn biết yêu công việc của mình, như người nhạc sỹ yêu cây đàn, như người họa sỹ yêu cây cọ. Hãy vẽ lên đó cả giấc mơ bằng nấc thang của sự học hỏi mỗi ngày” - Nguyễn Tiến Thịnh chia sẻ khi tôi hỏi anh có muốn nhắn nhủ gì tới những bạn trẻ đang trong tình cảnh giống anh những năm 2000 - 2002 xưa ấy.

Giờ đây, Nguyễn Tiến Thịnh là chuyên gia rượu vang của Công ty Đa Lộc. Hiện tại, anh đang chuẩn bị cho việc đào tạo nhóm Sommelier tại cuộc thi dành cho những người phục vụ rượu vang năm nay, được mời làm giám khảo cuộc thi vang khu vực tại Hồng Kông. Anh là một trong số ít người Việt đạt được các danh hiệu cao trong các cuộc thi phục vụ rượu vang quốc tế: Giải nhì cuộc thi rượu vang Bồ Đào Nha tại Macao 2013; Giải Nhất Cuộc thi “Người phục vụ rượu vang Pháp giỏi nhất Việt Nam 2015” (The Best Vietnamese Sommelier Competition); giải Ba Cuộc thi “Người phục vụ rượu giỏi nhất khu vực Đông Nam Á+ Đài Loan 2015” The Best Southeast Asia+ Taiwan’s Sommelier Competition in 2015” tại Bangkok, Thái Lan.

T.V

TIN LIÊN QUAN