Tranh cãi về hồi sinh người chết lâm sàng

11/06/2017 06:25

“ReAnima” là dự án quy mô do hai công ty công nghệ sinh học Revita Life Sciences (Ấn Độ) và Bioquark (Mỹ) hợp tác tập trung nghiên cứu về trạng thái chết não lâm sàng và tình trạng hôn mê không hồi phục của những bệnh nhân phải duy trì sự sống bằng máy móc.

Thách thức giới hạn của công nghệ y sinh

Mục tiêu của dự án nhằm “khám phá tiềm năng thách thức mọi giới hạn của công nghệ y sinh nhằm hồi sinh chức năng thần kinh của người chết não”.

Tổng giám đốc Công ty Bioquark, ông Ira Pastor, đã tiết lộ về liệu pháp tế bào gốc mới. Bioquark thông báo rằng công ty đã phát triển một loạt các mũi tiêm có thể “khởi động lại” bộ não và đưa bệnh nhân trở lại cuộc sống.

Ngoài ra, công ty cũng không có ý định thử nghiệm trên động vật mà sẽ bắt đầu thử nghiệm phương pháp này trực tiếp trên con người.

Đồng hành trong dự án này là BS Himanshu Bansal, một bác sĩ phẫu thuật thuộc bang Uttarakhand, Ấn Độ. Ông cho biết mục tiêu của ông là nhằm đưa bệnh nhân trở lại trạng thái “có ý thức tối thiểu nhất”, chẳng hạn như giúp họ cử động được mí mắt của mình.

Trước đó, vào năm ngoái, Ira Pastor và BS phẫu thuật Himanshu Bansal đã hy vọng có thể tiến hành thí nghiệm ở Ấn Độ. Tuy nhiên, vào tháng 11-2016, Hội đồng Nghiên cứu y khoa Ấn Độ (ICMR) đã yêu cầu không được tiến hành thí nghiệm trên bằng cách loại bỏ đơn đăng ký khỏi sổ đăng ký thử nghiệm lâm sàng của Ấn Độ. Nhưng sau đó Viện Sức khỏe Quốc gia Hoa Kỳ đã xem xét qua thí nghiệm và phê duyệt đơn đăng ký của Bioquark để thực hiện nghiên cứu thí điểm, nhằm làm “sống lại” những bộ não không hoạt động của các bệnh nhân bị chấn thương sọ não.

Tranh cãi về hồi sinh người chết lâm sàng - ảnh 1
Một nhóm nhà khoa học Mỹ đang tiến hành thí nghiệm hồi sinh những người chết não lâm sàng. Ảnh: GETTY IMAGES


Sắp hồi sinh người chết lâm sàng

Trong một thông báo chi tiết được công bố trên cơ sở dữ liệu thí nghiệm lâm sàng, các nhà khoa học dự kiến vào tháng 7 tới đây họ sẽ thẩm định 20 bệnh nhân có độ tuổi 15-65 và đều là những người được tuyên bố là đã chết lâm sàng vì chấn thương sọ não. Trước khi bắt đầu thí nghiệm, đội ngũ khoa học sẽ cho chụp sọ não của bệnh nhân bằng máy cộng hưởng từ MRI nhằm tìm kiếm khả năng hồi sinh một số phần trong hệ thống thần kinh trung ương của người chết não.

Tiếp đó, thí nghiệm sẽ diễn ra trong ba giai đoạn chính thức. Bước đầu tiên, các bác sĩ sẽ thu hoạch tế bào gốc từ máu của bệnh nhân trước khi tiêm lại chúng vào cơ thể.

Bước tiếp theo, tủy sống của bệnh nhân sẽ được bơm peptit hằng ngày và các tế bào gốc sẽ được bơm hai tuần một lần.

Cuối cùng, các bệnh nhân sẽ được theo dõi liên tục trong vòng 15 ngày bằng các phương pháp chiếu tia laser, kỹ thuật kích thích dây thần kinh cũng như sẽ được theo dõi bằng thiết bị chụp ảnh não MRI để tìm kiếm dấu hiệu của sự hồi sinh.

Liệu người chết não có đồng ý… làm cho họ sống lại?

Mặc dù là một trong những thí nghiệm đột phá của nền y học thế giới, thí nghiệm này cũng đã gây khá nhiều tranh cãi trong thời gian gần đây.

Bernard Dickens, giáo sư ĐH Toronto, Canada, chuyên nghiên cứu về đạo đức sinh học (bioethics), cho biết quyết định hồi phục não trước tiên cần được sự đồng ý của bệnh nhân và đây là vấn đề về đạo đức rất dễ gây tranh cãi.

Ông cho rằng định nghĩa về cái chết cũng phải cần xem xét kỹ lưỡng vì các tỉnh ở Canada đều có những định nghĩa khác nhau về những nhân tố dẫn đến việc chết não.

Dickens cũng nói thêm rằng việc hồi phục một vài bộ phận trong cơ thể con người không phải là điều mới lạ. Ông đã đưa ra dẫn chứng cụ thể là hiện tượng tim ngưng đập có thể được hồi phục bằng việc sử dụng máy khử rung cơ tim chỉ trong vòng vài phút: “Khi bị đột quỵ, một phần não bộ của ta sẽ bị mất khả năng hoạt động nhưng vẫn có thể được hồi phục như bệnh nhân có thể hồi phục khả năng giao tiếp bằng các trị liệu về ngôn ngữ”.

TS Ariane Lewis và nhà đạo đức sinh học Arthur Caplan cũng đã đánh giá thí nghiệm của Bioquark trong một bài báo năm 2016: “Với sự vắng mặt hoàn toàn của nền tảng cho nghiên cứu này và bản chất đáng lo ngại về mặt đạo đức, tôi tin rằng thí nghiệm này sẽ không bao giờ được chấp nhận ở Hoa Kỳ”.

Theo PLO

TIN LIÊN QUAN