Dắt díu ra tòa chỉ để giành phần nuôi con

02/06/2017 11:47

(Baonghean.vn) - Hôn nhân đổ vỡ, nhiều cặp vợ chồng đã phải đưa nhau ra tòa để ly hôn. Với nhiều cặp, căng thẳng nhất là việc giành phần nuôi con.

1. Lâu lắm rồi tòa án mới có vụ án xét xử ly hôn, vợ chồng thuận tình đường ai nấy bước, nhưng phải kéo dài đến 5 ngày, qua 3 phiên xét xử mới tuyên được án. Đơn giản, ai cũng muốn tranh phần nuôi con về phía mình, dù cháu bé chỉ mới 32 tháng tuổi và theo Luật thì đương nhiên quyền nuôi con thuộc về người mẹ.

Toàn cảnh vụ xét xử giành phần nuôi con giữa thượng úy Công an với Luật gia. Ảnh: Hà Thư
Toàn cảnh vụ xét xử giành phần nuôi con giữa thượng úy Công an với Luật gia. Ảnh: Hà Thư

Nguyên đơn trong vụ án là người vợ, chị là Dương Thị Thu H. (29 tuổi), là Thượng úy công tác trong ngành công an, còn bị đơn là anh Nguyễn Lê Anh T. (38 tuổi), là hội viên hội luật gia, giám đốc một công ty trên địa bàn TP Vinh (Nghệ An).

Năm 2013, xuất phát từ tình yêu, hai người đi đến hôn nhân và tháng 9/2014, con trai đầu lòng Nguyễn Hồng P. ra đời. Tổ ấm những tưởng sẽ mật ngọt hơn, lại rơi vào những lục đục xoong chảo, khởi đầu là những mâu thuẫn vặt vãnh trong cuộc sống, từ chuyện anh T. yêu động vật, thích nuôi chó trong nhà nhưng chị H. lại không chăm sóc được, đến những chuyện cơm áo gạo tiền lớn lao hơn.

Mâu thuẫn tích tụ lâu ngày, đến tháng 11/2016 thì hai vợ chồng ly thân. Cũng bắt đầu từ đấy, bao yêu thương tích tụ bấy nhiêu ngày yêu nhau, đã hóa thành nỗi căm ghét khi cả hai vợ chồng đều cố tìm mọi cách để giành phần nuôi con.

Sau rất nhiều nỗ lực hòa giải, hàn gắn tình cảm nhưng bất thành, TAND TP Vinh buộc phải đưa vụ án ra xét xử. Liên tiếp trong các ngày 27-28/4 và 26-27/5, vụ ly hôn giành quyền nuôi con lần đầu tiên kéo dài như vậy nhưng không tuyên án được.

Anh và chị, một thời đầu ấp tay gối má kề, nay chẳng ai thèm nhìn mặt ai, trước chốn công đường cố gắng đưa ra mọi lý lẽ biện minh cho mình có điều kiện tốt nhất để chăm sóc và nuôi dưỡng con cái. Chị H., cho rằng mình là Thượng úy, công tác trong ngành công an, con trai cũng chưa đủ 36 tháng tuổi nên không chỉ đủ điều kiện, mà đương nhiên được giành quyền nuôi con.

“Trong thời gian sống chung, anh T. đã nhiều lần xâm hại, xúc phạm danh dự, nhân phẩm tôi. Thời kỳ ly thân, anh ta đã tìm đủ mọi cách để chia cách tình mẫu tử thiêng liêng. Hơn thế nữa, gần đây có rất nhiều người đâm đơn tới cơ quan CSĐT tố cáo anh T. có hành vi lừa đảo, chiếm đoạt hàng tỷ đồng. Một người cha như vậy, thử hỏi có đủ tư cách để nuôi dạy con cái hay không”?, Chị H., nức nở giữa chốn công đường.

Phản bác lại ý kiến của vợ, anh T. cũng cho rằng, chị H. là người mẹ không xứng đáng làm mẹ, ngay trong ngày ly thân, thay vì chọn con chị này đã chọn chiếc xe ô tô để ra đi. Thời gian sau đó, chị còn nhiều lần kéo người đến trường học lẫn nhà riêng để thị uy, đòi lại con khiến gia đình nhà chồng rất bức xúc.

Để kéo đứa con dưới 36 tháng tuổi về với mình, anh T. đã làm đủ mọi cách, từ việc chứng minh thu nhập tài chính bằng bản hợp đồng lương tháng 15 triệu đồng, đến việc đưa con vào học tại trường mầm non quốc tế được cho là tốt nhất tại TP Vinh. Kèm với đó là bản hợp đồng dịch vụ chăm sóc sức khỏe cho con, được ký riêng với một bác sĩ đa khoa để chăm lo sức khỏe cho cháu P.

Tuy nhiên, bác bỏ những nỗ lực này, 2 luật sư bảo vệ quyền lợi cho chị H. đã vạch trần thủ đoạn giả tạo của anh T. khi làm rõ, việc anh T. đưa con đến nhập học tại trường mầm non Quốc tế chỉ là cái cớ, thực tế cháu chỉ học ở đấy đúng một tháng rồi xin nghỉ để đi du lịch, sau đó không trở lại học thêm ngày nào nữa. Còn cái gọi là “Hợp đồng Dịch vụ Chăm sóc sức khỏe” cho cháu P., được anh T. và bác sĩ ký ngày 15/11/2016, trước thời điểm bà này được cơ quan chức năng cấp chứng chỉ hành nghề khám bệnh, nhưng với chuyên môn là bác sỹ chuyên khoa Tâm thần!

Sau giờ nghị án kéo dài, chủ tọa phiên tòa đã tuyên giao đứa bé cho mẹ cháu chăm sóc và nuôi dưỡng, theo quy định tại khoản 3, điều 81 Luật hôn nhân gia đình. Còn anh T., lặng lẽ rời khỏi chốn công đường, để lại phía sau là những tiếng vỗ tay reo hò, những cái ôm chúc mừng của bạn bè, đồng nghiệp chị H., mừng cho mẹ con sau bao ngày xa cách nay đã được đoàn tụ.

2. Cũng thời gian này, TAND tỉnh Nghệ An đưa vụ án tranh chấp nuôi con ra xét xử phúc thẩm, theo đơn kháng cáo của anh Nguyễn Văn B. (40 tuổi), trú tại huyện Nghĩa Đàn. Khác với phiên tòa của vợ chồng anh T. và chị H. tại TAND TP Vinh trước đó, phiên xét xử anh B. và vợ là chị Q. (35 tuổi), giành quyền nuôi con vắng tanh, chỉ có hai vợ chồng và người chị gái của anh B. ngồi dự khán.

Vợ chồng anh B., chị Q.tại phiên tòa phúc thẩm TAND tỉnh Nghệ An. Ảnh: Hà Thư
Vợ chồng anh B., chị Q.tại phiên tòa phúc thẩm TAND tỉnh Nghệ An. Ảnh: Hà Thư

Trước khi đến với nhau, anh B. đã một lần đổ vỡ trong hôn nhân, có 2 đứa con gái. Cảm thông cho cảnh gà trống nuôi con, chị Q. tự nguyện đến với ba bố con. Nhưng rồi chuyến đò hạnh phúc này cũng sớm chòng chàng với anh B. kể từ sau khi anh chị có con chung với nhau.

Không thể níu kéo khi tình yêu đã không còn, anh chị đưa nhau ra tòa để giải thoát. Xét thấy đứa bé còn quá nhỏ dại, TAND huyện Nghĩa Đàn đã phán quyết quyền nuôi dưỡng cho chị Q. Cho rằng vợ cũ không đủ tư cách và kinh tế để nuôi dưỡng, anh B. đã làm đơn kháng cáo, kiên quyết giành lại quyền nuôi dưỡng đứa trẻ.

Phiên tòa không có luật sư,chỉ có anh chị buồn bã “tố” thói hư tật xấu của nhau để tòa phân xử. Anh B.cho biết, chung sống với nhau chưa đầy 2 năm nhưng chị Q. đã 3 lần bỏ nhà ra đi, thậm chí khi con mới 7 tháng tuổi, chị này đã bỏ mặc cho anh chăm sóc, đi biền biệt nhiều ngày không trở về, mặc cho con thơ khát sữa, ngằn ngặt khóc đòi mẹ.

Chị Q., cũng như bao người phụ nữ khác, khi bị chia cắt tình mẫu tử thì gồng lên để chống đỡ, yếu ớt níu kéo con về phía mình trong vô vọng. Chị “tố” bị gia đình nhà chồng và bản thân anh B. ngược đãi, cô lập dẫn đến tâm lý bị ức chế nên bỏ vào miền Nam để “giải tỏa tâm lý”. Nhưng sau đó vì nhớ con, tôi nghĩ rằng dù thế nào đi chăng nữa cũng không thể để mất nguồn sữa cho con nên đã trở về để làm tròn bổn phận của người mẹ.

Tuy nhiên, viện lý do đó gia đình anh B. đã kiên quyết chia rẽ mẹ con chúng tôi, khiến cháu bé thiếu đi hơi ấm của bầu sữa mẹ. Luật pháp đã quy định rất rõ, con dưới 36 tháng tuổi thì mẹ được quyền nuôi dưỡng, tôi hiện nay bán hàng ngoài chợ, đã có công ăn việc làm ổn định với thu nhập hàng tháng 5 triệu đồng, đủ điều kiện kinh tế để nuôi con. Trong khi đó, anh B. đang nuôi 2 con riêng của vợ cũ, kinh tế rất khó khăn. Do đó, đề nghị hội đồng xét xử bác đơn kháng cáo của anh B., tuyên y án sơ thẩm cho tôi được nuôi dưỡng cháu bé”, chị Q. nức nở trước tòa.

Bác bỏ những điều ấy, anh B. cho rằng, đã một lần dang dở nên anh rất trân trọng hạnh phúc mà mình đã có được, nhưng chị Q. lại giẫm đạp lên những gì anh đã nâng niu, tôn quý. Với nghề cạo mủ cao su, cán bộ thú y, bán thuốc, thu nhập khoảng 10 triệu đồng mỗi tháng, tôi có thể chăm sóc, nuôi nấng con một cách tốt nhất”, anh B. khẳng định.

Điều đáng nói, tại phiên xét xử này, khi HĐXX cố gắng hàn gắn tình cảm vợ chồng, sau rất nhiều lí lẽ, đã khiến anh B. “xin một phút để suy nghĩ” việc hàn gắn lại tình cảm, thì chị Q. lại xin tòa cứ tuyên án, yêu cầu trao quyền nuôi con cho mình chứ không muốn nối lại tình xưa nghĩa cũ.

Sau một ngày nghị án, HĐXX quyết định giao quyền nuôi con cho anh B. dù thời điểm hiện tại cháu bé chưa tròn 36 tháng tuổi. Phiên tòa kết thúc, hai người rẽ theo hai lối khác nhau, nhưng với họ, cuộc chiến giành quyền nuôi con dường như chưa kết thúc./.

Hà Thư

TIN LIÊN QUAN