Để 'tàu 67' không rỉ

20/06/2017 16:43

(Baonghean) - Phải nói ngay rằng: Nghị định 67 của Chính phủ về việc hỗ trợ ngư dân đóng tàu vỏ thép để đánh bắt xa bờ là một chủ trương đúng khi tình hình Biển Đông có những diễn biến phức tạp. Vấn đề là trong khi chúng ta không hề thiếu những chuyên gia hàng hải được đào tạo bài bản, nhưng suốt từ ngày có Nghị định 67, chưa hề thấy một chuyên gia nào cảnh báo về việc chuyển từ tàu thuyền đánh cá truyền thống sang tàu vỏ sắt thì sẽ như thế nào?

Tàu vỏ thép của ngư dân Quỳnh Lưu cập bến cảng cá Lạch Quèn.Ảnh: Xuân Hoàng
Tàu vỏ thép của ngư dân Quỳnh Lưu cập bến cảng cá Lạch Quèn.Ảnh: Xuân Hoàng

Trước hết hãy tạm lấy ví dụ: Người nông dân từ việc cày bằng con trâu với chiếc cày chìa vôi hoặc cày 51... sang bằng máy cày. Đó là cả một cuộc cách mạng, từ nhận thức, tư duy, cách nghĩ, cách làm cho đến chuyển từ thao tác thủ công sang thao tác công nghiệp. Nếu không có kiến thức về máy móc thì không thể sử dụng được máy móc. Khi biết sử dụng máy móc thì phải biết cách sửa chữa và bảo trì, bảo quản... Chuyện người ngư dân chuyển từ làm chủ thuyền nan, thuyền thúng, tàu vỏ gỗ sang tàu vỏ sắt là cả một câu chuyện cũng không hề đơn giản.

Trước hết, tàu hoạt động trên biển là một loại phương tiện đặc biệt. Nó vừa là phương tiện vận tải, đánh bắt lại vừa là một "lãnh thổ" và là nơi cư ngụ thường xuyên của những người gắn bó với nó. Cụ thể đó là thuyền viên và thuyền bộ trên con tàu. Do vậy, những vật liệu, vật dụng, tiện nghi phải cực kỳ bền chắc và tiện lợi cho môi trường biển (gấp nhiều lần so với môi trường bình thường)... Công nghệ chế tạo phải là tiên tiến nhất tại thời điểm đóng tàu. Không ai đưa ra vấn đề "tuổi thọ" với tàu biển. Loại phương tiện này như một mặc định là nó phải có tuổi thọ hàng trăm năm.

Còn nhớ giữa những năm 80 của thế kỷ trước, tỉnh Quảng Nam - Đà Nẵng cũ mua con tàu đánh bắt thủy sản chuyên dụng của Nhật Bản có trọng tải hơn 1.000 tấn, đặt tên là “Tiên Sa”. Lý lịch và thực trạng của con tàu còn khá mới, khoảng mười mấy năm tuổi. Khi mới đưa về "long lanh" như khách sạn năm sao. May mắn là thời điểm đó những kỹ sư hàng hải được đào tạo ở Liên Xô, Ba Lan, Triều Tiên... tương đối nhiều, nên thuyền bộ của con tàu vận hành suôn sẻ và chuyên nghiệp (chỉ một số anh em không được đào tạo làm những phần việc vặt trên tàu khá tùy tiện, bạ chăng hay chớ nên một thời gian sau con tàu bị xuống cấp về nội thất... còn chế độ ca trực từ boong đến máy đều được vận hành rất chuyên nghiệp như quốc tế...). Phàm là tàu cập cảng ngay lập tức, triển khai ngay việc gõ rỉ và sơn tàu. Kho boong của tàu bao giờ cũng có cả hàng tấn sơn đặc dụng. Tàu Tiên Sa sau mấy năm hoạt động tương đối có hiệu quả... Trên đây chỉ là đôi nét "chấm phá" về việc đào tạo con người cả về chuyên môn cũng như ý thức bảo quản con tàu vỏ thép gắn bó đối với cuộc sống của từng thủy thủ, thuyền viên trên tàu...

Về sự việc đóng tàu vỏ thép cho ngư dân của chúng ta vừa đưa vào sử dụng đã rỉ sét ở Bình Định khiến ngư dân phải dở khóc dở mếu... đã đặt ra cho chúng ta câu hỏi: Tổng cục Thủy sản đã tham mưu gì cho Nhà nước và hướng dẫn gì cho người dân?

Phương tiện vận tải biển và tàu đánh cá luôn phải có quy trình bảo trì, bảo quản hết sức nghiêm ngặt, chặt chẽ. Qua thông tin báo chí phản ánh, các cơ sở đóng tàu của chúng ta rất "ẩu”, thiếu trách nhiệm. Còn phía ngư dân thì lại hết sức hồn nhiên cứ nghĩ rằng đã mua được tàu thì nó phải dùng được vài chục năm mà không nghĩ đến việc ai sẽ là người gõ rỉ, ai sơn và rằng việc bảo quản và sơn tàu vỏ sắt phải là việc làm hàng ngày hàng giờ của thuyền viên trên tàu. Bình quân mỗi ngày phải chi phí tiền nhân công gõ rỉ và sơn tàu phải tốn hàng chục triệu đồng đối với tàu vỏ thép thì liệu ngư dân chúng ta có đủ khả năng không?

Và, vấn đề nữa phải lưu tâm là Mỹ, Nhật, Hàn Quốc đã thay tàu đánh cá vỏ sắt bằng vật liệu mới Composite hàng nửa thế kỷ nay, liệu các chuyên gia về đánh bắt thủy hải sản của ta đã ai có ý kiến gì về vấn đề trên?

Luật gia Trần Thúc Hoàng

TIN LIÊN QUAN