Bỏ biên chế giáo dục: Nên bớt dự án nghìn tỷ để tăng lương giáo viên

06/06/2017 08:03

Ngay trong ngành Giáo dục, không phải đề xuất tốn kém đến hàng chục nghìn tỷ đồng cho chương trình biên soạn sách giáo khoa mới.

Câu chuyện bỏ biên chế ngành giáo dục kéo theo hàng loạt vấn đề, trong đó có tăng lương cho giáo viên. Tuy nhiên, chúng ta lấy nguồn tiền ở đâu để tăng lương cho giáo viên? Phóng viên VOV.VN, GS.TS Phạm Tất Dong, Phó Chủ tịch Hội Khuyến học Việt Nam.

PV: Thưa GS, việc bỏ biên chế giáo dục cũng phải song hành với tăng lương cho giáo viên. Trong khi ngân sách của Nhà nước chỉ có hạn thì theo GS, chúng ta lấy tiền ở đâu ra để tăng lương cho giáo viên?

GS.TS Phạm Tất Dong: Tôi không đồng tình với giải pháp tăng học phí để tăng lương cho giáo viên. Ở nhiều nước trên thế giới như Cuba, CHDCND Triều Tiên đều thực hiện miễn học phí cho học sinh, sinh viên.

Thu nhập của người dân CHDCND Triều Tiên chỉ có 200 USD/người mà họ còn làm được như vậy thì tại sao nước ta không thực hiện như họ?

Vấn đề quan tâm ở đây là chúng ta lấy tiền đâu để tăng lương cho giáo viên? Theo tôi, nếu bớt đi một trong số những dự án đầu tư hàng nghìn tỷ đồng nhưng hoạt động không hiệu quả thì chúng ta sẽ có được số tiền dành để tăng lương cho giáo viên.

Nói là Nhà nước đã đầu tư 20% ngân sách cho giáo dục là sự nỗ lực lớn rồi, còn phải dành tiền đầu tư vào những lĩnh vực khác nhưng nếu ngân sách đầu tư vào những dự án hoạt động không hiệu quả thì lại là sự lãng phí. Nhiều địa phương đua nhau làm sân golf, sân bay, tượng đài nhưng có mấy dự án hiệu quả.

Nếu chúng ta không thể lấy được tiền từ các lĩnh vực khác để trả lương cho giáo viên thì ngay trong ngành Giáo dục cũng phải tính toán số tiền chi tiêu. Ví dụ như Bộ GD-ĐT không phải đề xuất tốn kém đến hàng chục nghìn tỷ đồng cho chương trình biên soạn sách giáo khoa mới mà hãy đề xuất một phần số tiền đó để trả lương cho giáo viên.

bo bien che giao duc: nen bot du an nghin ty de tang luong giao vien hinh 1
Bỏ biên chế giáo dục và tăng lương cho giáo viên đang là vấn đề thu hút sự quan tâm của xã hội (ảnh minh họa)

PV: Thưa GS, ông nhìn nhận như thế nào khi Bộ trưởng Bộ GD-ĐT cho biết sẽ thí điểm không còn công chức, viên chức giáo viên. Việc tuyển dụng sẽ theo chế độ hợp đồng "có vào - có ra" và giáo viên sẽ được hưởng chế độ đãi ngộ lớn?

GS.TS Phạm Tất Dong: Khi bỏ biên chế giáo dục, những giáo viên giỏi sẽ không sợ mà chỉ có những giáo viên yếu kém, lơ mơ về trình độ và năng lực thì mới sợ trả lương theo chế độ hợp đồng.

Đúng là khi ký hợp đồng lao động sẽ thu hút được nhiều giảng viên giỏi vào giảng dạy. Việc thực hiện nên áp dụng cả đối với những người có trình độ, kinh nghiệm giảng dạy lâu năm.

Thí điểm bỏ biên chế giáo viên không chỉ ở mỗi thầy cô giáo mà cả ở những người quản lý của ngành giáo dục. Ở trường học, ban lãnh đạo trường là hiệu trưởng, hiệu phó cũng phải ký hợp đồng lao động.

Việc làm này nên thực hiện đồng loạt ở tất cả các cấp học và không nên ký hợp đồng lao động quá dài mà có thể thực hiện từ 3-5 năm. Sau thời gian này, nếu giáo viên cảm thấy họ không thể đáp ứng được công việc thì có thể xin nghỉ dạy. Người nào mới tốt nghiệp thì có thể ký hợp đồng thử việc. Trong thời gian thử việc, nếu thấy họ làm tốt công việc thì nhà trường có thể tuyển dụng tiếp.

Nên bỏ biên chế giáo dục ở các cấp học, đối tượng và mọi độ tuổi

PV: Thưa GS đối với ngành Giáo dục, theo ông việc kéo dài tuổi nghỉ hưu có cần thiết và nên áp dụng ở những đối tượng nào?

GS.TS Phạm Tất Dong: Quan điểm người làm việc lâu năm nên nghỉ hưu sớm để nhường chỗ làm việc cho giới trẻ là hoàn toàn không đúng. Nếu một nhà giáo đã 60 tuổi nhưng vẫn còn sức khỏe, lại có chuyên môn tốt, kinh nghiệm trong công việc thì các trường học nên tiếp tục tuyển dụng hợp đồng làm việc với họ.

bo bien che giao duc: nen bot du an nghin ty de tang luong giao vien hinh 2
Nên bỏ biên chế giáo dục ở các cấp học, đối tượng và mọi độ tuổi

Giới trẻ không muốn thất nghiệp thì phải giỏi toàn diện để các trường học, cơ sở giáo dục phải ký hợp đồng và trả lương cao cho mình.

Ở CHLB Đức, nhiều học sinh lớp 12 đã được các công ty, nhà máy mời vào làm việc bởi vì kỹ năng làm việc, thực hành của các em rất tốt.

Theo tôi, khi Bộ GD-ĐT thí điểm bỏ biên chế giáo dục thì nên ký hợp đồng lao động với tất cả các cấp học, đối tượng và ở mọi độ tuổi khác nhau.

Việc thí điểm ký hợp đồng lao động với giáo viên không chỉ ở những tỉnh, thành phố lớn mà có thể áp ở tất cả các vùng nông thôn. Bởi lẽ, giáo viên cũng đã phải làm việc ở các trường dân lập với điều kiện làm việc khắt khe nên tôi nghĩ việc ký thí điểm nên áp dụng ở tất cả mọi nơi.

Chúng ta cần có sự đổi mới tư duy về vấn đề này thì việc thực hiện bỏ biên chế giáo dục mới hiệu quả.

PV: Việc bỏ biên chế giáo dục gắn với việc bỏ thi tuyển công chức, viên chức giáo viên. Ý kiến của GS về vấn đề này như thế nào?

GS.TS Phạm Tất Dong: Thực tế là mặc dù ở cuộc thi công chức, viên chức giáo viên luôn được nhắc đến là nghiêm túc, khách quan nhưng đã có nhiều tiêu cực. Nhiều cơ quan, đơn vị tuyển dụng chỉ mang tính hình thức nhưng lại chọn người nhà, người quen vào làm việc.

Chính vì vậy, tôi cho rằng, việc bỏ biên chế giáo dục phải gắn với bỏ thi công chức, viên chức giáo viên.

PV: Xin cảm ơn GS!/.

Theo VOV

TIN LIÊN QUAN