Tương quan sức mạnh siêu khu trục hạm Mỹ và Trung Quốc

18/06/2017 07:06

Lớp Zumwalt của Mỹ có thiết kế tàng hình mang tính đột phá, trong khi Type-055 Trung Quốc lại có lợi thế về hỏa lực.

Zumwalt là lớp tàu khu trục hiện đại nhất của Mỹ

Siêu khu trục hạm lớp Zumwalt Mỹ và Type-055 Trung Quốc đang thu hút nhiều sự chú ý của giới quân sự, do chúng là đỉnh cao trong phát triển công nghệ hải quân của hai nước. Zumwalt là tàu chiến tương lai, phục vụ cho nhiệm vụ yểm trợ hỏa lực, trong khi Type-055 lại thiên về khả năng hải chiến, bảo vệ biên đội tàu sân bay Trung Quốc đang phát triển, theo National Interest.

Sau quá trình phát triển kéo dài và tốn kém, tàu khu trục USS Zumwalt (DDG-1000) được biên chế cho hải quân Mỹ vào ngày 15/10/2016. Dài 183 m và có giãn nước 14.500 tấn, đây là chiếc đầu tiên trong ba khu trục hạm tàng hình chuyên tấn công mặt đất của Mỹ.

Trung Quốc cũng đang chế tạo tàu khu trục lớp Type-055 lớn không kém với lượng giãn nước 14.000 tấn, dự kiến được biên chế vào năm 2018. Khi đi vào hoạt động, Type-055 sẽ là tàu chiến lớn và uy lực nhất châu Á.

Chuyên gia quân sự David Axe cho biết Type-055 sẽ khó có cơ hội đối đầu trực tiếp với lớp Zumwalt, vì nhiệm vụ của hai lớp tàu này khác hẳn nhau.

Zumwalt là lớp tàu chiến mặt nước cỡ lớn đầu tiên của Mỹ không được trang bị hệ thống phòng thủ tên lửa Aegis trong vòng 30 năm trở lại đây. Thay vì tích hợp vào cụm tác chiến tàu sân bay, hải quân Mỹ có thể sẽ triển khai chúng cho nhiệm vụ tuần tra yểm trợ đơn lẻ. Điều này nhằm tận dụng lợi thế tàng hình trước radar của lớp Zumwalt, trong khi hai pháo 155 mm có tầm bắn tới 130 km có thể chi viện cho lực lượng đổ bộ và các chiến dịch đặc biệt.

tuong-quan-suc-manh-sieu-khu-truc-ham-my-va-trung-quoc

Zumwalt với thiết kế tối ưu cho khả năng tàng hình. Ảnh: National Review.

Trong khi đó, tính năng của Type-055 chưa thể hiện rõ ràng, nhưng có nhiều dấu hiệu cho thấy nó sẽ đóng vai trò phòng không hạm đội, bảo vệ tàu sân bay Type-001A nội địa của Trung Quốc.

Cấu trúc thượng tầng của Type-055 có thể được lắp radar mảng pha quét điện tử (APAR) tương tự mẫu AN/SPY-1D nằm trong lá chắn phòng không Aegis của hải quân Mỹ. Điều này cho thấy Bắc Kinh đang phát triển hải quân theo mô hình tác chiến của Washington. Tàu sân bay Mỹ luôn có sự hộ tống của ít nhất một tàu tuần dương và nhiều tàu khu trục trang bị tổ hợp Aegis.

Sự khác biệt rõ ràng giữa hai con tàu nằm ở thiết kế. Type-055 sử dụng khung thân và kiến trúc thượng tầng kiểu truyền thống, chỉ ứng dụng kỹ thuật giảm tiết diện phản xạ radar ở một số mặt như che kín boong tàu phía trước, cấu trúc thượng tầng nằm nghiêng và bọc kín đài radar.

tuong-quan-suc-manh-sieu-khu-truc-ham-my-va-trung-quoc-1

Bệ thử nghiệm phần thượng tầng của Type-055. Ảnh: Southfront.

Trái lại, Zumwalt là lớp tàu tàng hình toàn diện, với phần khung thân và thượng tầng dốc theo một góc, ụ pháo và các hệ thống cảm biến cũng được bọc kín, giảm tối đa tiết diện radar. Lớp Zumwalt có khả năng tàng hình cao nhằm phục vụ mục đích hoạt động độc lập ở gần bờ biển đối phương.

Về vũ khí, Type-055 được cho là có 128 ống phóng thẳng đứng (VLS) cho tên lửa phòng không và các loại đạn khác, nhiều hơn 6 ống so với tuần dương hạm lớp Ticonderoga, lớp tàu mặt nước được trang bị nhiều vũ khí nhất của hải quân Mỹ.

USS Zumwalt chỉ có 80 ống phóng, xếp dọc thân tàu với tác dụng như lớp giáp bảo vệ, hấp thụ một phần sát thương của tên lửa hoặc đạn pháo đối phương. Còn Type-055 bố trí cụm VLS ở giữa thân tàu, tương tự lớp Ticonderoga và Arleigh Burke của Mỹ.

Lớp Zumwalt đổi số lượng tên lửa lấy độ bền cho con tàu, trong khi Type-055 vẫn phát triển theo các nguyên tắc thiết kế truyền thống, đánh đổi khả năng sống sót để tối đa hóa hỏa lực.

Do khác biệt về cả thiết kế và nhiệm vụ, hai tàu khó có khả năng đối đầu với nhau trên chiến trường. Chúng có thể tham gia các nhiệm vụ răn đe và phô diễn sức mạnh hải quân, nhưng sẽ không bao giờ trực tiếp giao chiến với tàu còn lại, chuyên gia Axe kết luận.

Theo VNE

TIN LIÊN QUAN