Đối thủ của T-90S trên đường trở thành vua tăng Đông Nam Á
Khi nhận những chiếc T-90S vào cuối năm nay, Việt Nam sẽ gia nhập hàng ngũ các quốc gia Đông Nam Á sở hữu xe tăng chiến đấu chủ lực hiện đại.
Nếu xét về sức mạnh, rõ ràng T-90S của Việt Nam được đánh giá cao hơn hẳn PT-91M Pendeka của Malaysia hay VT-1A (MBT-2000) của Myanmar.
Tuy nhiên nếu muốn trở thành "Vua xe tăng Đông Nam Á" thì T-90S vẫn còn đó những đối thủ đáng gờm, bao gồm:
T-84 Oplot-T
Xe tăng chiến đấu chủ lực T-84 Oplot-T của Lục quân Hoàng gia Thái Lan |
T-84 Oplot-T là phiên bản xe tăng chiến đấu chủ lực do Ukraine sản xuất dựa trên nguyên mẫu T-80UD, do vậy nó có hình dạng khá giống và mang những đặc điểm tiêu biểu của họ xe tăng T-80.
Chiếc chiến xa này sở hữu tháp pháo hàn hình hộp kiểu phương Tây thay thế cho tháp pháo tròn truyền thống của Liên Xô. Lớp bảo vệ của Oplot-T gồm giáp phức hợp composite phía trong và giáp phản ứng nổ thế hệ 3 Nozh bên ngoài, lớp ERA này có tính năng không thua kém Relikt và vượt trội Kontakt 5.
Bên cạnh đó, xe còn được lắp hệ thống bảo vệ chủ động Varta (tương tự Shtora), thành phần gồm có thiết bị cảnh báo laser, thiết bị gây nhiễu hồng ngoại và thiết bị tạo khói, đi kèm kính ngắm quan sát toàn cảnh với cảm biến nhiệt.
Trọng lượng chỉ 46 tấn nhưng trái tim của Oplot-T là động cơ diesel V12 6TD-2 công suất lên tới 1.200 mã lực (so với 1.130 mã lực của động cơ nâng cấp trên T-90S), cho tốc độ tối đa 70 km/h, tầm hoạt động 540 km.
Vũ khí trang bị của T-84 gồm pháo nòng trơn 125 mm KBA3 có khả năng bắn tên lửa chống tăng qua nòng, 1 súng máy 12,7 mm điều khiển từ bên trong và 1 súng máy đồng trục 7,62 mm.
Mặc dù đang vướng phải nhiều phàn nàn về chất lượng, tuy nhiên nếu khắc phục thành công thì chiếc chiến xa này có thể ngang hàng với T-90MS.
MBT Revolution
Xe tăng chiến đấu chủ lực MBT Revolution của Indonesia. |
MBT Revolution là một gói nâng cấp theo dạng module dựa trên xe tăng chiến đấu chủ lực Leopard 2A4, được Rheinmetall thực hiện vào năm 2010. Indonesia là khách hàng đầu tiên mua được xe tăng MBT Revolution với số lượng 61 chiếc.
Được phát triển phù hợp với tác chiến đô thị và các cuộc xung đột cường độ thấp, MBT Revolution khác hẳn nguyên gốc Leopard 2A4 chế tạo trong thời kỳ Chiến tranh Lạnh dành cho các cuộc xung đột cường độ cao dựa trên trận chiến của xe tăng trong địa hình mở.
Xe được lắp đặt giáp composite dạng module hóa bằng vật liệu nano-gốm và hợp kim titan-thép hiện đại, đặc biệt hữu hiệu khi chống lại các loại súng phóng lựu chống tăng dạng RPG hay mìn tự chế.
MBT Revolution có trọng lượng 60 tấn, động cơ diesel MTU MB-873 Ka501 công suất 1.500 mã lực cho tốc độ tối đa 72 km/h; tầm hoạt động 550 km. Vũ khí trang bị gồm pháo nòng trơn 120 mm L44, 1 súng máy 12,7 mm và 1 súng máy 7,62 mm đồng trục.
So với T-90S, xe tăng của Indonesia bị đánh giá kém hơn về sức mạnh hỏa lực nhưng lại trội hơn về độ tiện nghi, thiết bị điện tử, cũng như khả năng đảm bảo an toàn cho binh sĩ.
Leopard 2A4SG
Xe tăng chiến đấu chủ lực Leopard 2A4SG của Lục quân Singapore. |
Leopard 2A4SG là phiên bản Leopard 2A4 được cải tiến theo yêu cầu của Lục quân Singapore, đặc điểm dễ nhận thấy nhất ở biến thể này là xe có tháp pháo rộng hơn với nhiều bề mặt nghiêng do các lớp giáp phụ bổ sung tạo ra. Xe cũng được trang bị diềm chắn xích dày hơn và giáp dạng lồng thép ở nửa sau thân xe cùng với tháp pháo.
Chiếc chiến xa này có trọng lượng 52 tấn, nó vẫn sử dụng động cơ diesel MTU MB-873 Ka501 và pháo nòng trơn 120 mm L44 tương tự MBT Revolution của Indonesia, sức mạnh tấn công - phòng thủ giữa hai biến thể Leopard trên không có quá nhiều khác biệt. Chúng là những đối thủ đáng gờm của T-90S.
Theo Báo Đất Việt
TIN LIÊN QUAN |
---|