Láng giềng lục đục
(Baonghean) - Gần gũi nhau về khoảng cách địa lý là điều kiện thuận lợi để các quốc gia phát triển quan hệ hợp tác, nhưng đôi khi những người hàng xóm lại có những căng thẳng và bất hòa khó dàn xếp phát sinh từ mâu thuẫn trong lập trường và lợi ích.
Láng giềng lục đục - đó là điều thế giới đang chứng kiến trong quan hệ Hàn Quốc - Nhật Bản và Nga - EU…
Quần đảo Dokdo/Takeshima mà Hàn Quốc và Nhật Bản đang tranh chấp. Ảnh: dapd |
Bản đồ cổ khơi bất đồng mới
Tranh chấp bấy lâu nay về chủ quyền đối với quần đảo Dokdo/Takeshima đã tác động không nhỏ đến quan hệ giữa Hàn Quốc và Nhật Bản, thậm chí ngọn lửa âm ỉ có thể bùng lên sau thông tin phát hiện một tấm bản đồ được một người chuyên vẽ bản đồ kiêm nhà địa chất học Hàn Quốc lập từ năm 1861, khẳng định Dokdo/Takeshima thuộc về xứ sở kim chi.
Theo DW, tấm bản đồ vẽ Bán đảo Triều Tiên, trong đó Dokdo/Takeshima nằm gần đảo Ulleung ngoài khơi phía Đông Nhật Bản - và Tokyo nhiều năm qua đã tranh chấp quyền kiểm soát đối với quần đảo này, quả quyết Dokdo/Takeshima là một bộ phận không thể tách rời trong nhóm đảo của Nhật Bản.
Điều “trớ trêu” là bản đồ lại nằm trong bộ sưu tập của một người Nhật và trước đó từng nằm trong thư viện ở Bình Nhưỡng, Triều Tiên. Các con số trên bản đồ cho thấy người ta đã tìm được nó ngày 30/8/1932, khi Bán đảo Triều Tiên còn trong ách thuộc địa của Nhật Bản.
Gần như ngay lập tức, giới truyền thông Hàn Quốc đã nhanh chóng đưa tin về vụ phát hiện bản đồ, xem đó là một bằng chứng khác cho thấy, Dokdo/Takeshima - nơi có lực lượng cảnh sát vũ trang của họ đồn trú thường trực - thuộc chủ quyền lãnh thổ Hàn Quốc.
Lập trường phía Seoul đưa ra cho rằng, Dokdo/Takeshima chỉ rơi vào tay Tokyo khi Đế quốc Nhật xâm lược Bán đảo Triều Tiên năm 1910, và quần đảo này được “trao” cho tỉnh Shimane - nơi gần nhất thuộc lục địa Nhật Bản, cho đến khi Tokyo bại trận trong Chiến tranh thế giới thứ 2 và đầu hàng tháng 8/1945.
Bản in Hòa ước San Francisco 1951 giờ đây trở nên rất quan trọng với Seoul trong tranh chấp dai dẳng với láng giềng. Hàn Quốc khẳng định các bản dự thảo ban đầu của hiệp định vẫn bao gồm Dokdo trong số hàng nghìn đảo và phần lãnh thổ bị Nhật Bản chiếm và phải được trao trả về tay các chủ nhân lịch sử khắp châu Á.
Tuy nhiên, đến bản thảo thứ 6, do “rối rắm” nên các địa danh được lược bớt đi, chỉ còn lại 3 quần đảo lớn của Hàn Quốc được chỉ đích danh. Trên cơ sở đó, Seoul luôn quả quyết quần đảo tranh chấp phải được trả về cho chủ nhân đích thực, tức nó rõ ràng thuộc về Hàn Quốc.
Thế nhưng, tại Tokyo, Chính phủ Nhật Bản hiện phủi sạch những tuyên bố từ phía Seoul, khăng khăng cho rằng, quần đảo tranh chấp là một phần vốn có của lãnh thổ Nhật Bản, hoàn toàn dựa trên các căn cứ là sự thật lịch sử và luật pháp quốc tế.
Một mục lớn trên trang web Bộ Ngoại giao Nhật Bản có nêu: “Hàn Quốc đã chiếm Takeshima mà không có cơ sở nào theo luật pháp quốc tế. Bất cứ biện pháp nào Hàn Quốc áp dụng liên quan tới Takeshima dựa trên sự chiếm đóng phi pháp như vậy đều không chính đáng về mặt pháp lý. Nhật Bản sẽ tiếp tục tìm cách giải quyết tranh chấp về chủ quyền lãnh thổ đối với Takeshima trên cơ sở luật pháp quốc tế theo cách bình tĩnh và hòa bình”.
Để củng cố thêm lập luận của mình, Nhật Bản đề xuất đưa tranh chấp lên Tòa án Công lý quốc tế ở The Hague và cả 2 phía được trao cơ hội chứng minh các tuyên bố của mình, song đến nay Seoul vẫn từ chối đề nghị này.
Vì thế, có thể nói rằng trong tình cảnh quan hệ láng giềng Hàn-Nhật “cơm không lành, canh không ngọt” do tranh chấp chủ quyền đối với quần đảo Dokdo/Takeshima, không ai có tín hiệu nhượng bộ cũng chưa chịu vời đến bên thứ 3 đứng ra dàn xếp, thì phát hiện về tấm bản đồ mới khiến tình thế chẳng khác nào làm bùng lên đốm lửa đang âm ỉ cháy suốt thời gian qua.
Các tua bin khí của hãng Siemens. Ảnh: dpa |
Vòng xoáy trừng phạt Nga
Thông tin Tổng thống Mỹ Donald Trump “lực bất tòng tâm” đặt bút ký vào dự luật trừng phạt Nga mà bản thân ông cho là có một số điều khoản vi hiến còn chưa kịp “nguội” trên các mặt báo, thì ít ngày sau Nga lại thấy mình trong thế đối diện với vòng trừng phạt mới của Liên minh châu Âu (EU).
Từ khi Nga sáp nhập Bán đảo Crimea năm 2014, nhóm các thành viên EU đã thẳng tay ra đòn với người láng giềng, và lần này thông tin các tua bin của Siemens được chuyển tới bán đảo trên lại châm ngòi cho một vòng các biện pháp trừng phạt mới.
Theo đó, hôm 4/8, EU đã áp đặt lệnh trừng phạt lên 3 công dân và 3 công ty Nga sau khi các tua bin khí được mua từ hãng Siemens của Đức được chuyển tới khu vực Crimea. Vài năm qua, Brussels đã kiên trì theo đuổi chính sách nghiêm ngặt là từ chối công nhận việc Nga sáp nhập bán đảo này, và khối nước 28 thành viên khi ấy đã nhắm trừng phạt vào 153 người và 40 công ty.
Những cái tên bị ảnh hưởng từ loạt biện pháp trừng phạt mới đây nhất bao gồm Thứ trưởng Năng lượng Nga Andrey Cherezov và Cục trưởng bộ này Evgeny Grabchak. Các quan chức này sẽ phải chịu “hình phạt” đóng băng tài sản và cấm đi lại với EU.
“EU đã bổ sung 3 công dân và 3 công ty Nga dính líu đến vụ chuyển tua bin khí tới Crimea vào danh sách các cá nhân và tập thể phải chịu các biện pháp giới hạn đối với các hành động phá hoại sự thống nhất lãnh thổ, chủ quyền và độc lập Ukraine”, một tuyên bố từ Ủy ban châu Âu cho hay.
Cơ quan này cũng cho rằng, việc thiết lập một nhà máy điện độc lập phục vụ Crimea chỉ ủng hộ bán đảo này thêm ly khai khỏi Ukraine, mà tua bin khí là một thành tố quan trọng trong quá trình phát triển các nhà máy điện mới.
Theo báo Đức, hồi tháng trước hãng Siemens cũng khẳng định đã trong quá trình thu hẹp quy mô các chiến dịch Nga sau khi phát hiện 4 tua bin đã bị “sửa sang trái phép” và chuyển tới Crimea.
Về phần mình, liên tiếp đối diện với những tin tức không mấy tốt đẹp, Moskva không tránh khỏi tức giận, và Bộ Ngoại giao nước này hôm 4/8 ngay lập tức đáp trả, gọi những đòn trừng phạt mới của EU là “thù địch và vô căn cứ”.
Thậm chí, không loại trừ khả năng gấu Nga sắp tới sẽ tung miếng đòn trả đũa, khi bất bình trước việc bất đồng trong thương mại lại “bị chính trị hóa tới mức vô lý” đến vậy.
Thu Giang
TIN LIÊN QUAN