Donetsk lập nhà nước riêng, Ukraine thêm rối

19/07/2017 20:29

(Baonghean) - Cuộc khủng hoảng miền Đông Ukraine lại vừa có thêm diễn biến mới, khi người đứng đầu Cộng hòa Nhân dân Donetsk (DPR) tự xưng Alexander Zakharchenko đọc tuyên ngôn thành lập một quốc gia mới có tên gọi là Malorossya, lấy thủ phủ là thành phố Donetsk.

Quyết định được đưa ra do thất vọng với Chính phủ Ukraine trong việc ngăn chặn nội chiến. Tuy nhiên theo giới quan sát, diễn biến này đang khiến cho tình hình thêm phức tạp và xung đột tại khu vực miền Đông Ukraine sẽ càng khó hóa giải.

Nhà nước thay thế Ukraine?

Theo tuyên bố của người đứng đầu Cộng hòa Nhân dân Donetsk (DPR) tự xưng Alexander Zakharchenko, sẽ không thể khôi phục được nhà nước Ukraine như trước kia. Với tư cách là đại diện cho các vùng thuộc Ukraine cũ, trừ Crimea, Cộng hòa Nhân dân Donetsk cùng với 19 khu vực khác đã tuyên bố thành lập nhà nước mới - nhà nước kế thừa của Ukraine. Nhà nước mới sẽ có tên gọi là Malorossya vì tên gọi cũ Ukraine đã không còn uy tín.

Người đứng đầu Cộng hòa Nhân dân Donetsk tự xưng Alexander Zakharchenko thông báo thành lập “một nhà nước mới, kế thừa của Ukraine” có tên gọi Malorossiya. Ảnh: Tass
Người đứng đầu Cộng hòa Nhân dân Donetsk tự xưng Alexander Zakharchenko thông báo thành lập “một nhà nước mới, kế thừa của Ukraine” có tên gọi Malorossiya. Ảnh: Tass

Theo lãnh đạo nước Cộng hòa nhân dân tự xưng Donesk Zakharchenko, Nhà nước Malorossiya sẽ là một nhà nước liên bang với quyền tự trị mở rộng, thủ đô sẽ là Donetsk. Chính quyền Trung ương sẽ chỉ kiểm soát những lĩnh vực có tính chiến lược như ngân sách, quân đội và an ninh quốc gia.

Đáng chú ý, ông Zakharchenko cũng nhấn mạnh rằng, sự ra đời của nhà nước mới Malorossiya không mâu thuẫn với Hiệp định Minsk. Ông đồng thời tuyên bố, Cộng hòa Nhân dân Donetsk (DPR) cùng với Cộng hòa Nhân dân Lugansk (LPR) tự xưng là hai vùng lãnh thổ duy nhất của Ukraine (trừ Crimea) có chính quyền hợp pháp.

Cần phải nhắc lại rằng, chính quyền Kiev được các quốc gia phương Tây trong đó có Mỹ hậu thuẫn luôn tuyên bố không công nhận các nước “Cộng hòa Nhân dân”, xác định vùng lãnh thổ Lugansk và Donetsk là vùng bị chiếm đóng và lực lượng dân quân trong khu vực này là khủng bố.

Từ tháng 4/2014, chính quyền Ukraine đã bắt đầu tiến hành chiến dịch quân sự chống lại các nhà nước tự xưng này. Bởi vậy tất yếu sau tuyên bố thành lập nhà nước của chính quyền Donetsk vừa qua, chính quyền Ukraine đã có phản ứng rất mạnh mẽ.

Tổng thống Ukraine Petro Poroshenko ngày 18/7 đã tuyên bố sẽ khôi phục chủ quyền lãnh thổ đối với các khu vực ở miền Đông nước này, bao gồm cả Donbass và Crimea.

Dư luận trái chiều

Trong khi đó, cộng đồng quốc tế cũng đã có những phản ứng khác nhau đối với diễn biến mới tại miền Đông Ukraine. Chính phủ Đức ngày 18/7 cho biết, nước này coi đề xuất thành lập một nhà nước mới mang tên Malorossiya của người đứng đầu Cộng hòa Nhân dân Donetsk (DPR) tự xưng Alexander Zakharchenko là “hoàn toàn không thể chấp nhận được”.

Trong một thông báo, chính quyền Đức nêu rõ: Chính phủ Đức lên án bước đi này là hoàn toàn không thể chấp nhận được. Ông Zakharchenko không có quyền hợp pháp để tuyên bố về khu vực này của Ukraine. Đức cho rằng, cuộc xung đột ở miền Đông Ukraine chỉ có thể được giải quyết thông qua hòa giải và thương lượng.

Trong một diễn biến cùng ngày, Bộ Ngoại giao Pháp đã kêu gọi Nga lên án tuyên bố của ông Alexander Zakharchenko, vốn vi phạm các thỏa thuận Minsk và đi ngược lại tinh thần của các cuộc thương lượng trong khuôn khổ Normandy.

Đáp lại, thư ký báo chí của Tổng thống Nga, ông Dmitri Peskov cho biết, nước này coi tuyên bố của người đứng đầu nước cộng hòa tự xưng Donetsk chỉ là “sáng kiến riêng”, còn Nga vẫn đang tuân thủ Hiệp ước Minsk.

Tuy nhiên trước sự kiện này, cũng có một số quan điểm nhìn nhận khác nhau. Như Hạ Nghị sỹ Nga Tsekov đã bày tỏ sự đồng tình với chính quyền Donetsk về việc Ukraine cần phải tiến tới việc thành lập Nhà nước Liên bang. Theo đó, Ukraine hiện đang trong tình trạng tách biệt ở tất cả các miền và rằng, đây là con đường không tránh khỏi đối với nước này. Hay Chủ nhiệm Ủy ban Đuma Quốc gia về vấn đề SNG, Kalashnikov cho rằng, bước đi này có thể sẽ giải quyết được các vấn đề của Ukraine.

Từ góc độ khác, bình luận về sự việc này, Đặc phái viên Liên bang Nga trong nhóm tiếp xúc về Ukraine, Boris Gryzlov lại cho rằng, không nên coi tuyên bố thành lập nhà nước này như một chính sách thực sự mà đó chỉ là một lời đề xuất để tiếp tục thảo luận mà thôi.

Trong khi đó, thông tin từ nước cộng hòa tự xưng Lugansk cho biết, Lugansk sẽ không tham gia vào dự án thành lập Nhà nước của khu vực Donetsk và coi việc tuân thủ Hiệp ước Minsk mới là điều quan trọng.

Kiev “đứng ngồi không yên”

Với chính quyền Donetsk tự xưng, đây không phải là lần đầu tiên khu vực này tuyên bố về vấn đề nhà nước riêng. Còn nhớ hồi năm 2014, Thủ lĩnh của Cộng hòa tự xưng Donetsk cũng tuyên bố sẽ lập biên giới nhà nước riêng của mình và coi các binh sỹ chính phủ tại đó là “những kẻ xâm chiếm”.

Ngay trước đó, ngày 11/5/2014, những người ủng hộ liên bang hóa đất nước tại hai tỉnh Donetsk và Lugansk, miền Đông Ukraine, đã tổ chức trưng cầu ý dân về quyền tự chủ. Tuy vậy, đòi hỏi của khu vực Donetsk khi đó là quyền tự chủ lớn hơn của Donetsk, chứ không phải là trao chủ quyền cho tỉnh.

Cũng cần nhắc lại, kết quả cuộc trưng cầu ý dân ngày 11/5 cho thấy, 89% người dân khu vực Donetsk đã ủng hộ nền độc lập của khu vực. Còn đối với tuyên bố thành lập nhà nước mới nhất, dường như chính quyền Donetsk tự xưng đã có một quyết định táo bạo hơn.

Xung đột ở miền Đông Ukraine tiếp diễn bất chấp các lệnh ngừng bắn. Ảnh: Tass
Xung đột ở miền Đông Ukraine tiếp diễn bất chấp các lệnh ngừng bắn. Ảnh: Tass

Theo giới quan sát, thực tế động thái thành lập nhà nước riêng của chính quyền Donetsk cũng nhằm mục tiêu mặc cả trong các cuộc đàm phán về cuộc xung đột Ukraine chưa có hồi kết. Tuy nhiên với Ukraine, đây thực sự là một đòn giáng mạnh vào chính sách nước này.

Liệu chính quyền Kiev sẽ phải lựa chọn cách giải quyết ra sao? Nếu tiến hành các biện pháp cứng rắn với khu vực Donetsk, chắc chắn tình hình tại đây sẽ trở nên vô cùng căng thẳng, bởi đa số người dân khu vực này vốn đã đồng thuận với một nền độc lập của khu vực.

Còn nếu không giải quyết triệt để, Nhà nước Malorossiya có thể sẽ phát triển ngoài sự kiểm soát của chính quyền Kiev. Không loại trừ khả năng các khu vực khác - nơi người dân có mâu thuẫn sâu sắc với chính quyền Kiev, sẽ tiến hành các cuộc sáp nhập vào nhà nước mới này.

Trong tuyên bố của mình, người đứng đầu Nhà nước Donetsk cho biết, Malorossiya sẽ được thành lập trong thời gian quá độ khoảng 3 năm hoặc hơn, trở thành một nhà nước liên bang với quyền tự trị rộng rãi, dần thay thế Ukraine. Ông Zakharchenko cũng tin rằng, đây là một vấn đề cực kỳ quan trọng, đòi hỏi sự ủng hộ của cộng đồng quốc tế và người dân Ukraine.

Chưa biết chính quyền Tổng thống Ukranie Poroshenko sẽ xử lý việc thành lập nhà nước của khu vực Donetsk ra sao, tuy nhiên có một điều chắc chắn là tình hình miền Đông Ukraine sẽ càng lúc càng trở nên phức tạp những ngày tới đây.

Trong khi đó, bất chấp Nga đã lên tiếng phản đối nhưng căng thẳng giữa Ukraine và phương Tây với Nga sẽ tiếp tục nóng lên. Chắc chắn hai bên vẫn còn hố sâu nghi kỵ và Nga vẫn sẽ bị Ukraine và NATO cáo buộc đã ủng hộ và kích động phong trào ly khai và ủng hộ quân nổi dậy.

Trong bối cảnh thỏa thuận hòa bình Minsk chưa thể phát huy hiệu quả, các cuộc đàm phán vẫn bế tắc, con số 10.000 người thiệt mạng tại miền Đông Ukraine kể từ khi bùng phát xung đột năm 2014 chắc chắn sẽ chưa thể dừng lại.

Phương Hoa

TIN LIÊN QUAN