Thủ phạm khiến khủng long tuyệt chủng trên Trái Đất

16/06/2017 15:50

Một nghiên cứu mới đây đã cho thấy Mặt Trời của chúng ta sinh ra cùng với một ngôi sao có tên Nemesis và một số nhà thiên văn học cho rằng ngôi sao này là thủ phạm gây ra sự tuyệt chủng của khủng long.

Ngôi sao song sinh Nemesis của Mặt Trời đã khiến khủng long tuyệt chủng?

Các nhà khoa học từ lâu đã tìm cách giải thích hiện tượng các ngôi sao có bạn đồng hành. Một phân tích mới của các nhà khoa học tới từ Đại học Harvard và UC Berkeley cho rằng gần như tất cả các ngôi sao đều sinh ra cùng một ngôi sao đồng hành.

Ngôi sao song sinh của Mặt Trời có tên Nemesis, quay xung quanh cùng quỹ đạo với Mặt Trời trước khi đi vào thiên hà. Ngôi sao này chưa bao giờ được tìm thấy, nhưng nghiên cứu mới cho rằng nó chắc hẳn đã tồn tại vì tất cả các ngôi sao đều sinh ra có đôi có cặp.

Giới khoa học tin rằng chính ngôi sao song sinh Nemesis của Mặt Trời là nguyên nhân khiến thiên thạch khổng lồ đổi hướng, lao vào Trái Đất và gây ra thảm họa tuyệt chủng đối với loài khủng long.

Các nhà nghiên cứu đã đi đến kết luận sau khi quan sát các ngôi sao mới sinh ra trong chòm sao Perseus. Họ thiết kế một mô hình toán học và nhận thấy giả thuyết về việc mọi ngôi sao đều có một phiên bản song sinh hoàn toàn chính xác đối với các ngôi sao trong chòm sao Perseus.

"Chúng tôi cho chạy một loạt mô hình thống kê để xem liệu có thể giải thích số lượng sao trẻ đơn lẻ trong chòm sao Perseus hay không. Chỉ có một mô hình duy nhất cung cấp dữ liệu phù hợp, đó là tất cả ngôi sao ban đầu đều ra đời trong hệ sao nhị phân rộng. Các hệ thống này co lại hoặc tách ra trong vòng một triệu năm", Steven Stahler, nhà thiên văn học thuộc Đại học California, thành viên nhóm nghiên cứu, cho biết.

Trong khi đó, Sarah Sadavoy, một trong những nhà nghiên cứu ở Đài quan sát thiên văn Smithsonian, cho biết: "Ý tưởng cho rằng nhiều ngôi sao hình thành với một người bạn đồng hành đã được đề xuất trước đây, nhưng câu hỏi đặt ra là: Có bao nhiêu hệ sao như vậy?"

“Dựa vào mô hình đơn giản của chúng tôi, gần như tất cả ngôi sao đều hình thành với một bản sao. Chòm sao Perseus được xem là khu vực hình thành sao khối lượng thấp điển hình, nhưng chúng tôi cần kiểm tra những chòm sao khác”, nhà khoa học Sadavoy nói.

Đám mây phân tử Perseus là một trong những vườn ươm sao, cách Trái Đất khoảng 600 năm ánh sáng và trải rộng khoảng 50 năm ánh sáng.

Theo Baotintuc

TIN LIÊN QUAN