Đông Bích - làng của những nhà thơ

07/08/2017 17:14

(Baonghean) - Làng Đông Bích sẽ như bao nhiêu làng quê xứ Nghệ khác trong tôi, nếu không phải nó đi vào trong rất nhiều bài thơ, câu chuyện của những nhà văn sinh ra, lớn lên ở làng.

Cái tên Đông Bích hóa thật gợi với núi Quỳ, cây đa ba nhánh, khe Nhà Vàng... và những bà mẹ nông dân ru con, dạy con bằng ca dao tục ngữ, bằng thơ.

Đi từ Vinh, qua Thanh Chương đến thị trấn Đô Lương, dừng lại ở đường qua Đò Cung, rẽ tay trái đi mấy trăm mét nữa thì gặp làng quê bé nhỏ nằm giữa cánh đồng. Đó là làng Đông Bích của xã Trung Sơn, huyện Đô Lương.

Bến đò Cung hôm nay. Ảnh: V.T
Bến đò Cung hôm nay. Ảnh: Vương Trọng

Làng nhuốm vẻ yên bình lưu cữu. Chếch bên phải là núi Quỳ, như né mình nhường cho làng ánh nắng mai... Người xưa truyền lại, trẻ con làng Đông Bích thường học giỏi nhất vùng, bởi vì trời đất đã dành cho làng tất cả những gì trong sáng nhất, tinh khiết nhất của buổi ban mai.

Vào làng, bạn sẽ gặp những cư dân với nụ cười đến trước. Nếu bạn dừng lại dưới gốc đa làng, nơi những ngọn gió thường lưu lại một lát rồi đi, bạn sẽ thấy lòng mình thật khoan khoái, an nhiên. Người Đông Bích rất yêu cây, đặc biệt là cây đa. Dưới gốc đa là nơi người làng ngồi hóng mát, trên cây là khoảng trời của chim chóc trò chuyện với nhau. Người làng với cây cỏ, chim muông chung sống thuận hòa.

Bạn sẽ thấy ở làng này, dường như không bao giờ nghe tiếng nói to. Người làng bao đời nay thường ứng xử với nhau bằng nụ cười, bằng lời chào nhau nhỏ nhẹ. Ở cái làng bé nhỏ này, ngày xưa lúc nào cũng nghe tiếng ru con của những bà mẹ.

Những tiếng ru đó là ru tất cả những người con của làng lớn lên. Làng chỉ có làm một nghề duy nhất là làm ruộng. Làng chưa bao giờ có nghề truyền thống. Có lẽ thế mà sự chất phác, trung thực vẫn còn nguyên vẹn với người làng Đông Bích cho đến đời nay. Có nhiều nhà văn, nhà báo đến đây, nói vui rằng, nếu có một nghề phụ của làng, thì đó là… nghề làm thơ.

Làng quê nhỏ, nơi quần tụ của chỉ gần 500 gương mặt người thuộc các dòng họ Nguyễn Văn, Trần Văn, Vương Đình và vài họ khác... hầu hết ai cũng biết ai, sống yêu thương, đùm bọc lẫn nhau. Người làng sống thọ, có đến dăm người mất khi tuổi đời trên 100. Trong 500 người làng hiện nay, có đến gần 100 người tuổi từ 80 trở lên.

Thường ngày sau 7 giờ tối làng im lìm, chỉ còn tiếng người trong mỗi nhà. Ấy nhưng nếu bạn đến vào những ngày lễ tết, bạn sẽ thấy người làng từ khắp mọi miền đất nước trở về. Trên những con đường làng, xe cộ, người đi nhộn nhịp tiếng chào hỏi nhau. Nhiều màu sắc, nhiều tiếng cười trong các cuộc hội ngộ của làng. Dù ở đâu, làm gì, người làng luôn hướng về nơi chôn nhau cắt rốn của mình.

Nhà thơ Vương Trọng bên cây đa làng Đông Bích. Ảnh: P.V
Nhà thơ Vương Trọng bên cây đa làng Đông Bích. Ảnh: V.T

Rồi bạn sẽ gặp những cây đa và những hàng ghế đá; gặp nhà văn hóa vừa xây xong, những bộ ghế đẹp cũng là tình cảm người làng xa quê gửi gắm về. Bạn sẽ gặp những con đường bê tông hóa chạy quanh làng. Một phần cũng là tình người xa làng gửi về. Làng đã có công nuôi lớn những tâm hồn đẹp những người con của làng. Những người con của làng ra đi luôn nhớ từng ngọn cây, ngọn cỏ của làng. Họ luôn có mặt với làng cả trong tâm tưởng.

Những người làng lớn tuổi gặp nhau thường kể những chuyện xa xưa của thời trẻ nhỏ. Đó có thể là chuyện ma ở khe Nhà Vàng cho đến bây giờ vẫn mãi mãi là những huyền thoại đầy linh thiêng. Nhà thơ Vương Cường, một người con làng Đông Bích kể rằng, bố của ông suốt đời chỉ tắm mỗi một nơi đó là khe Nhà Vàng.

Đó là con suối chảy ra từ trong lòng núi Quỳ lọc, ướp hương từ lòng đất, nước khe trong veo và mát lạnh lại còn thơm. Trời đã xây bằng đá hộc bao quanh thành như một nhà tắm. Nơi dòng nước chảy qua có khắc một rãnh nhỏ. Trẻ con ngày ấy thường được nghe kể về những bóng áo trắng đi ra từ khe Nhà Vàng, người làng quả quyết nhìn thấy những người thanh niên vai vác đòn gánh vừa đi đều vừa hát những bài Nam tiến.

Rồi buổi trưa và buổi tối ma thường họp chợ. Tiếng mua bán mặc cả hay cãi vã nhau nghe rõ mồn một. Buổi đêm thì ma trơi nổi lửa tuần tra. Có cả ma cắt thuốc bắc... Những câu chuyện rợn cả sống lưng khiến những câu bé ngày xưa, nay đã thành ông thành bà, thuở ấy “chẳng những không dám vào khe Nhà Vàng mà còn chẳng dám ngủ một mình”.

Núi Quỳ, ngọn núi đã trở thành biểu tượng làng quê Đông Bích, cũng là khởi nguồn của tên gọi một nhà thơ nổi tiếng xứ Nghệ: Thạch Quỳ - Vương Đình Huấn. ảNh: P.V
Núi Quỳ, ngọn núi đã trở thành biểu tượng làng quê Đông Bích, cũng là khởi nguồn của tên gọi một nhà thơ nổi tiếng xứ Nghệ: Thạch Quỳ - Vương Đình Huấn. Ảnh: P.V

Đó có thể là câu chuyện về “người bạn chung” của nhiều thế hệ ở làng, ấy là “người chăn trâu thế kỷ” tên Lạn, từ thuở nhỏ cho đến khi về già người ta vẫn thấy ông ấy dắt trâu mỗi ngày đi về trên con đường làng khấp khểnh. Ông, cùng với con trâu đã đi qua bao mưa nắng, đổi thay, để làm nên một dấu ấn nhớ về của bao nhiêu người làng…

Đó có thể là giấc mơ chung về cây đa làng, cây đa ba nhánh chín chồi mà trong các hốc đa có rất nhiều con “bửa củi” đen tuyền. Mùa quả đa chín rụng tím cả đường. Dưới cây đa, người đi, trẻ con chơi. Trên cây, chim chuyền ăn trái và hót. Thỉnh thoảng ỉa rơi cả đầu, cả mặt lũ trẻ.

Đó có thể là những trò chơi nghịch ngợm của thuở chăn trâu, cắt cỏ, bắt ong, bắt bướm, hái sim, nhặt phân trên núi Quỳ. Đó có thể là những lần rủ nhau trộm bưởi, trộm lạc của làng trong những đứa trẻ vừa lớn. Trước những trò chơi bất thường ấy, dân làng không bao giờ xem là xấu. Người làng bao dung vẫn dành cho trẻ con những khoảng không gian thật đặc biệt với niềm tin những người con của làng.

Quả thật, những trò chơi dại ngày trước đã góp phần nuôi lớn những tâm hồn yêu làng không nói hết. Bao nhiêu đứa trẻ ngày xưa, lớn lên, khi Tổ quốc lâm nguy đã cầm súng lên đường chiến đấu khắp các chiến trường. Những người con của làng ra đi, làm tất cả những gì tốt đẹp, bồi đắp cái đẹp cho làng. Họ biết, chỉ có quyền làm đẹp, không có ai làm xấu làng mình. Một làng quê bé nhỏ đã có tới hàng trăm liệt sỹ, thương binh và bộ đội, thanh niên xung phong...

Làng quê ấy, có đến hàng trăm cử nhân và hàng chục thầy giáo tỏa ra trong cả nước mang tấm lòng người Đông Bích làm việc, cống hiến với niềm tự hào về làng. Làng bé nhỏ ấy có ba tiến sỹ và nhiều thạc sỹ. Nhà thơ Đặng Huy Giang nói, trong cả nước, chỉ có làng Đông Bích, họ Vương mới có được tập thơ 4 đời con cháu với 28 tác giả và 900 trang thơ chất lượng, ngang tầm thơ đất nước. Xưa, có “Ngô gia văn phái”, nay có “Vương gia văn phái” mà thôi!

Bìa tuyển thơ họ Vương. Ảnh: P.V
Bìa tuyển thơ họ Vương. Ảnh: P.V

Nhà thơ đã nói không ngoa chút nào. Bởi cái làng bé nhỏ này có đến 3 nhà thơ hội viên Hội Nhà văn Việt Nam (là anh em, chú cháu trong nhà: nhà thơ Vương Trọng, nhà thơ Thạch Quỳ- Vương Đình Huấn, nhà thơ Vương Cường), nhiều người là hội viên Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh, nhiều người không tham gia hội nào nhưng vẫn làm thơ thường nhật. Làng quê ấy, con người làng quê ấy như vốn sinh ra để thể hiện hồn làng.

Làng Đông Bích vốn trọng nghĩa, khinh tài. Người dân trọng văn hóa và tôn thờ văn hóa, tôn thờ cái tốt đẹp. Trong cuộc sống thị trường hiện nay, đó cũng là sự thể hiện nối dài ý tứ người xưa. Nối dài phẩm chất người làng Đông Bích – làng văn hóa đến với con cháu mai sau…

Làng Đông Bích nhìn từ núi Quỳ. Ảnh: P.V
Làng Đông Bích nhìn từ núi Quỳ. Ảnh: P.V

Và như tôi, đến Đông Bích còn bởi lời thơ dẫn dụ: “Khi mắt tôi khép lại cái nhìn/ Hãy đưa tôi về nơi sinh nở/ Làng tôi nhỏ lối vào làng cũng nhỏ / Ô tô về phải dừng lại đường quan....” (Vương Trọng), “Núi Quỳ bé mà sao nhiều đá thế? Tuổi chăn bò hốc đá trú mưa/ Hoa chổi rụng dưới cánh ong bò vẽ/ Đá trắng phơi đầy trời nắng trưa/ Em cắt củi chưa đầy đôi lạt buộc/ Đã ngồi nghiêng trên đá, tím môi sim”… (Thạch Quỳ).

Đến Đông Bích rồi, sẽ hiểu, vì sao làng quê nhỏ bé ấy, mãi là nỗi nhớ niềm thương vô hạn của những người con đi xa. Mới hiểu vì sao, những hồn thơ tha thiết đến vậy lại được sinh ra nơi này…

P.V

TIN LIÊN QUAN