Gieo niềm tin, gặt hạnh phúc

08/07/2017 13:15

(Baonghean) - Số phận kém may mắn khiến cuộc đời của chị Vương Thị Thân chỉ toàn màu u ám, xám xịt với những khó khăn, cực nhọc, nhưng bởi vì dám chấp nhận hoàn cảnh mà chị đã vượt qua biết bao khó khăn để gieo mầm hạnh phúc cho tương lai.

Tôi gọi chị Thân là người đàn bà “thép” bởi ở hoàn cảnh khó khăn đến mấy thì chị vẫn luôn là cây cột trụ chống đỡ trong gia đình. Chị không chỉ cố gắng lo toan, gánh vác mọi việc trong nhà, mà chị còn là người khơi lên niềm hy vọng cho mọi người cùng cố gắng, dẫu rằng đó chỉ là những hy vọng mong manh.

Chuyện tình “lệch”

Một ngày cuối tháng 6, những cơn gió phơn khô ráp mang theo vị mặn mòi của biển cứ liên tục phả vào mặt người đi đường. Vòng vèo qua những cánh đồng xanh mướt đang kỳ đẻ nhánh, người bạn dẫn tôi về nhà bà Phạm Thị Bài ở xóm 11, xã Diễn Liên (Diễn Châu) để nghe kể về những con người dám chấp nhận hoàn cảnh vượt qua khó khăn.

Chị Vương Thị Thân cùng mẹ chồng và hai người chị bị thiểu năng trí tuệ bẩm sinh. Ảnh: Như Sương
Chị Vương Thị Thân cùng mẹ chồng và hai người chị bị thiểu năng trí tuệ bẩm sinh. Ảnh: Như Sương

Trong ngôi nhà nhỏ cũ kỹ chất đầy những bì đựng lúa chưa kịp bán, cô con dâu duy nhất của bà Bài là chị Vương Thị Thân (SN 1980) cất vội chiếc cuốc bên góc sân rồi mời khách vào chơi nhà. Dáng người nhỏ thó nhưng trông khoẻ mạnh và nhanh nhẹn; làn da rám đen cùng khuôn mặt gầy nhô lên bộ gò má cao càng lột tả được sự khổ nhọc, vất vả mà cuộc đời chị đang phải chịu đựng.

Chị Thân sinh ra trong một gia đình nghèo bên dốc Truông Vên thuộc địa bàn xã Diễn Lâm (Diễn Châu), nhà đông anh chị em, lại chỉ độc nghề nông nên sớm phải lam lũ việc đồng áng. Cũng vì thế mà chị có được cái nết na, thuỳ mị và sự chịu khó của một người con gái vùng đất lúa. Lớn lên, trở thành thiếu nữ, chị cũng có vài người trong làng để ý, thương thầm nhớ trộm. Nhưng hoàn cảnh gia đình khó khăn nên chị buộc phải tạm gác lại chuyện tìm kiếm hạnh phúc riêng để phụ cha mẹ kiếm tiền nuôi em.

Ở nông thôn, ngoài việc tranh thủ làm thuê ngày mùa được dăm mười ngày thì gần như chẳng có công việc gì lâu dài. Vì vậy mà chị thường tranh thủ sang các xã lân cận làm thuê. Những nơi xa nhà quá, chị ở lại luôn với nhà chủ làm đến lúc xong mùa. Cái duyên đưa đẩy, chị Thân tình cờ gặp được người con trai là Hồ Xuân Thọ (SN 1975) ở vùng đất Diễn Liên xa xôi.

“Khi gặp được anh cũng là lần đầu tiên đặt chân đến mảnh đất Diễn Liên. Mặc dù là ở cùng huyện nhưng từ nhà tôi sang nhà anh cũng gần chục cây số nên ngày đi làm thuê, tôi phải ở lại nhà chủ làm cho xong mùa. Ngày đó, tôi cũng nghe kể rằng anh bị bệnh về não nên không được minh mẫn, khôn khéo như những người khác nhưng cho đến khi gặp mặt, những điều tôi tưởng tượng trong đầu còn thua xa thực tế. Anh lúc tỉnh táo, lúc mê, nói chuyện có lúc rất khôn khéo nhưng có lúc lại như đứa trẻ khù khờ... Song, có lẽ bởi cái duyên nợ từ kiếp trước mà chỉ một lần gặp gỡ tình cờ ấy, tôi thấy thương anh và muốn được giúp đỡ” - chị Thân kể lại.

Một lần, hai lần rồi ba, bốn, năm lần,.... hai người gặp nhau rồi cùng chia sẻ, trò chuyện mà tình cảm cứ dần lớn lên. Mặc cho người thân của chị ra sức can ngăn, cấm đoán, người làng buông lời đàm tiếu, cái thứ tình yêu sét đánh ấy càng bùng cháy mãnh liệt hơn. Sau bao sóng gió, hai bên gia đình cuối cùng cũng chấp nhận cho chị và anh Thọ đến với nhau.

Gieo niềm tin để mong gặt hạnh phúc

Dù đã chuẩn bị sẵn tâm lý về những khó khăn mình phải chấp nhận nhưng ngày về làm dâu, chị Thân vẫn không hết bàng hoàng, lo lắng. Trong gia đình, ngoài anh Thọ có 2 người chị gái là Hồ Thị Hạ (SN 1966) và Hồ Thị Phương (SN 1971) cũng bị bệnh thiểu năng trí tuệ bẩm sinh, lúc nào cũng ngây ngô, khù khờ như đứa trẻ. Cha mẹ chồng nay cũng đã già yếu nên gánh nặng gia đình đều trông chờ vào mình chị. Hoàn cảnh éo le, một người làm, bốn năm người ăn khiến chị càng thêm vất vả. Nhưng rồi được bố mẹ, họ hàng bên nhà chồng quan tâm, động viên mà chị chấp nhận số phận để cố gắng làm việc.

Bà Phạm Thị Bài - mẹ chồng chị Thân dù năm nay đã hơn 80 tuổi vẫn làm việc nhà để chị yên tâm lo việc đồng áng. Ảnh: Như Sương
Bà Phạm Thị Bài - mẹ chồng chị Thân dù năm nay đã hơn 80 tuổi vẫn làm việc nhà để chị yên tâm lo việc đồng áng. Ảnh: Như Sương

“Cha mẹ chồng thương tôi lắm! Họ coi tôi như con ruột trong nhà. Ngày tôi đi làm thì cha mẹ lại ở nhà phụ việc trong nhà, lo cơm nước chu tất chỉ đợi tôi về. Nhiều hôm tôi đi làm quá bữa mới về nhưng họ vẫn đợi cơm. Thời gian tôi bầu bí sinh nở, bà lo lắng nhiều, sợ tôi ăn không đủ no... Vì thế mà vất vả mấy, phận làm dâu tôi cũng chấp nhận cả. Ngày ngày cố gắng làm việc chăm lo cho gia đình” - chị Thân tâm sự.

Khó khăn, vất vả nhưng được gia đình nhà chồng quan tâm, lại có được 3 đứa con kháu khỉnh, ngoan ngoãn là Hồ Thị Thương (SN 2002), Hồ Thị Hương (SN 2009) và Hồ Văn Giáp (SN 2014), chị Thân càng có thêm động lực để cố gắng. Nhà chồng chỉ có vài sào ruộng nước, chỉ vừa đủ ăn nên chị mạnh dạn nhận khoán đất của người trong làng để làm thêm. Cũng vì thế mà mỗi vụ, trừ phần thóc để cả nhà ăn trong mùa và một phần cho chăn nuôi, chị còn có thêm khoản thu từ bán thóc. Các con ngày một lớn và cần các khoản chi tiêu. Quyết không để các con phải thua kém bạn bè, chị tranh thủ đi làm thuê mướn khắp làng trên xóm dưới để có tiền chăm lo cho 3 đứa.

Có lẽ bởi ông trời đang trêu đùa với số phận vốn đã không may mắn của chị nên một lần nữa, nỗi đau lại ập đến với người con gái mạnh mẽ ấy. Tháng 2/2017, căn bệnh thần kinh của anh Thọ chuyển biến xấu rồi chỉ mấy ngày sau đó, anh lặng lẽ rời bỏ ba mẹ con. Khó khăn vật chất bao năm nay chị vẫn có thể gánh vác được nhưng giờ đây, chỗ dựa tinh thần duy nhất không còn nữa khiến chị đau đớn vô cùng. Tình nghĩa vợ chồng sao quá ngắn ngủi, chỉ đong đếm trong lòng bàn tay.

Dù đã gần 50 tuổi nhưng haicô con gái vẫn như một đứa trẻ lên ba. Hàng ngày, bà Bài vẫn phải chăm sóc từng chút một. Ảnh: Như Sương
Dù đã gần 50 tuổi nhưng hai cô con gái vẫn như một đứa trẻ lên ba. Hàng ngày, bà Bài vẫn phải chăm sóc từng chút một. Ảnh: Như Sương

Giọt nước mắt tuôn trào cũng đến lúc phải kìm lại, thương con thơ dại, mẹ già yếu và 2 chị chồng ngây ngô mãi “không lớn được”, chị gói nỗi đau để tiếp tục cuộc sống. Tâm sự về những ngày tháng rộng dài trước mặt, chị Thân nói: “Bởi số phận mình kém may mắn nên không được hưởng hạnh phúc trọn vẹn như người ta nhưng dù có ra sao đi nữa thì mình cũng vẫn phải sống tiếp. Bởi các con cần có mẹ, cần sự yêu thương che chở.

Vì lý do đó mà mình cần mạnh mẽ hơn. Dẫu cuộc sống khó khăn, vất vả và phải đèo bòng 6 con người nhưng “trời sinh voi ắt sẽ sinh cỏ”, không ai bị tiệt đường sống cả. Giờ đây, các con sẽ là nguồn động lực cho tôi cố gắng. Và chỉ cần các con chăm ngoan, học giỏi thì dẫu có phải hy sinh bản thân thì tôi cũng sẵn sàng” - chị Thân chia sẻ bằng tất cả sự lạc quan.

Như Sương

TIN LIÊN QUAN