Alex Ferguson xây dựng M.U vĩ đại như thế nào?

16/07/2017 11:38

Man United đã trải qua ba mùa giải trắng tay liên tiếp từ 2003/04 đến 2005/06. Thế nhưng, sau khoảng lặng này, Quỷ đỏ đã vùng lên mạnh mẽ và thiết lập nên giai đoạn huy hoàng nhất của kỷ nguyên HLV huyền thoại Alex Ferguson.

Cây viết Michael Cox của tờ Independent, một người thân cận của Sir Alex mới đây đã tiết lộ về những bí quyết giúp M.U từ chỗ thất thế trở nên vĩ đại.

Thay đổi quan điểm nhân sự

Kết thúc mùa giải 2005/06, Man United về đích kém đội vô địch Chelsea 8 điểm. Đó đã là mùa giải thứ ba liên tiếp Quỷ đỏ trắng tay tại Premier League. Thời điểm đó, không ít người cho rằng M.U đã đi hết chặng đường thành công. Trong khi Chelsea nổi lên như một thế lực mới với những bước đi mạnh bạo cả về chiến thuật lẫn nhân sự, thì Man United mang một dáng dấp già cỗi.

Thế nhưng, bằng một cuộc cải cách triệt để trên nhiều lĩnh vực, Man United đã nhanh chóng tìm lại vầng hào quang. Họ vô địch Premier League ba mùa giải liên tiếp 2006/07, 2007/08 và 2008/09. Trong khoảng thời gian đó, Quỷ đỏ luôn duy trì sự có mặt tại vòng bán kết Champions League và có một lần lên ngôi ở sân chơi danh giá này (mùa 2007/08). Đây chính là giai đoạn huy hoàng nhất của kỷ nguyên HLV huyền thoại Alex Ferguson.

Cuộc cách mạng đầu tiên của Sir Alex nằm ở khâu nhân sự. Trước đây, Man United thường chỉ sử dụng các cầu thủ Vương quốc Anh, hoặc những nền bóng đá dễ thích nghi với Premier League như Pháp hoặc Hà Lan và hiếm khi sử dụng cầu thủ Latin.

Nhưng kể từ tháng 1/2006 trở đi, Quỷ đỏ không còn tự giới hạn mình. Họ ưu tiên mua những cầu thủ có tính cơ động cao, có thể thực hiện nhiều nhiệm vụ khác nhau, tùy theo diễn biến trận đấu. Patrice Evra là một trong những thương vụ tiêu biểu cho triết lý này. Hậu vệ người Pháp không chỉ có mỗi trách nhiệm bảo vệ hành lang trái, mà còn thường xuyên dâng cao trở thành một mũi tấn công lợi hại.

Ở một mức độ thành công thấp hơn, các bản hợp đồng như Nani hay Anderson cũng có thể chơi ở nhiều vị trí khác nhau. Sự cơ động và đa năng của các cầu thủ trở thành tiền đề để HLV Ferguson có thể xây dựng lối chơi theo hướng linh hoạt hơn.

Chuyển hóa lối chơi

Cuộc cách mạng về chiến thuật của Man United ở thập kỷ trước được bắt đầu từ Carlos Queiroz, cánh tay phải của Ferguson và đảm nhiệm vị trí trợ lý tại Man United. Chính Queiroz là người đề xuất bán chân sút chủ lực Ruud van Nistelrooy, bởi về lâu dài M.U không cần một tiền đạo cắm mà sẽ sử dụng những cầu thủ tấn công có xu hướng di chuyển rộng.

Man United đã từ bỏ sơ đồ 4-4-2 mang tính truyền thống của bóng đá Anh để chuyển sang chơi 4-5-1, hoặc đôi khi là 4-3-3. Quỷ đỏ không còn dựa vào tài năng chớp cơ hội của một chân sút thượng hạng. Thay vào đó, họ tìm kiếm đột biến bằng sự gắn kết giữa các vị trí trong đội hình, khả năng di chuyển và coi trọng các đòn phản công.

Một bộ phận NHM Man United ban đầu không mấy hào hứng với những thay đổi này. Họ ngạc nhiên khi Ferguson đưa Carlos Tevez về với sân Old Trafford, bởi tiền đạo người Argentina có cách chơi khá giống Wayne Rooney và không phải là mẫu săn bàn trong vòng cấm. Nhưng Sir Alex có kế hoạch riêng.

“Nhiều người nói với tôi rằng Tevez quá giống Rooney. Nhưng tôi thấy điều đó không ảnh hưởng gì đến kế hoạch mà chúng tôi theo đuổi. Cả hai đều nhanh nhẹn, giỏi đi bóng qua người và cùng sút tốt cả hai chân. Sự tương đồng này chẳng ảnh hưởng gì khi họ chơi bóng cạnh nhau”, Ferguson lên tiếng.

Đến mùa giải 2007/08, hệ thống của Ferguson đạt đến sự nhuần nhuyễn trong vận hành. Khi đó, thật khó xác định đâu là mũi tấn công chủ lực của Quỷ đỏ. M.U thường ra sân với bộ ba tấn công Ronaldo - Rooney - Tevez. Nhưng đôi khi Nani hay Giggs cũng được đôn lên cao chơi như tiền đạo. Trong các trận đấu trên sân nhà gặp đối thủ yếu hơn, các cầu thủ tấn công M.U không có vị trí nhất định. Họ di chuyển qua lại và cùng nhau làm chủ khu vực rộng lớn.

Ronaldo thăng tiến mạnh mẽ trong hệ thống mang tính chất tự do này. Đôi khi CR7 chơi bên phải, rồi lại chạy qua bên trái, hay di chuyển vào giữa. Rooney, Tevez hay Park Ji-sung sẽ trám vào vị trí mà Ronaldo bỏ lại.

Nhớ lại khoảng thời gian này, cựu hậu vệ Gary Neville cho biết: “Thường thì Ronaldo sẽ cố gắng thử sức với cả 4 hậu vệ đối phương trước khi chủ động khoan vào vị trí nào mà cậu ta cho là yếu nhất. Lúc nhận rõ mục tiêu, Ronaldo tăng tốc, mạnh mẽ như một chú báo”.

Dùng người trái sở trường

Trong giai đoạn từ 2006 đến 2009, HLV Alex Ferguson đã có sự đột phá trong cách sử dụng cầu thủ. Nhiều người được ông bố trí trái với vị trí sở trường nhưng lại thành công rực rỡ, tạo ra bước ngoặt trong sự nghiệp. Tiêu biểu nhất là trường Park Ji-sung (ảnh). Cầu thủ người Hàn Quốc này vốn chơi ở vị trí tiền đạo cánh ở cả ĐTQG lẫn PSV Eindhoven. Nhưng dưới màu áo M.U, Park chủ yếu ra sân chơi như một tiền vệ trung tâm. Nhiệm vụ của anh là thu hồi bóng và khóa ngòi nổ của đối phương.

Man United đã thăng hoa tột bậc trong ba mùa giải 2006/07, 2007/08, 2008/09. Sau đó, hệ thống này không còn phù hợp với Quỷ đỏ, bởi Ferguson không tìm đâu ra một cầu thủ có tố chất tương tự để thay thế Ronaldo.

Các danh hiệu M.U có được dưới thời Sir Alex

13 chức vô địch Premier League: 1992/93, 1993/94, 1995/96, 1996/97, 1998/99, 1999/2000, 2000/01, 2002/03, 2006/07, 2007/08, 2008/09, 2010/11, 2012/13

5 chức vô địch FA Cup: 1989/90, 1993/94, 1995/96, 1998/99, 2003/04

4 chức vô địch League Cup: 1991/92, 2005/06, 2008/09, 2009/10

2 chức vô địch Champions League: 1998/99, 2007/08

1 chức vô địch Cúp C2 châu Âu: 1990/91

1 Siêu cúp châu Âu: 1991

1 Cúp Liên lục địa: 1999

1 chức vô địch FIFA Club World Cup: 2008

Theo bongdaplus.vn

TIN LIÊN QUAN