Tuấn Tài - Công Phượng và trọng trách của những 'truyền nhân' tại SEA Games 29

14/07/2017 14:41

(Baonghean.vn) - SEA Games 29 là Đại hội thể thao mà người hâm mộ đang đặt nhiều kỳ vọng, không có những “Văn Quyến, Công Vinh” phiên bản 2 nhưng thời thế mỗi lúc một khác, không có điều gì là không thể.

"Món nợ" truyền kiếp

Trong quá khứ, hành trình chinh phục tấm HCV môn bóng đá nam tại các kỳ SEA Games của Việt Nam luôn trắc trở. Việt Nam đã có đến 4 cơ hội để có thể chạm tay vào tấm huy chương vàng ở các kỳ Đại hội thể thao khu vực nhưng đều gặp “hòn đá tảng” là Thái Lan.

Bóng đá Việt Nam trong quá khứ sản sinh ra nhiều tiền đạo xuất chúng nhưng vẫn đau đáu món nợ SEA Games - Ảnh: Internet
Bóng đá Việt Nam trong quá khứ sản sinh ra nhiều tiền đạo xuất chúng nhưng vẫn đau đáu món nợ SEA Games - Ảnh: Internet

Đội bóng xứ chùa Vàng đã giành chiến thắng trước Việt Nam đến 3 lần vào các năm 1995, 2003 và 2005. Trong đó, luyến tiếc nhất và nhiều ký ức đẹp nhất vẫn là trận chung kết SEA Games 22 năm 2003 trên sân nhà Mỹ Đình. Lứa cầu thủ tài năng như Huy Hoàng, Văn Quyến, Quốc Vượng, Hữu Thắng... đã để thua 1-2 trước ông lớn trong khu vực.

Hai lần khiến Việt Nam thua trắng vào các năm 1995 và 2005 vì Thái Lan quá mạnh so với phần còn lại, tuy nhiên những cái tên như Văn Quyến, Quốc Vượng vẫn trở thành nỗi sợ hãi của đối thủ. Trong đó Văn Quyến trở thành một hiện tượng hiếm có của bóng đá Việt Nam với những pha đi bóng chinh phục lòng người và những pha làm bàn, đá phạt, sút xa đẳng cấp.

Nhưng rồi ở kỳ Đại hội thể thao diễn ra tại Philippines năm 2005, một phút lầm lỡ của những cậu bé lầm lỡ khiến nỗi đau SEA Games còn in đậm trong tiềm thức người hâm mộ nước nhà trước khi cái chân của Mai Xuân Hợp khiến U23 Việt Nam thua đau Malaysia trên đất Lào năm 2009.

“Vấp ngã trước cửa thiên đường” vì những lý do khác nhau, nhưng dù thế nào đi chăng nữa thì Thái Lan vẫn luôn là đối thủ trực tiếp của U22 Việt Nam. Nói không quá, nhiều thế hệ cầu thủ vàng của Việt Nam, ngay cả HLV Nguyễn Hữu Thắng vẫn còn nợ người hâm mộ nước nhà một tấm huy chương vàng. Hoặc ít nhất là những trận đấu mãn nhãn trước “ông kẹ” Thái Lan. Trong đó có cả người được yếu mến nhất, kỳ vọng nhất và cũng để lại nhiều tiếc nuối nhất không ai khác ngoài “thần đồng” Văn Quyến. Công Vinh thì khác, không quá tài năng nhưng anh và thế hệ cầu thủ vô địch AFF Cup 2008 đã làm được điều mà nhiều thế hệ “vàng” của bóng đá Việt Nam chưa làm được. Tuy nhiên, chừng đó là chưa đủ cho những món nợ chồng chất trong quá khứ...

Nợ anh, em trả

Đã rất lâu rồi người ta chưa thấy những pha chọn vị trí, bứt tốc và dứt điểm quyết đoán của Hồ Tuấn Tài. Cũng đã khá lâu rồi người ta chưa thấy một Công Phượng nhảy múa với trái bóng, đá phạt, phá toang hàng phòng ngự đối phương tạo điều kiện cho đồng đội như vòng loại U23 châu Á cách đây 2 năm. Tuy nhiên, như vòng luân hồi, những chiếc “lò xo” ấy như đang đợi thời cơ để bung ra.

Chơi ở vị trí tiền đạo, quan trọng nhất vẫn là những bàn thắng. Mà mục tiêu cuối cùng, nhiệm vụ của họ cũng chỉ là bàn thắng. Họ có thể không phải là mẫu cầu thủ tự mình làm xiếc với quả bóng như “thần đồng” Văn Quyến rồi tự tạo ra cơ hội cho mình, nhưng bóng đá bây giờ đã khác, suốt 90 phút chỉ cần một khoảnh khắc loé sáng của họ mà thôi. Đó là lúc cần đến những yếu tố mang tính bản năng mà Tuấn Tài lẫn Công Phượng đều đã có, đã từng thể hiện trong màu áo ĐT U19 Việt Nam.

SEA Games 29 là kỳ SEA Games cuối cùng của hai tiền đạo Nguyễn Công Phượng và Hồ Tuấn Tài - Ảnh: Internet
SEA Games 29 là kỳ SEA Games cuối cùng của hai tiền đạo Nguyễn Công Phượng và Hồ Tuấn Tài - Ảnh: Internet

Chuẩn bị cho SEA Games 29, các đối thủ dù ít, dù nhiều cũng phải dành cho U22 Việt Nam những sự tôn trọng nhất định. Lứa cầu thủ mà CĐV nước nhà đã chờ đợi họ sẽ phá được cái “dớp” SEA Games trong lịch sử bằng một nền tảng dựa trên chuyên môn, trình độ. Hơn ai hết, người em họ Văn Quyến là Hồ Tuấn Tài hay cầu thủ được đặt nhiều kỳ vọng là Nguyễn Công Phượng phải xứng đáng với sự tôn trọng đó của đối thủ trong khu vực.

Thái Lan bây giờ vẫn là một thế lực của bóng đá khu vực, nhưng không phải là họ không có những hạn chế, yếu điểm nhất định. Người dẫn dắt U22 Thái Lan bây giờ không phải là một Kiatisuk quái kiệt mà là một Worawut Srimakha đang khá bối rối vì các CLB tại Nhật Bản không chịu nhả quân. “Được mùa cau, mất mùa lúa”, cũng giống như U22 Việt Nam, sức mạnh của đối thủ này nằm ở hàng tiền vệ. Đồng thời, hàng công của U22 Thái Lan cũng không có nhiều sự lựa chọn sắc sảo.

Nhìn nhận một cách thẳng thắn, cơ hội cho U22 Việt Nam tại SEA Games và các đối thủ khác là hoàn toàn ngang bằng. Có thể trình độ của các tuyển thủ, các đội tuyển là "một chín một người". Nhưng nếu HLV Nguyễn Hữu Thắng biết cách khơi dậy những tiềm năng của các “truyền nhân” như Tuấn Tài, Công Phượng, kết quả sẽ là rất lạc quan./.

Trung Kiên

TIN LIÊN QUAN