Bảo hiểm xã hội huyện Quỳnh Lưu: Nâng nhận thức nhân dân về vai trò BHYT

21/06/2017 09:08

(Baonghean) - Bảo hiểm y tế (BHYT) có ý nghĩa quan trọng trong chăm sóc và bảo vệ sức khỏe nhân dân, và đã góp phần tích cực vào việc ổn định xã hội. Tại huyện Quỳnh Lưu, đây cũng là vấn đề được ngành bảo hiểm và chính quyền hết sức quan tâm, đặc biệt là với những đối tượng cận nghèo, khó khăn hoặc ở những xã đặc thù.

“Cứu cánh” cho người bệnh

Gần 1 tháng nay, Khoa hồi sức cấp cứu Bệnh viện Đa khoa huyện Quỳnh Lưu tiếp nhận một bệnh nhân nặng, đó là anh Nguyễn Nhật Tiến (xã Quỳnh Bảng). Năm nay 28 tuổi, Tiến từng là một thanh niên khỏe mạnh, có công việc ổn định ở Hà Nội. Hai tháng trước, anh bất ngờ bị đột quỵ, bất tỉnh và bị chẩn đoán là viêm phổi vĩnh viễn. Gia đình đã đưa anh đi nhiều bệnh viện từ từ tuyến tỉnh đến Trung ương nhưng bệnh vẫn không thuyên giảm. Hiện não của Tiến chỉ sống được khoảng 20% và anh gần như sống thực vật… Gia đình xác định việc điều trị bệnh cho Tiến sẽ còn lâu dài…

Rất may, Tiến có thẻ BHYT nên chi phí điều trị phần nào cũng được bảo hiểm chi trả. Nói về bệnh của con trai, bà Hoàng Thị Thuận cho biết: Với căn bệnh hiểm nghèo này, nếu không có bảo hiểm, mỗi một ngày chi phí nằm viện và thuốc men có thể lên đến vài triệu đồng và gia đình thực sự không “kham” nổi. Có BHYT, Tiến không những được thanh toán chi phí nằm viện mà còn nhận được sự quan tâm thường xuyên của y, bác sỹ trong khoa…

Đại diện HDBank Chi nhánh Nghệ An trao tặng thẻ BHYT cho học sinh thuộc hộ cận nghèo Trường THCS Quỳnh Thanh (Quỳnh Lưu).
Đại diện HDBank Chi nhánh Nghệ An trao tặng thẻ BHYT cho học sinh thuộc hộ cận nghèo Trường THCS Quỳnh Thanh (Quỳnh Lưu). Ảnh: Mỹ Hà

Hiện tại, Bệnh viện Đa khoa huyện Quỳnh Lưu mỗi một ngày có từ 450 - 500 bệnh nhân đến khám, chữa bệnh (KCB) và 95% bệnh nhân có thẻ BHYT. Theo bác sỹ Nguyễn Sỹ Thành - Giám đốc Bệnh viện: Mặc dù số lượng bệnh nhân không có thẻ BHYT chỉ chiếm một phần rất nhỏ, nhưng đều là bệnh nhân nặng.

Nguyên nhân chính bởi những bệnh nhân này không được thăm khám, kiểm tra sức khỏe thường xuyên. Đến khi có bệnh, tìm đến Bệnh viện thì bệnh đã chuyển biến xấu, chi phí điều trị rất lớn... Anh Lê Thanh Lương (xã Quỳnh Lâm) cũng là một bệnh nhân không có thẻ bảo hiểm y tế.

Gần một tuần nằm viện ở khoa ngoại vì chấn thương sau tai nạn, anh bảo: thấm thía những thiệt thòi của bệnh nhân không có thẻ BHYT khi mà mọi chi phí đều do gia đình phải tự chi trả... Sau lần nằm viện này, anh cũng đã bàn với vợ về mua thẻ BHYT cho cả hai vợ chồng bởi số tiền bỏ ra mỗi năm không nhiều nhưng “lợi” thì rất lớn.

Việc bệnh nhân không có thẻ BHYT sẽ còn bị ảnh hưởng nhiều hơn bởi từ 1/6/2017 tất cả các cơ sở y tế sẽ chính thức áp dụng giá mới cho hơn 1.900 dịch vụ y tế, bao gồm: Mức giá tối đa khung giá dịch vụ khám bệnh kiểm tra sức khoẻ; dịch vụ ngày giường điều trị; dịch vụ kỹ thuật, xét nghiệm… Quy định mới cũng sẽ điều chỉnh giá viện phí với những người chưa tham gia BHYT, hoặc có thẻ nhưng đi KCB hoặc sử dụng các dịch vụ không thuộc phạm vi thanh toán của quỹ BHYT (không bao gồm đi khám tại các khoa khám tự nguyện, theo yêu cầu). Một số thủ thuật, phẫu thuật cũng được điều chỉnh tăng giá khoảng 20- 30% so với mức giá hiện hành.

Theo Bộ Y tế, việc điều chỉnh giá dịch vụ y tế lần này để tạo sự bình đẳng giữa người có thẻ BHYT và người không có thẻ, nhằm khuyến khích người dân tham gia BHYT. Hiện nay theo thống kê của BHXH Việt Nam, số người tham gia BHYT đạt 82% dân số, như vậy vẫn còn 18% dân số chưa tham gia BHYT. Thực tế cho thấy đã có nhiều gia đình người bệnh chưa tham gia BHYT nên khi mắc bệnh trọng đã trở thành khó khăn trong quá trình điều trị, nhiều người đã phải cầm cố cả tài sản, qua đó mới thấm thía giá trị của chiếc thẻ BHYT.

Tăng nhận thức về việc mua thẻ BHYT

Từ năm 2012, Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết số 21 - NQ/TW “về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế giai đoạn 2012 – 2020”. Thực hiện theo Nghị quyết này, thời gian qua UBND huyện Quỳnh Lưu đã đồng thời triển khai nhiều giải pháp nhằm tăng cường nhận thức của các ban, ngành và quần chúng nhân dân về vai trò của BHXH, BHYT.

Bên cạnh đó, huyện chỉ đạo các đơn vị đưa các chỉ tiêu về thực hiện chính sách bảo hiểm vào trong chương trình kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội hàng năm, tập trung ưu tiên bố trí nguồn ngân sách nhà nước và các nguồn ngân sách khác để đóng BHXH và mua thẻ BHYT cho các đối tượng theo quy định của Nhà nước và tạo điều kiện thuận lợi cho mọi người dân tham gia, hưởng thụ các chế độ, chính sách BHXH, BHYT.

Hiện, công tác cấp phát thẻ BHYT cho các đối tượng chính sách đã được các cơ quan BHXH phối hợp với các phòng Lao động – TB&XH cấp phát kịp thời cho các đối tượng, đảm bảo 100% người thuộc diện có công, thân nhân người có công, bảo trợ xã hội, người nghèo có thẻ BHYT. Bên cạnh đó tỷ lệ người dân có thẻ BHYT cũng đã tăng nhanh theo hàng năm, tỷ lệ người dân có thẻ BHYT trong toàn huyện chiếm khoảng 82%.

Ngành bảo hiểm cũng đã phối hợp với ngành Y tế và các ngành liên quan để nâng cao chất lượng của các dịch vụ y tế. Quyền lợi của người có thẻ BHYT ngày càng được bảo đảm do việc mở rộng phạm vi thanh toán, nhất là các nhóm dễ bị tổn thương trong xã hội (người nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số, trẻ em). Công tác cải cách thủ tục hành chính, ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý, giảm bớt thời gian chờ đợi, tránh gây phiền hà cho người bệnh.

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đã đạt được, công tác phát triển thẻ BHYT ở Quỳnh Lưu còn gặp những khó khăn nhất định khi mà một số nơi việc phổ biến, quán triệt các chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước về công tác BHYT chưa sâu rộng, còn mang tính hình thức, chưa thường xuyên, thiếu sự phối hợp giữa các cơ quan liên quan.

Thẻ bảo hiểm  học sẽ giúp cho học sinh nghèo xã Quỳnh Thanh- Quỳnh Lưu có điều kiện chăm sóc sức khỏe tốt, giảm bớt gánh nặng mỗi khi ốm đau.
Thẻ bảo hiểm học sẽ giúp cho học sinh nghèo xã Quỳnh Thanh- Quỳnh Lưu có điều kiện chăm sóc sức khỏe tốt, giảm bớt gánh nặng mỗi khi ốm đau. Ảnh: Thu Hương

Cùng đó, nhận thức của một số người dân, đặc biệt là ở các vùng đặc thù về vai trò của thẻ BHYT vẫn còn thấp và chưa thấy được những lợi ích từ BHYT mang lại. Tại xã Quỳnh Thanh, dù thời gian qua, chính quyền huyện và các ban ngành đã dành rất nhiều ưu tiên, trao tặng hàng trăm thẻ BHYT cho đối tượng thuộc gia đình cận nghèo nhưng số người dân tham gia BHYT tự nguyện vẫn rất thấp, tỷ lệ người dân có thẻ BHYT chưa đạt được 60%.

Chia sẻ về lý do, ông Hồ Xuân Xuyên - Chủ tịch UBND xã cho rằng: Bên cạnh những lý do về kinh tế, sinh đông con thì nguyên nhân chính là do người dân chưa thấy được những lợi ích to lớn từ thẻ BHYT mang lại. Điều này, trên thực tế đã ảnh hưởng rất lớn đến việc chăm sóc sức khỏe của người dân và sẽ khó khăn hơn nếu người dân chẳng may có bệnh phải đi điều trị ở các cơ sở y tế.

Theo ông Đặng Ngọc Thọ - Giám đốc BHXH Quỳnh Lưu: Để khắc phục những thực tế này, trong năm 2017, ngành bảo hiểm đã vận động tất cả nhân viên, tiết kiệm một ngày lương để mua 1600 thẻ BHYT tặng các hộ gia đình cận nghèo. Nhiều đơn vị cũng đã hỗ trợ để mua hơn 1.000 thẻ BHYT tặng các đối tượng khó khăn, đặc biệt là các em học sinh.

Về lâu dài, chính quyền địa phương và ngành bảo hiểm tiếp tục tăng cường công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức của người dân về chính sách bảo hiểm và có nhiều chính sách hỗ trợ người dân mua thẻ BHYT, nhất là BHYT hộ gia đình. Tăng cường nguồn lực về con người và cơ sở vật chất, kỹ thuật cho tuyến y tế cơ sở để nâng cao chất lượng khám chữa bệnh cho người dân nói chung và người có thẻ BHYT nói riêng, đáp ứng nhu cầu khám chữa bệnh của người dân ngày càng tốt hơn.

Mỹ Hà - Thu Hương

TIN LIÊN QUAN