Đại biểu HĐND tỉnh: Cần ban hành quy định về các khoản đóng góp của nhân dân

12/07/2017 19:26

(Baonghean.vn) - Trước ý kiến của cử tri việc thu các loại quỹ, vận động đóng góp ở cơ sở còn một số địa phương, ngành thực hiện chưa tốt, Thường trực HĐND tỉnh, lãnh đạo UBND tỉnh và các đại biểu HĐND đã có những ý kiến về vấn đề này.

Bà Cao Thị Hiền - Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh, đại biểu HĐND tỉnh đơn vị Diễn Châu:

Phó Chủ tịch HĐND tỉnh Cao Thị Hiền phát biểu tại kỳ họp. Ảnh: Đức Anh
Phó Chủ tịch HĐND tỉnh Cao Thị Hiền phát biểu tại kỳ họp. Ảnh: Đức Anh

Trước ý kiến của đại biểu HĐND tỉnh kiến nghị HĐND tỉnh cần thiết phải ban hành Nghị quyết về huy động các khoản đóng góp của nhân dân và quản lý thu - chi các loại quỹ trên địa bàn tỉnh, đồng thời xây dựng chương trình giám sát việc thu - chi các loại quỹ tại các địa phương; bà Cao Thị Hiền - Ủy viên BTV Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh, khẳng định:

HĐND tỉnh sẽ giao UBND tỉnh nghiên cứu để trình HĐND tỉnh ban hành Nghị quyết về vấn đề này theo Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật và Luật Tổ chức chính quyền địa phương. Cùng với đó, HĐND tỉnh cũng sẽ giao cho Thường trực và các Ban, các Tổ và các đại biểu HĐND tỉnh tăng cường việc giám sát việc thu - chi tại cơ sở.

Bà Cao Thị Hiền cũng cho biết: Việc thu - chi các loại quỹ và các khoản đóng góp của nhân dân cũng là vấn đề được cử tri quan tâm phản ánh; bởi vậy, thời gian tới HĐND tỉnh cũng sẽ tăng cường giám sát việc thực hiện, giải quyết ý kiến, kiến nghị của cử tri về vấn đề này của UBND tỉnh, các ngành và các địa phương.

Ông Lê Xuân Đại - Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh, đại biểu HĐND tỉnh đơn vị huyện Nghĩa Đàn:

Ông Lê Xuân Đại cho biết, năm 2016, nguồn thu từ đóng góp xây dựng cơ sở hạ tầng là hơn 252 tỷ đồng; thu đóng góp để xây dựng trường học là hơn 238 tỷ đồng; thu các loại quỹ theo Nghị quyết HĐND cấp xã hơn 28 tỷ đồng. Các khoản thu ở thôn xóm hơn 32,6 tỷ đồng.

Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Lê Xuân Đại phát biểu tại phiên thảo luận tại hội trưởng. Ảnh: Thành Duy
Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Lê Xuân Đại phát biểu tại phiên thảo luận tại hội trường. Ảnh: Đức Anh

Tuy nhiên, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh cho biết, qua kiểm tra cho thấy, trong quá trình thực hiện thu tự nguyện các quỹ huy động vẫn có những địa phương, đơn vị làm chưa tốt, vẫn còn tình trang cào bằng, chia đều theo bình quân đầu người, việc thực hiện dân chủ ở cơ sở phường, xã, thị trấn, các trường học chưa phát huy nhiều…

Vì vậy, sau khi đánh giá lại xác định những tồn tại, hạn chế trong việc này, tháng 3/2017, UBND đã ban hành công văn về việc chấn chỉnh những tồn tại các khoản thu trong quản lý Nhà nước và hoạt động thu chi trong huy động và các khoản quỹ đóng góp tự nguyện. Vừa rồi qua rà soát, tỉnh tiếp tục có văn bản chấn chỉnh đối với các khoản thu theo nghị quyết HĐND cấp xã.

“Trên cơ sở rà soát vừa rồi của các ngành: Tài chính, Giáo dục và Đào tạo, UBND tỉnh quyết tâm chỉ đạo để đảm bảo các khoản thu quỹ, các khoản huy động đóng góp của nhân dân đúng quy định của pháp luật, đúng đối tượng, phù hợp với khả năng đóng góp của người dân và được quản lý một cách chặt chẽ nhất” - Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Lê Xuân Đại khẳng định.

Linh mục Nguyễn Đăng Điền, đại biểu HĐND tỉnh đơn vị TP. Vinh:

Trong điều kiện ngân sách còn khó khăn, song cuộc sống của nhân dân cũng được nâng lên, Linh mục Nguyễn Đăng Điền đồng tình với việc huy động đóng góp của nhân dân để phát triển, xây dựng trường học, các cơ sở chung của xã hội.

Linh mục Nguyễn Đăng Điền, đại biểu HĐND tỉnh đơn vị TP. Vinh trao đổi về việc thu
Linh mục Nguyễn Đăng Điền, đại biểu HĐND tỉnh đơn vị TP. Vinh trao đổi quan điểm về việc vận động các khoản đóng góp của người dân. Ảnh Đức Anh

“Theo tôi, mọi sự nằm dưới sự lãnh đạo của Đảng và Nhà nước, có các bộ phận lo lắng cho xã hội tốt đẹp là vấn đề hợp lý và sẵn sàng hỗ trợ”, - linh mục Nguyễn Đăng Điền chia sẻ.

Tuy nhiên, tại kỳ họp HĐND tỉnh lần này, nhiều cử tri phản ánh vấn đề đóng góp các loại quỹ, phí ở cơ sở; cũng như phát biểu của các đại biểu HĐND tỉnh cho thấy việc thu quỹ còn có những thiếu sót.

Với vị trí một đại biểu HĐND tỉnh, linh mục Nguyễn Đăng Điền chân thành đề nghị tỉnh nên xem xét lại những sai sót, không nên để kéo dài. Vì như vậy sẽ ảnh hưởng đến công việc chung và tạo điều kiện để cho những thành phần không tiến bộ, cực đoan lợi dụng, sinh ra những “rối rắm”.

Chủ tịch Hội Nhà báo tỉnh Trần Duy Ngoãn, đại biểu HĐND tỉnh đơn vị Hoàng Mai:

Hiện nay, việc xã hội hóa để huy động nguồn thu từ người dân, các tổ chức kinh tế, doanh nghiệp và cộng đồng nhằm đầu tư cho các công trình hạ tầng phúc lợi xã hội đều đã rất thành công, mang lại hiệu quả rất tốt, đặc biệt trong xây dựng nông thôn mới đã huy động sức dân đóng góp về đất đai, nương vườn, tường, bờ rào…

Tuy nhiên, theo đại biểu Trần Duy Ngoãn, ở cơ sở còn có tình trạng lợi dụng xã hội hóa trong xây dựng hạ tầng, trong một số công việc để “đẻ ra” một số quỹ không hợp lý, có nơi những đối tượng đang nhận trợ cấp xã hội cũng phải đóng góp một số khoản.

Đại biểu Trần Duy Ngoãn phát biểu tại hội trường. Ảnh Đức Anh
Đại biểu Trần Duy Ngoãn phát biểu tại hội trường. Ảnh Đức Anh

Trong xây dựng trường chuẩn quốc gia, có những trường chia đều đóng góp, đặt ra mức thu cho phụ huynh, không công khai, không báo cáo kết quả thực hiện ra sao, điều đó không đáp ứng được nguyện vọng người dân; trong khi việc vận động thì ai có nhiều đóng nhiều, ai có ít đóng ít.

Việc thu các khoản đóng góp không bám vào Pháp lệnh 34 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về phát huy dân chủ ở xã, phường, thị trấn nên tại một số cơ sở, ngành việc thu người dân không đồng tình. Nếu như thu các loại quỹ được người dân đồng tình, dân biết, dân bàn, dân đóng góp, dân làm, dân kiểm tra, dân hưởng lợi thì quá tốt.

Do đó, đại biểu Trần Duy Ngoãn mong muốn, UBND tỉnh và các sở, ngành liên quan có hướng dẫn thực hiện quỹ một cách nghiêm túc: “Cái gì được thu, cái gì không nên thu, thu như thế nào, quản lý, giám sát nguồn thu và hiệu quả nguồn thu đó ra sao?”.

Bà Thái Thị An Chung - Phó trưởng ban Pháp chế HĐND tỉnh, đại biểu HĐND tỉnh đơn vị Tân Kỳ:

Theo bà Thái Thị An Chung, bên cạnh những ưu điểm, những tác động tích cực từ việc huy động các loại quỹ, các khoản đóng góp từ nhân dân, các doanh nghiệp và nhà hảo tâm trên địa bàn tỉnh thời gian qua, thì công tác này vẫn còn một số vấn đề hạn chế, bất cấp.

Liên quan đến các loại quỹ vận động (quỹ bảo trợ trẻ em, đền ơn đáp nghĩa), mặc dù đây là loại quỹ mang tính chất tự nguyện; tuy nhiên thực tiễn vẫn đang xảy ra tình trạng cấp trên giao chỉ tiêu cho cấp dưới, đưa ra mức thu cho người dân. Việc làm này tạo cảm giác cho người dân là quỹ bắt buộc. Đồng thời các loại quỹ này cũng chưa có quy định về mức chi nên việc chi cũng chưa thống nhất giữa các địa phương.

Đại biểu Thái Thị An Chung phát biểu tại hội trường. Ảnh Đức Anh
Đại biểu Thái Thị An Chung phát biểu tại hội trường. Ảnh Đức Anh

Về quỹ xã hội, từ thiện (quỹ hỗ trợ người cao tuổi, quỹ khuyến học, quỹ nạn nhân chất độc da cam), thì còn một số quỹ chưa được cấp phép thành lập và công nhận điều lệ hoạt động của quỹ theo Nghị định số 30/2012/NĐ-CP. Một số loại quỹ vận động và quỹ xã hội, từ thiện đang trùng lặp về đối tượng thụ hưởng.

Liên quan đến các khoản đóng góp xây dựng cơ sở hạ tầng, bà Thái Thị An Chung cũng cho rằng, một số nơi việc huy động đóng góp xây dựng công trình hạ tầng nhưng không có hồ sơ chi tiết công trình, tổng dự toán công trình, chưa phân kỳ đầu tư, đóng góp cụ thể...

Mặt khác, việc huy động đang thực hiện theo nhân khẩu, kể cả trẻ em và người già, người thuộc gia đình hộ nghèo, đối tượng xã hội cũng phải đóng góp.

Do đó, bà Thái Thị An Chung, kiến nghị: UBND tỉnh cần chỉ đạo các sở, ngành, huyện tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền, vận động để người dân hiểu rõ mục đích, ý nghĩa của việc đóng góp các loại quỹ và các khoản huy động xây dựng cơ sở hạ tầng.

Bà An Chung cũng đề nghị các cơ quan có thẩm quyền cần tăng cường kiểm tra, giám sát, từ đó chấn chỉnh việc huy động, quản lý, sử dụng các khoản đóng góp của nhân dân; xử lý nghiêm các vi phạm nếu có. Mặt khác, các khoản huy động đóng góp của nhân dân là một khoản thu ngân sách địa phương theo quy định của Luật Ngân sách Nhà nước năm 2015, cho nên cần phải được quản lý và sử dụng theo đúng quy định.

Nhóm phóng viên

TIN LIÊN QUAN