Bổ sung quy hoạch rừng nguyên liệu tăng sinh kế cho người dân

20/07/2017 22:51

(Baonghean) - Triển khai Đề án trồng rừng theo mục tiêu Đại hội Đảng bộ huyện nhiệm kỳ 2015 – 2020, đến nay huyện Tương Dương đã thu được một số kết quả bước đầu đáng ghi nhận, góp phần quan trọng vào phủ xanh đất trống, đồi trọc; tạo việc làm và thu nhập đáng kể cho người dân.

Rừng cho sinh kế...

Về xã Tam Quang, men theo những triền đồi, gần như ở đâu cũng bạt ngàn xanh rừng trồng, chỗ đã đến kỳ thu hoạch, chỗ đã 1 đến 2 năm tuổi... Bà Kha Thị Hiền - Phó Chủ tịch UBND xã Tam Quang cho biết: Những năm trước đây, phong trào trồng rừng chững lại do khó khăn đầu ra, bởi Nhà máy sản xuất bột giấy Tân Hồng, đơn vị bao tiêu sản phẩm cho các hộ trồng trên địa bàn phá sản.

Tuy nhiên, từ khi triển khai thực hiện đề án trồng rừng theo mục tiêu đề ra của Đại hội Đảng bộ huyện nhiệm kỳ 2015 - 2020, diện tích rừng trồng tăng khá nhanh. Sau 2 năm triển khai, đến nay đã tăng thêm 600 ha, chủ yếu là trồng keo. Kinh tế rừng đã khẳng định vai trò quan trọng, thực sự là sinh kế của người dân nơi đây.

Vườn ươm giống keo ở Tương Dương.Ảnh: Q.A
Vườn ươm giống keo ở Tương Dương. Ảnh: Quảng An

Theo ông Đặng Đình Hùng ở làng Khe Bố, xã Tam Quang, hiện giá keo nguyên liệu khá cao, trên 1 triệu đồng/tấn, nếu chăm sóc tốt keo có thể đạt năng suất trên 60 tấn/ha. Sau khi trừ chi phí, người dân thu nhập trung bình trên 60 triệu đồng/ha. Vì lợi nhuận cao, nên nhiều hộ trên địa bàn đã tập trung chăm sóc để keo đạt sản lượng cao nhất. Không chỉ vậy, những diện tích đất ở khu vực sườn đồi, độ dốc cao trước đây bỏ hoang, người dân cũng tận dụng để trồng keo. “Riêng gia đình tôi, vụ vừa rồi, cũng là vụ đầu thu hoạch, từ 15ha keo cho thu trên 1 tỷ đồng. Hiện nay, với sự hỗ trợ giống của huyện, gia đình tôi tiếp tục trồng keo và xem đây là nguồn thu lâu dài”.

Tương tự, năm 2015, ông Nguyễn Cảnh Sơn ở xóm Làng Mỏ, xã Tam Quang, sau khi được hỗ trợ giống đã chuyển toàn bộ 7ha đất trước đây trồng ngô, sắn sang trồng keo. Nhờ tích cực học hỏi kinh nghiệm, đồng thời tham gia các lớp tập huấn chuyển giao tiến bộ kỹ thuật về trồng keo do các cấp tổ chức, diện tích keo được gia đình ông chăm sóc phát triển tốt. Theo tính toán của ông Sơn: Một chu kỳ trồng keo mất hơn 5 năm, nhưng không mất công chăm sóc mà chỉ cần trồng và đợi thu hoạch; với diện tích 7ha, sau 3 năm nữa gia đình sẽ thu gần 500 triệu đồng.

Đến xã Yên Hòa, một trong những xã trước đây nằm trong nhóm khó khăn nhất của huyện Tương Dương, những năm gần đây từ trồng rừng, nhiều hộ dân trong xã đã vươn lên khá, và không ít hộ giàu. Theo đó, tỷ lệ hộ nghèo nay giảm còn 38,4%. Thực hiện sát Đề án của Đảng bộ huyện, xã đã đề ra kế hoạch trồng rừng mới, trong đó, ngoài 505ha rừng trồng trước năm 2015, thì từ năm 2015 đến nay toàn xã đã trồng mới được 350ha, chưa kể trên 40ha người dân tự trồng, đạt trên 100% so với kế hoạch.

Ông Mộng Văn Xính - Chủ tịch UBND xã Yên Hòa, cũng là một trong những hộ trồng keo trên địa bàn cho biết: “Với một loại cây trồng trên đất đồi rừng, chỉ trồng và thu hoạch không phải chăm sóc, thì đây là nguồn lợi rất lớn. Nhờ cây keo mà đời sống người dân được nâng lên. Các hộ trồng keo có mức thu nhập gấp 2-3 lần làm nương rẫy, trồng lúa, có nhiều hộ đã giàu lên nhờ trồng được nhiều keo”.

... và rừng mong quy hoạch

Đề án trồng rừng giai đoạn 2015 - 2020 của huyện Tương Dương được triển khai tại địa bàn 17 xã với mục tiêu trồng 4.700ha. Đến nay, theo thống kê, trong năm 2016 đã trồng được 1.470 ha, đầu năm 2017 đến nay tiếp tục cấp phát được trên 1 triệu cây giống.

Ông Lô Khăm Kha - Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Tương Dương cho biết: Có được kết quả trên, ngoài những chủ trương, chính sách khuyến khích phát triển kinh tế lâm nghiệp nói chung, thì đáng ghi nhận đối với nhận thức của người dân và các cấp ủy đảng, chính quyền địa phương về lợi ích mà kinh tế rừng đem lại, thúc đẩy người dân đầu tư trồng rừng để phát triển kinh tế. Đặc biệt, việc giao đất lâm nghiệp cũng đã giúp người dân chủ động sản xuất trên mảnh đất được giao. Việc đầu tư xây dựng, nâng cấp mạng lưới giao thông, tạo thuận lợi cho việc vận chuyển, lưu thông hàng hoá trong đó có lâm sản, hỗ trợ tiêu thụ sản phẩm...

Tuy nhiên, một thực tế cho thấy trong phát triển kinh tế rừng trên địa bàn Tương Dương vẫn còn khó khăn nhất định: Trước đây, UBND tỉnh đã phê duyệt quy hoạch vùng trồng nguyên liệu của huyện Tương Dương cho Nhà máy sản xuất bột giấy Tân Hồng, nhưng hiện nay Nhà máy sản xuất bột giấy Tân Hồng bị phá sản, nên vùng nguyên liệu không được đầu tư, triển khai thực hiện. Trong khi đó, mặc dù hiện nay bà con không phải lo đầu ra, nhưng huyện Tương Dương chưa được tỉnh phê duyệt quy hoạch vùng trồng rừng nguyên liệu cho Nhà máy chế biến gỗ MDF.

Ông Hồ Mạnh Đức, ở xóm Làng Mỏ, xã Tam Quang - một trong những hộ trồng rừng, cho rằng: “Những hộ trồng rừng như chúng tôi rất thiệt thòi so với những hộ được nằm trong vùng nguyên liệu. Chúng tôi không được nhà máy cho ứng trước không tính lãi suất ngân hàng các khoản tiền: cây giống, phân bón, thuốc diệt mối, hỗ trợ đầu tư thiết kế kỹ thuật, khuyến nông cho người trồng rừng, hỗ trợ cước vận chuyển…”.

Hệ thống băng chuyền đưa nguyên liệu vào chế biến gỗ ván thanh tại Nhà máy gỗ MDF Nghĩa Đàn.Ảnh: Hữu Nghĩa
Hệ thống băng chuyền đưa nguyên liệu vào chế biến gỗ ván thanh tại Nhà máy gỗ MDF Nghĩa Đàn. Ảnh: Hữu Nghĩa

Vấn đề này, qua trao đổi ông Kha Văn Ót - Phó Chủ tịch UBND huyện Tương Dương cho biết: “Trên cơ sở làm việc với Công ty CP Lâm nghiệp Tháng Năm, hiện chúng tôi đã trình UBND tỉnh thu hồi 13.838,4 ha đã quy hoạch cho Nhà máy sản xuất bột giấy Tân Hồng và rà soát lại quy hoạch, diện tích để tăng mức tối đa diện tích có thể trồng rừng nguyên liệu tập trung để bổ sung quy hoạch cho Nhà máy chế biến gỗ MDF Nghệ An. Đến lúc đó, ngoài những chủ trương, chính sách khuyến khích phát triển kinh tế lâm nghiệp nói chung, người trồng rừng trên địa bàn sẽ trực tiếp được hưởng lợi từ những chính sách của nhà máy”.

Như vậy, cùng với việc chờ UBND tỉnh xét cho vào vùng quy hoạch trồng rừng nguyên liệu cho Nhà máy chế biến gỗ MDF, thì việc đề án được xây dựng trên cơ sở những điều kiện tiềm năng, lợi thế và sự rà soát, phân tích nhu cầu thực tế của thị trường, có cơ chế, chính sách phù hợp, khuyến khích người dân phát triển kinh tế rừng, tin rằng đề án trồng rừng nguyên liệu không những tạo vận hội cho nghề trồng rừng, mà còn giúp lấy lại niềm tin của bà con vào hướng phát triển kinh tế rừng, góp phần tạo bước phát triển kinh tế bền vững trên địa bàn huyện Tương Dương.

Quảng An

TIN LIÊN QUAN