Cách giữ rừng của người dân bản Hốc

27/06/2017 09:53

(Baonghean) - Để giữ cánh rừng nguyên sinh bên bản, hàng trăm năm qua, người dân bản Hốc ở Diên Lãm (Quỳ Châu) đã lập ra hương ước cùng nhau bảo vệ rừng. Hương ước quy định các hộ thường xuyên tuần tra, giám sát khu rừng, những hộ có nhu cầu làm nhà phải được ban quản lý bản cho phép mới được vào chặt.

Vài tháng trước, khi có nhu cầu dựng nhà sau khi ra ở riêng, anh Quang Văn Sơn (33 tuổi, bản Hốc, xã Diên Lãm, Quỳ Châu) phải viết đơn trình bày với Ban quản lý bản.

Sau khi được bản thông qua, gia đình anh Sơn mới được phép vào rừng chặt gỗ. Ấy cũng bởi đây thuộc diện rừng cộng đồng, đã được ngành kiểm lâm giao cho bản Hốc quản lý.

Trong thời gian chặt hạ cũng như đưa gỗ về dựng nhà, các thành viên trong Ban quản lý bản Hốc thường xuyên giám sát chặt chẽ. “Phải theo dõi để tránh người dân lợi dụng việc làm nhà khai thác gỗ về bán.

Mặc dù trong bản chưa từng xảy ra điều này nhưng cũng phải làm chặt chẽ”, ông Quang Văn Đồng, Bí thư Chi bộ bản Hốc nói và cho rằng, ở các xã vùng xa của huyện Quỳ Châu này, chỉ còn một mình bản Hốc còn giữ được cánh rừng nguyên sinh quý hiếm để sử dụng khi cần thiết.

Những xã bên cạnh, mặc dù sống ngay bìa rừng, nhưng không còn gỗ, mỗi khi làm nhà thường vào khu bảo tồn trộm từng khối gỗ bị cơ quan chức năng xử phạt. Vì thế, nhiều hộ bây giờ phải xây nhà bê tông do không có gỗ dựng nhà sàn. Chỉ có ở bản Hốc, 100% số hộ đều ở trong những căn nhà sàn bề thế.

Ông Quang Văn Đồng - Bí thư Chi bộ bản Hốc (xã Diên Lãm, Quỳ Châu) bên cánh rừng cấm.
Ông Quang Văn Đồng - Bí thư Chi bộ bản Hốc (xã Diên Lãm, Quỳ Châu) bên cánh rừng cấm. Ảnh: Tiến Hùng.

Ông Đồng kể, hơn 300 năm trước, hai người đàn ông họ Lương và họ Quang mang theo gia đình đến khai khẩn vùng đất này để định cư. Bản Hốc là một thung lũng nhỏ, bốn bề được bao bọc bởi dãy núi Pù Hốc. Các cụ cao niên trong bản kể rằng, chẳng biết từ bao giờ, tổ tiên của họ có hương ước quy định hạn chế khai thác gỗ từ rừng.

Bản hương ước không được ghi lại trên một văn tự nào, mà chỉ truyền miệng từ đời này đến đời khác. “Từ nhỏ, chúng tôi chỉ nghe cha ông dặn dò không được chặt gỗ trong rừng để trao đổi hay mua bán, chỉ khai thác khi cần làm nhà. Phải cùng nhau bảo vệ nghiêm ngặt”, ông Quang Văn Hạnh (60 tuổi) nói.

Ấy là cánh rừng rộng khoảng 500 ha, trải rộng trên dãy núi Pù Hốc. Bìa rừng chỉ cách bản khoảng vài phút đi bộ, kéo dài đến tận ranh giới với các xã Châu Phong và Châu Hoàn. Vừa bước vào khu rừng mà người dân bản Hốc vẫn gọi là rừng cấm, cảnh tượng đập vào mắt chúng tôi là những cây gỗ cao chót vót, đường kính gần 1 mét đứng sừng sững...

Trải qua nhiều đời với những quy định truyền miệng, người dân bản Hốc nhận ra rằng, hương ước một thời gian dài vẫn chưa được thực thi nghiêm túc. Tình trạng lợi dụng dựng nhà để khai thác gỗ về cho, bán cho người thân ở bản khác vẫn diễn ra. Vì thế, năm 2005, người dân bản Hốc quyết định lập một hương ước bằng văn bản, trong đó quy định cụ thể từng việc cấm cũng như hình thức xử phạt. Bản hương ước được giao trưởng bản giữ, có cả chữ ký của từng hộ trong bản.

Hương ước nêu rõ, chỉ có người dân bản Hốc mới được phép vào cánh rừng này để chặt gỗ và cũng chỉ được chặt để dựng nhà, không được dùng gỗ trao đổi hay mua bán. Trước khi dựng nhà, gia chủ phải làm đơn gửi Ban quản lý bản xem xét, tùy vào diện tích của nhà để cho phép chặt khoảng bao nhiêu cây. Mọi động vật trong rừng đều bị cấm săn bắt. Người dân chỉ được phép khai thác những lâm sản phụ như hái măng, nhặt củi, cây dược liệu dưới tán rừng...

“Xung quanh, ở những xã như Châu Hoàn, Châu Phong rừng đã bị chặt hết, chỉ còn lại đồi trọc, nên động vật chạy vào rừng này sinh sống rất nhiều. Đa phần là chồn, mang, lợn rừng... Riêng việc khai thác mật ong, người dân được phép đốt lửa nhưng phải cam kết không để xảy ra cháy rừng” - Bí thư Chi bộ bản Hốc nói.

Hương ước này cũng quy định, 56 hộ trong bản được chia thành 6 nhóm. Một nhóm có trách nhiệm tuần tra, giám sát rừng trong một tháng. Nếu nhóm này không tuần tra, để xảy ra mất gỗ sẽ phải chịu phạt.

Ông Quang Văn Đồng kể, một ngày giữa năm 2015, ông Lô Văn Phong (trú xã Châu Hoàn), dẫn theo hai thanh niên lén lút vào khu rừng cấm của bản Hốc để khai thác gỗ. Ông Phong là chủ của một xưởng gỗ lớn ở xã Châu Hoàn. Nghe được tiếng cưa xăng, người dân đang tuần tra rừng lập tức chạy về bản trình báo.

Ban quản lý bản Hốc bao gồm trưởng bản, bí thư chi bộ và vài người dân khác lập tức bỏ hết công việc, khẩn trương vào rừng. “Lúc này, ông Phong đã kịp cưa được 3 cây gỗ với đường kính khoảng 30cm. Thấy chúng tôi, ông ấy xin cũng như cam kết không tái phạm nên bản chỉ phạt 200.000 đồng”, ông Đồng kể.

Cánh rừng rộng 500 hecta ngay phía sau bản Hốc. Ảnh: Tiến Hùng
Cánh rừng rộng 500 hecta ngay phía sau bản Hốc. Ảnh: Tiến Hùng

Vụ vi phạm thứ 2 xảy ra sau đó một năm. Thời điểm đó, một gia đình cũng ở xã Châu Hoàn mang trâu, cưa xăng vào khai thác 6 cây gỗ. Người dân bản Hốc phát hiện và xử phạt 600.000 đồng, đồng thời yêu cầu phải cam kết không được tái phạm. Đó là hai vụ vi phạm kể từ khi hương ước được lập từ năm 2005 đến nay. “Chỉ xảy ra hai vụ và người vi phạm cũng ở xã khác. Riêng ở bản Hốc thì không có ai vi phạm” - ông Đồng cho biết thêm.

Đến bản Hốc, bị cuốn hút vì cái “văn hóa giữ rừng” ở đây, chúng tôi còn may mắn được biết, không chỉ quy định về khai thác rừng, hương ước của bản Hốc còn có một số quy định liên quan đến chuyện cưới hỏi, đám tang. Theo ông Quang Văn Đồng, trước đây, cũng như bao bản làng người Thái khác, người dân ở bản Hốc thường tổ chức đám tang với nhiều tập tục mê tín.

Gia chủ thường giết trâu, giết bò ăn uống suốt 5 ngày. Sau đám tang, nhiều gia đình lâm vào cảnh nợ nần. Bản hương ước sau đó quy định rõ, khi trong bản có người chết, mỗi hộ có trách nhiệm góp 4 cân gạo và cử một người là lao động chính đến giúp gia đình có người chết, túc trực ở đám tang. Nhà nào bận thì phải bỏ tiền thuê người khác.

Đến đám tang không được ăn uống của gia chủ mà phải về nhà ăn cơm để tiết kiệm cho gia đình họ. Nhà có người chết chỉ được phép để tối đa 2 ngày phải đi chôn cất, nếu con cái ở xa không về kịp sẽ được bản xem xét nhưng không quá 3 ngày. Về đám cưới, không được ăn uống vào ban đêm gây mất an ninh trật tự. Không được tổ chức nhiều ngày...

(Còn nữa)

Tiến Hùng

TIN LIÊN QUAN