Siết quản lý, giảm nạn 'cò' trong đấu giá đất

13/07/2017 07:06

(Baonghean) - Ông Hoàng Quốc Hào - Giám đốc Sở Tư pháp trả lời phỏng vấn Báo Nghệ An về công tác đấu giá quyền sử dụng đất.

P.V: Theo phản ánh của người dân và cử tri một số cuộc đấu giá quyền sử dụng đất đang tồn tại tình trạng “quân xanh, quân đỏ”, “cò đất”. Ông có ý kiến gì về vấn đề này?

Ông Hoàng Quốc Hào: Bên cạnh những mặt tích cực, công tác bán đấu giá tài sản, nhất là đấu giá quyền sử dụng đất vẫn còn tồn tại tình trạng “quân xanh, quân đỏ”, “cò đất”, thông đồng, dìm giá gây mất trật tự, an ninh tại một số địa phương. Đây là một tồn tại không chỉ riêng Nghệ An.

Để xảy ra tình trạng tiêu cực trên một mặt là do quy định pháp luật chưa đồng bộ, chưa đầy đủ, sự phối hợp trong quá trình triển khai bán đấu giá của UBND cấp huyện, cấp xã với các tổ chức bán đấu giá tài sản chưa thực sự chặt chẽ; Công tác chỉ đạo của UBND cấp huyện chưa thực sự quyết liệt, đặc biệt chỉ đạo các lực lượng an ninh chưa đủ mạnh để phát hiện ngăn chặn, xử lý kịp thời các hành vi vi phạm theo quy định của pháp luật, mặt khác, việc nộp đơn tham gia đấu giá không giới hạn về nơi cư trú, nên đã có nhiều cá nhân kể cả các đối tượng chuyên nghiệp đi đấu giá, tổ nhóm mang tính chất trắng trợn, đến nơi đấu giá để gây áp lực, đe dọa, thu tiền dìm giá mặc dù không có nhu cầu mua đất, với nhiều thủ đoạn tinh vi nhằm mục đích trục lợi, thu nhập bất chính gây bất bình trong nhân dân và mất trật tự xã hội, làm thất thu ngân sách nhà nước.

Khu quy hoạch đấu giá đất ở xã Nghi Kim (TP. Vinh). Ảnh: C.L
Khu quy hoạch đấu giá đất ở xã Nghi Kim (TP. Vinh). Ảnh: C.L

Để bảo đảm hoạt động đấu giá tài sản tuân thủ quy định của pháp luật, tính chuyên nghiệp, ngày 17/11/2016, Quốc hội khóa XIV, kỳ họp thứ 2 đã thông qua Luật Đấu giá tài sản, có hiệu lực thi hành từ ngày 01/7/2017 có nhiều quy định mới, trong đó các hình thức đấu giá mới như đấu giá bằng bỏ phiếu gián tiếp, đấu giá trực tuyến, việc đăng ký, tổ chức và hoạt động của các tổ chức bán đấu giá, điều kiện tiêu chuẩn của đấu giá viên được chặt chẽ hơn sẽ là cơ sở để triển khai thực hiện và dần ngăn chặn tình trạng “cò đất”, thông đồng, dìm giá.

P.V: Thực trạng và tính chuyên nghiệp trong hoạt động của các tổ chức đấu giá tài sản hiện nay như thế nào, thưa ông?

Ông Hoàng Quốc Hào: Hiện nay, trên địa bàn tỉnh Nghệ An có 19 tổ chức bán đấu giá tài sản, trong đó có: Trung tâm Dịch vụ bán đấu giá tài sản với 4 đấu giá viên; 9 công ty cổ phần, 7 công ty TNHH và 2 văn phòng đại diện với 32 đấu giá viên. Các doanh nghiệp bán đấu giá tài sản trên địa bàn tỉnh Nghệ An hiện nay chất lượng, phân bố không đồng đều, chủ yếu đặt trụ sở trên địa bàn thành phố Vinh; một số doanh nghiệp thiếu kinh nghiệm trong tổ chức và hoạt động, chưa chú trọng đầu tư cơ sở vật chất cũng như nhân sự. Một số doanh nghiệp kinh doanh đa ngành nghề trong đó hoạt động bán đấu giá tài sản chỉ là một lĩnh vực hoạt động của họ, vì vậy tính chuyên nghiệp không cao.

Theo quy định của Luật Đấu giá tài sản năm 2016, đã có hiệu lực từ ngày 1/7/2017, doanh nghiệp đấu giá tài sản được thành lập, tổ chức và hoạt động dưới hình thức doanh nghiệp đấu giá tư nhân, công ty đấu giá hợp danh và Giấy đăng ký hoạt động cho doanh nghiệp đấu giá tài sản do Sở Tư pháp cấp theo trình tự, thủ tục chặt chẽ.

P.V: Ông có thể cho biết vai trò quản lý nhà nước của Sở Tư pháp đối với công tác đấu giá quyền sử dụng đất hiện nay?

Ông Hoàng Quốc Hào: Thực hiện nhiệm vụ giúp UBND tỉnh quản lý nhà nước về hoạt động bán đấu giá tài sản tại địa phương, Sở Tư pháp đã phối hợp với các sở, ngành có liên quan tham mưu cho UBND tỉnh ban hành các quyết định về quy chế bán đấu giá tài sản, đấu giá quyền sử dụng đất trên địa bàn tỉnh, đồng thời ban hành các văn bản nhằm tăng cường công tác quản lý hoạt động đấu giá quyền sử dụng đất và phòng ngừa, đấu tranh ngăn chặn vi phạm pháp luật trong lĩnh vực đấu giá quyền sử dụng đất. Bên cạnh đó, tổ chức các hội nghị về một số vấn đề liên quan đến công tác quản lý nhà nước trong hoạt động đấu giá quyền sử dụng đất trên địa bàn tỉnh với sự tham gia của đại diện các sở, ngành liên quan, các huyện, thành phố.

Công tác thanh tra, kiểm tra hoạt động bán đấu giá tài sản đã được thực hiện thường xuyên; hàng năm UBND tỉnh, Sở Tư pháp đều thành lập các đoàn kiểm tra tại các tổ chức bán đấu giá tài sản, các thiếu sót, vi phạm sau kết luận thanh tra, kiểm tra đã được xử lý và khắc phục nghiêm túc; các phản ánh, khiếu nại liên quan đến hoạt động bán đấu giá tài sản đều được giải quyết kịp thời đúng pháp luật.

Đặc biệt để góp phần phòng ngừa tiêu cực, sai phạm trong hoạt động đấu giá quyền sử dụng đất, làm thất thu ngân sách nhà nước, UBND tỉnh đã thành lập Tổ giám sát thực hiện cuộc bán đấu giá quyền sử dụng đất theo Quyết định số 2359/QĐ-UBND ngày 2/6/2017, thành viên của Tổ giám sát gồm đại diện các sở, ngành: Công an, Tài chính, Xây dựng, Tài nguyên và Môi trường, Tư pháp và UBND các huyện có đất đấu giá.

Một cuộc đấu giá đất ở thị trấn Yên Thành. Ảnh: Văn Trường
Một cuộc đấu giá đất ở thị trấn Yên Thành. Ảnh: Văn Trường

P.V:Vậy đâu là giải pháp để nâng cao hiệu quả công tác đấu giá tài sản nói chung và đấu giá quyền sử dụng đất nói riêng trong thời gian tới?

Ông Hoàng Quốc Hào: Thời gian tới, Sở Tư pháp tham mưu UBND tỉnh triển khai thi hành Luật Đấu giá tài sản theo Kế hoạch đã được Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành, trong đó có nhiệm vụ phối hợp với các sở, ban, ngành rà soát các văn bản quy phạm pháp luật và tham mưu cho UBND tỉnh ban hành văn bản thay thế Quyết định số 74/2014/QĐ-UBND ngày 17/10/2014 ban hành Quy chế bán đấu giá tài sản trên địa bàn tỉnh Nghệ An và Quyết định số 03/2017/QĐ-UBND ngày 13/1/2017 ban hành Quy chế đấu giá quyền sử dụng đất để giao đất có thu tiền sử dụng đất hoặc cho thuê đất trên địa bàn tỉnh Nghệ An.

Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát hoạt động bán đấu giá tài sản, trong đó triển khai nghiêm túc Quyết định số 2359/QĐ-UBND ngày 2/6/2017 của Ủy ban nhân dân tỉnh về thành lập Tổ giám sát thực hiện cuộc bán đấu giá quyền sử dụng đất, tập trung giám sát tại các huyện có đơn thư phản ánh.

UBND các huyện cần tổ chức quán triệt một cách toàn diện, đồng bộ Luật Đấu giá tài sản và các văn bản hướng dẫn thi hành, bảo đảm đưa Luật đi vào đời sống để lập lại trật tự, kỷ cương trong đấu giá tài sản, tránh được hiện tượng tiêu cực, hạn chế như hiện nay; Phối hợp chặt chẽ với các tổ chức bán đấu giá chuyên nghiệp để việc bán đấu giá đảm bảo đúng trình tự, thủ tục theo quy định của pháp luật; Tăng cường chỉ đạo lực lượng an ninh cấp huyện và cấp xã nơi có đất bán đấu giá bố trí lực lượng đủ mạnh để việc bán đấu giá đảm bảo an ninh, trật tự và kịp thời xử lý nghiêm các đối tượng vi phạm; Lựa chọn các tổ chức bán đấu giá chuyên nghiệp có uy tín để ký hợp đồng bán đấu giá tài sản.

Đối với các sở, ngành liên quan, căn cứ chức năng, nhiệm vụ của mình tăng cường công tác giám sát, kiểm tra, thanh tra thực hiện các giải pháp nhằm phát hiện, điều tra, xử lý các hành vi vi phạm trong lĩnh vực bán đấu giá tài sản, nhất là tình trạng đe dọa, chèn ép, cản trở khách hàng tham gia đấu giá, trấn lột tiền của khách hàng trúng đấu giá.

P.V: Xin cảm ơn ông!

Châu Lan

(Thực hiện)

TIN LIÊN QUAN