Ngư dân Nghệ vươn khơi trên những con tàu vỏ thép

16/06/2017 09:36

(Baonghean) - Từ ngày có tàu cá vỏ thép, bà con tự tin hẳn, vươn ra vùng biển Bạch Long Vĩ và xa hơn nữa là Hoàng Sa, Trường Sa để đánh bắt hải sản có giá trị kinh tế cao, đồng thời góp phần bảo vệ chủ quyền biển đảo.

Đứng trên con tàu vỏ thép mang biển kiểm soát NA 99959 TS được đóng theo chính sách hỗ trợ vay vốn của Nghị định 67/CP, ngư dân Bùi Văn Định, xóm Phong Thái, xã Tiến Thủy (Quỳnh Lưu) phấn khởi cho biết, trước đây ông đánh bắt trên con tàu vỏ gỗ công suất máy 480CV, khá lớn nhưng mỗi lần ra khơi gặp lúc mưa dập, sóng dồn là rất vất vả, đối diện hiểm nguy. Nhiều chuyến gặp gió khoảng cấp 6 là phải quay đầu vào bờ, chịu lỗ tiền dầu. Thế nên con tàu cá vỏ sắt, công suất máy lớn luôn là mơ ước của ông Định cũng như nhiều ngư dân khác...

Tàu vỏ thép của ngư dân Quỳnh Lưu cập bến cảng cá Lạch Quèn.Ảnh: Xuân Hoàng
Tàu vỏ thép của ngư dân Quỳnh Lưu cập bến cảng cá Lạch Quèn. Ảnh: Xuân Hoàng

Năm 2016, khi Nghị định 67 của Chính phủ đi vào cuộc sống, ngư dân đóng tàu cá lớn vươn khơi, hiệu quả kinh tế mang lại rõ rệt, ông Định và với bạn tàu bán con tàu cũ vỏ gỗ để góp vốn đóng tàu vỏ thép. Ông đã đứng ra làm hồ sơ đăng ký và được các cấp, ngành đồng ý cho vay vốn ngân hàng để đóng tàu. Cuối năm 2016, bằng nguồn vốn vay từ Ngân hàng Thương mại cổ phần Đầu tư và Phát triển chi nhánh Phủ Diễn, con tàu vỏ thép công suất 829CV, thân tàu dài hơn 25m, rộng hơn 7m của ông Định được hoàn thành đưa vào khai thác. Từ đó đến nay, ông Định ra khơi được 5 chuyến biển, với nghề lưới chụp, mỗi chuyến ra khơi đánh bắt được từ 20 - 25 tấn hải sản so trước đây tàu vỏ gỗ công suất máy nhỏ hơn, mỗi chuyến chỉ đánh bắt được 7 - 10 tấn. Bình quân con tàu vỏ thép của ông Định thu lãi trên 100 triệu đồng/chuyến biển.

Ông cho biết, tàu vỏ thép được lắp tời lưới hiện đại, nên cần ít lao động hơn tàu gỗ. Trước đây, tàu gỗ 480CV, phải sử dụng 12 lao động, thì nay mặc dù tàu to, máy lớn hơn nhưng chỉ sử dụng 10 lao động. Mỗi chuyến biển, 10 bạn thuyền của ông Định có mức thu nhập từ 6 triệu đồng/người trở lên, cuộc sống ổn định hơn trước. “Chuyến biển vừa rồi kéo dài 10 ngày, thu về 25 tấn mực, cá hố, cá đốm, trị giá gần 200 triệu đồng” - ông Định cho biết thêm.

Nói về chất lượng con tàu vỏ thép, ông Định chia sẻ: “Thời gian qua, các phương tiện thông tin đại chúng đưa tin một số con tàu vỏ thép ở các tỉnh hư hỏng, chất lượng kém, cũng thấy lo. Tuy nhiên đã qua 5 chuyến biển, con tàu vỏ thép của chúng tôi chưa thấy trục trặc máy móc, các bộ phận khác cũng hoạt động tốt, chỉ có một số chi tiết nhỏ ở sào thu lưới lắp đặt chưa được phù hợp, anh em đã chỉnh sửa lại. Không riêng tàu của chúng tôi mà các con tàu vỏ thép khác ở Quỳnh lưu chưa thấy trục trặc lớn...

Từ ngày có con tàu vỏ thép này, chúng tôi tự tin hẳn, hoạt động ở vùng biển xa, tâm lý anh em vững vàng hơn. Chúng tôi thường ra đánh bắt ở vùng biển Bạch Long Vĩ và có khi ra xa hơn nữa, nên hải sản đánh bắt thường là các loại cá có giá trị cao. Mặt khác, còn góp phần bảo vệ chủ quyền biển đảo”...

Ngư dân thị xã Hoàng Mai đánh bắt hải sản giá trị từ tàu vỏ sắt đóng theo Nghị định 67. Ảnh: Việt Hùng
Ngư dân thị xã Hoàng Mai đánh bắt hải sản giá trị từ tàu vỏ sắt đóng theo Nghị định 67. Ảnh: Việt Hùng

Huyện Quỳnh Lưu là địa phương có đội ngũ tàu thuyền đánh bắt hải sản lớn nhất tỉnh, và số lượng ngư dân được đóng tàu thuyền theo Nghị định 67/CP cũng nhiều nhất tỉnh. Đến nay đã có 54 chủ tàu được phê duyệt cho vay vốn, trong đó có 11 tàu vỏ thép. Theo đánh giá của Phòng Nông nghiệp và PTNT huyện, đến nay huyện Quỳnh Lưu đã có 4 tàu vỏ thép của ngư dân hoàn thành đưa vào khai thác. Cho đến thời điểm này, huyện chưa nhận được thông tin tàu vỏ thép bị hư hỏng đáng kể của ngư dân. Chỉ có một số chi tiết nhỏ phục vụ đánh bắt do lắp đặt chưa phù hợp, ngư dân đã chủ động chỉnh sửa.

Thị xã Hoàng Mai đến thời điểm này có 3 tàu vỏ thép đã hoàn thành đưa vào hoạt động. Theo đánh giá của UBND thị xã thì cả 3 tàu vỏ thép của ngư dân trên địa bàn hoạt động có hiệu quả, không có hư hỏng đáng kể. Tàu của ngư dân Nguyễn Văn Phương, ở phường Quỳnh Phương đã ra khơi 16 chuyến đều thuận lợi, mỗi chuyến thu lãi từ 200 - 300 triệu đồng; tàu của ngư dân Phan Văn Mạnh ra khơi 12 chuyến, thu lãi từ 100 - 200 triệu đồng/chuyến. Hiệu quả của tàu vỏ thép là vậy, tuy nhiên, việc thẩm định hồ sơ vay vốn của các ngân hàng thương mại để cho ngư dân vay đóng tàu vỏ thép còn hạn chế, nên lượng đóng mới còn ít.

Đánh giá về chất lượng và hiệu quả của tàu vỏ thép trên địa bàn tỉnh, ông Trần Hữu Tiến - Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT cho biết: Trong số 9 con tàu vỏ thép được đóng mới (7 tàu đã đưa vào hoạt động), có 5 tàu đóng tại Công ty Tàu thủy Sông Đà, 4 tàu đóng ở Hải Phòng và Thái Bình, các tàu đều đóng đúng theo thiết kế kỹ thuật đã được phê duyệt.

Trong quá trình đưa vào khai thác đánh bắt hải sản cho thấy, các tàu vỏ thép chỉ có một số trục trặc nhỏ, không có hư hỏng lớn. Đến thời điểm này, Sở Nông nghiệp và PTNT chưa nhận được thông tin phản ánh của ngư dân về tàu vỏ thép bị hư hỏng. Nhìn chung, tàu vỏ thép được trang bị hiện đại, đồng bộ giúp ngư dân thuận lợi vươn khơi xa hơn, bám biển dài ngày hơn, thuỷ thủ có nơi lao động và nghỉ ngơi thuận tiện hơn. Tất cả ngư dân đóng tàu vỏ thép đều làm ăn hiệu quả, rất phấn khởi, quyết tâm bám biển để phát triển kinh tế và góp phần bảo vệ lãnh hải của Tổ quốc.

Thực hiện Nghị định 67/CP, sau 2 năm triển khai, Nghệ An đã phê duyệt 101 chủ tàu đủ điều kiện vay vốn đóng mới, trong đó có 20 tàu vỏ thép. Đến thời điểm này đã có 67 chủ tàu ký hợp đồng vay vốn đóng tàu. Riêng tàu vỏ thép đã có 9 chủ tàu được các ngân hàng thương mại giải ngân, triển khai đóng mới tại các nhà máy; trong đó có 7 tàu đã hoàn thành đưa vào hoạt động đạt hiệu quả cao.


Xuân Hoàng

TIN LIÊN QUAN