Khắc phục việc nghị quyết ban hành 'cho có'!

09/08/2017 09:15

(Baonghean) - Quỳnh Vinh là xã đông dân, diện tích lớn, chiếm 1/4 của TX. Hoàng Mai. Những năm trước, công tác lãnh đạo, điều hành của cấp ủy, chính quyền có những trì trệ, thậm chí một số cán bộ chủ chốt sai phạm và bị xử lý kỷ luật làm ảnh hưởng đến phong trào chung.

Đến nay, từ triển khai các nghị quyết sát đúng, xã Quỳnh Vinh (TX. Hoàng Mai) đã có nhiều khởi sắc, niềm tin của dân với cấp ủy, chính quyền ngày càng được củng cố. Báo Nghệ An có cuộc đối thoại với đồng chí Hồ Sỹ Tùng - Bí thư Đảng ủy xã Quỳnh Vinh về một số vấn đề liên quan.

P.V: Được biết, cách đây vài năm, tình hình xã Quỳnh Vinh có nhiều “điểm nghẽn”, thậm chí là trì trệ, nhiều nhiệm vụ chính trị của địa phương đặt ra không hoàn thành. Đồng chí có thể cho biết nguyên nhân dẫn đến tình trạng đó!

Đồng chí Hồ Sỹ Tùng: Trên cơ sở nhìn thẳng sự thật, Đảng bộ xã đã làm rõ những nguyên nhân của những yếu kém, trì trệ của địa phương trong báo cáo chính trị trình Đại hội Đảng bộ xã khóa XXIV, nhiệm kỳ 2015 - 2020. Trước hết là phương pháp làm việc của bộ máy cấp xã chưa thật sự khoa học, bài bản.

Lãnh đạo xã kiểm tra mô hình cây nghệ trên đồng đất Quỳnh Vinh (Quỳnh Lưu). Ảnh: Mai Hoa
Lãnh đạo xã kiểm tra mô hình cây nghệ trên đồng đất Quỳnh Vinh (TX. Hoàng Mai). Ảnh: Mai Hoa

Tình trạng nhiều đề án ban hành, nhưng không bám để đốc thúc, không tổ chức đánh giá những khó khăn, vướng mắc để tháo gỡ mà đang mang tính ban hành, triển khai cho có. Cán bộ chưa thật sự quan tâm và chưa có phương pháp trong công tác tuyên truyền, vận động nhân dân thực hiện một số phong trào ở địa phương như dồn điền, đổi thửa, tích tụ ruộng đất, xây dựng nông thôn mới; hay xử lý các vấn đề tồn đọng, bức xúc trên địa bàn.

Công tác quản lý tài chính thiếu minh bạch, việc đầu tư thiếu hiệu quả; một số nhu cầu bức thiết của người dân cũng như tồn đọng được nhân dân kiến nghị nhiều lần mà không được giải quyết. Một số cán bộ thiếu gương mẫu, vi phạm bị xử lý kỷ luật. Bởi vậy, niềm tin của nhân dân đối với cấp ủy, chính quyền địa phương bị giảm sút. Vai trò của các chi bộ còn nhiều mặt hạn chế, chất lượng sinh hoạt chưa rõ nét.

P.V: Vậy, cấp ủy đã có những giải pháp gì để khắc phục, thưa đồng chí?

Đồng chí Hồ Sỹ Tùng: Sau Đại hội Đảng bộ xã, bộ máy được sắp xếp, kiện toàn trên cơ sở năng lực, sở trường để bố trí phù hợp.

Vấn đề được cấp ủy ưu tiên là tập trung thay đổi phương pháp, lề lối làm việc trên cơ sở xây dựng, ban hành chương trình, kế hoạch làm việc toàn khóa, quy chế làm việc của cấp ủy một cách bài bản; chi tiết hóa chương trình từng năm, từng quý và từng tháng sát với thực tiễn.

Xã cũng tổ chức phân công, phân nhiệm cụ thể từng đồng chí cấp ủy phụ trách mũi, lĩnh vực trong việc tổ chức, thực hiện và chịu trách nhiệm trước cấp ủy về kết quả mũi, lĩnh vực mình phụ trách.

Định kỳ đánh giá tiến độ, tập trung tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc đặt ra từ thực tiễn, đảm bảo nhiệm vụ được thực hiện đúng lộ trình đã đề ra, khắc phục tình trạng quên việc, bị động, trùng việc. Công tác tuyên truyền, công tác dân vận của cấp ủy và chính quyền đổi mới theo hướng cụ thể, đi sâu, đi sát đối tượng tác động.

Cùng với đó, chúng tôi tập trung nâng cao hiệu lực, hiệu quả điều hành của chính quyền trên tất cả các lĩnh vực, trong đó chú trọng công tác quy hoạch, quản lý quy hoạch, tăng cường quản lý đất đai; kỷ cương, kỷ luật hành chính, nâng cao ý thức trách nhiệm, đạo đức công vụ của cán bộ, công chức; đồng thời có thái độ rõ ràng, quyết liệt trong xử lý các sai phạm phát sinh nhanh gọn, dứt điểm, tạo sự bình đẳng và nâng cao ý thức chấp hành pháp luật trong nhân dân, nhất là liên quan đến đất đai.

Gắn với đó, xã quan tâm giải quyết các kiến nghị, khiếu nại, tố cáo của nhân dân trên cơ sở tăng cường đối thoại để xử lý.

Hàng loạt vấn đề bức thiết trong nhân dân lần lượt được ưu tiên giải quyết trên cơ sở công khai, minh bạch về nguồn lực, phát huy dân chủ rộng rãi trong nhân dân. Khi các khoản địa phương thu được từ nguồn đấu giá sử dụng đất, từ tiết kiệm chi tiêu, cùng với nhân dân đóng góp để làm nhiều công trình mà dân thấy được, cấp ủy, chính quyền đã thực sự lấy lại niềm tin trong nhân dân.

Chỉ trong hơn 2 năm, tính từ thời điểm sau đại hội, xã đã làm mới, nâng cấp được gần 50 km đường bê tông, trong đó hệ thống đường liên thôn cơ bản từ đường đất nay đã được khép kín bê tông hoàn toàn và hệ thống giao thông nội các xóm chỉ còn 30% chưa được bê tông đạt chuẩn nông thôn mới.

Xã cũng đã xây dựng mới 28 phòng học và phòng chức năng cho các bậc học. Xã cũng đã làm việc với Chi nhánh Điện lực Quỳnh Lưu cải tạo, nâng cấp hệ thống lưới điện, đồng thời xen dắm thêm 3 trạm điện, đảm bảo phục vụ nhu cầu điện sinh hoạt tốt hơn cho người dân.

Xã tập trung chỉ đạo công tác dồn điền, đổi thửa; khuyến khích nông dân chuyển đổi cơ cấu kinh tế thông qua các đề án phát triển kinh tế trang trại, gia trại và đề án chuyển đổi diện tích đất lúa cao cưỡng kém hiệu quả cùng đất màu sang trồng cây nghệ hàng hóa.

Nhờ đó, từ chỉ chưa đầy hai chục trang trại, gia trại, đến nay xã đã có 65 trang trại, gia trại. Diện tích trồng nghệ cũng lên đến 165 ha, bình quân thu nhập đạt 200 triệu đồng/ha. Nhiều hộ đã phát triển thêm nghề dịch vụ cung ứng và chế biến tinh bột nghệ.

Đồng thời, xã chủ động, đi tắt, đón đầu để mở các lớp đào tạo nghề may, cơ khí cung cấp cho các dự án đã và đang triển khai trong vùng. Hiện tại có khoảng hơn 500 lao động đang làm việc trong 2 nhà máy may và Nhà máy tôn Hoa Sen ở Hoàng Mai và khu kinh tế Nghi Sơn.

Thu nhập bình quân đầu người cuối năm 2016 là 28,7 triệu đồng; tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 5,2% và dự kiến đến hết năm 2017 sẽ còn 4%.

P.V: Từ thực tiễn địa phương, theo đồng chí, những bài học kinh nghiệm cần được rút ra cho cấp ủy, chính quyền cơ sở nói chung và riêng với xã Quỳnh Vinh là gì?

Đồng chí Hồ Sỹ Tùng: Điều quan trọng là cần phải quy tụ được sức mạnh tổng hợp, sự đoàn kết và đồng thuận của cả hệ thống chính trị từ xã đến cơ sở và toàn thể nhân dân.

Người dân xã Quỳnh Vinh (TX. Hoàng Mai) làm đường giao thông. Ảnh: Thanh Thủy
Người dân xã Quỳnh Vinh (TX. Hoàng Mai) làm đường giao thông. Ảnh: Thanh Thủy

Cán bộ, công chức trong thực thi nhiệm vụ phải thực sự trách nhiệm, tính tiên phong gương mẫu, đặc biệt là vai trò của người đứng đầu của cấp ủy Đảng, chính quyền và các tổ chức, đơn vị.

Phương thức lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy phải đổi mới và cách thức điều hành chính quyền trên cơ sở bám sát nghị quyết, bám chủ trương, bám kế hoạch, bám việc, bám cơ sở và bám dân. Chú trọng công tác kiểm tra giám sát, đặc biệt là kiểm tra, giám sát thường xuyên, đột xuất.

Thực tế cho thấy, nơi nào, bộ phận nào mà thiếu kiểm tra, giám sát thì nơi đó công việc bị trì trệ, không hiệu quả và không đáp ứng được mong đợi của nhân dân.

Mặt khác có kiểm tra, giám sát mới xác định được khó khăn, tồn tại, từ đó mới kiến nghị và đề xuất các giải pháp tháo gỡ nhằm đáp ứng được tiến độ, công việc đã đề ra.

Đối với cấp trên, theo tôi cần phải quan tâm, chăm lo xây dựng, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức cho cơ sở, nhất là đối với các xã có điều kiện khó khăn.

Cùng với đó, quan tâm giải quyết nhanh các thủ tục hành chính mà cơ sở kiến nghị, đề xuất khi xét thấy nội dung đó đúng pháp luật, hợp lý để cơ sở chủ động trong thực thi nhiệm vụ.

Nội dung này không tốn kém kinh phí tiền bạc nhưng nếu chậm trễ một mặt tiến độ kế hoạch không đáp ứng, mặt khác làm mất niềm tin, thậm chí đôi lúc còn tạo sức ỳ cho cơ sở.

P.V: Xin cảm ơn đồng chí!

Mai Hoa (Thực hiện)

TIN LIÊN QUAN