Giáo dục về lòng biết ơn
(Baonghean) - Tôi vừa có chuyến đi Côn Đảo - một trong những vùng đất thiêng liêng mà mỗi độ tháng 7, người dân cả nước không ai bảo ai lại đổ về tưởng niệm các anh hùng liệt sỹ hy sinh trong hai cuộc kháng chiến cứu nước.
Trong dòng người đông đúc ấy, nhiều gia đình dẫn theo cả những đứa trẻ mà với chúng, chiến tranh chỉ là một từ đọc được trong văn chương, sách vở. Đoàn tham quan đi vào các nhà tù để lại từ thời Pháp thuộc và đế quốc Mỹ. Nhiều năm trôi qua, nơi này dường như vẫn lưu giữ lại bầu không khí ảm đạm, nặng nề vì đã chứng kiến quá nhiều máu và nước mắt.
Những khu xà lim chật chội từng giam giữ hàng chục con người, những dụng cụ tra tấn tàn khốc từng nhuộm đỏ máu bao chiến sỹ, trí thức yêu nước. Những đồ vật vô tri vô giác mà sao như có linh hồn, như đang kể lại cho người đời sau câu chuyện một thời tăm tối.
Nghĩa trang Hàng Dương là một di tích lịch sử có giá trị tố cáo chế độ thực dân đế quốc, đồng thời giáo dục truyền thống cho thế hệ trẻ. Ảnh: Đức Anh. |
Người thuyết minh là một phụ nữ bản địa có nước da rám nắng và giọng nói chân chất. Câu chuyện cuối cùng của cô dừng lại bên một giếng nước ngoài trời và khi kết thúc chuyện, cô khóc. Tất cả mọi người thấy lòng nghẹn lại khi cô nói “Câu chuyện tôi vừa kể chính là chuyện của ba tôi. Ông ấy cũng là một người tù trong địa ngục trần gian này. Rất nhiều năm trở về sau, ông vẫn thường thức dậy giữa đêm sau cơn ác mộng. Ông nói với tôi rằng, ông mơ thấy đồng đội đã hy sinh trong tù, mơ thấy mình như sống lại quãng đời địa ngục ấy. Từ đó cho đến cuối đời, ba tôi không một lần đặt chân trở lại nơi này dù ông vẫn sinh sống trên đảo”.
Có lẽ tất cả những ai từng một lần đặt chân đến Côn Đảo đều bị chấn động mạnh khi tham quan những khu nhà tù được mệnh danh là địa ngục trần gian này. Hay câu nói mà người dân đảo truyền nhau “Ở đảo này, ban đêm một người sống ngủ có ba người chết canh giấc”. Hay khi đi trên những con đường trong nghĩa trang Hàng Dương, thấy những hàng ghế xếp dọc hai bên lối đi và được giải thích rằng: Đó là những chiếc ghế được đặt không chỉ cho người sống mà cả người đã khuất nữa.
Dù đã nghe kể hay được đọc nhiều sách báo, tài liệu về sự thảm khốc của chiến tranh và những hy sinh to lớn của thế hệ người đi trước, vẫn không thể nào chân thực và gây xúc động mạnh bằng những hình ảnh, hiện vật được nhìn tận mắt. Ở giữa cuộc sống yên bình này, nếu không gợi nhớ, nhắc nhở, con người rất dễ quên đi ngày hôm qua và rồi quên luôn mình là ai, từ đâu mà sinh ra.
Trại giam Phú Tường (Côn Đảo), nơi nổi tiếng với "chuồng cọp", được xây dựng năm 1940, với diện tích hơn 5.000 m2 gồm 120 phòng giam có chấn song sắt phía trên, 60 phòng "tắm nắng" không có mái che. |
Thật khó để có thể giáo dục thế hệ trẻ mai sau của chúng ta để chúng thực sự thấm thía bài học máu xương của cha ông. Và cũng thật khó để trách chúng, bởi chúng sinh ra trong thời đại của xe máy, ô tô, máy bay, của máy tính, máy điện thoại thông minh, của internet, mạng xã hội. Cuộc sống hoà bình và đầy đủ quả thực quý giá biết bao, nhưng chưa chắc những người sống trong thời đại này đã thực sự hiểu và quý trọng giá trị của cuộc sống mình đang có.
Tôi sẽ quay lại Côn Đảo, lần tới mang theo cả những đứa con của mình. Bởi, hơn bất cứ lời kể, lời răn dạy nào, tôi muốn chúng tự mình chứng kiến và trải nghiệm. Để rồi tự chúng hun đúc cho mình sự nhắc nhớ, biết ơn với những người đã ngã xuống cho cuộc sống hoà bình hôm nay.
Hải Triều