Quán bán hàng bằng niềm tin 'độc' nhất Việt Nam

21/07/2017 15:14

Lần đầu tiên ở Hà Nội xuất hiện một cửa hàng bán hàng bằng niềm tin. Khách vào tự chọn đồ uống, thanh toán theo hướng dẫn treo sẵn trên tường rồi bỏ tiền, hóa đơn vào hộp mà không có người phục vụ.

Trải nghiệm mới

Với diện tích chỉ khoảng 20m2, cửa hàng này có vẻ bề ngoài không quá khác biệt với những cửa hàng trên phố. Tuy nhiên, Mama Fanbox đem đến một sự trải nghiệm hoàn toàn mới bởi đây là cửa hàng không có người bán đầu tiên tại Hà Nội cũng như ở Việt Nam.

Đồ “hành nghề” của Mama Fanbox rất đơn giản, chỉ một chiếc tủ lạnh bày đủ các loại nước uống, chocolate và rất nhiều kem tươi. Đến Mama Fanbox, khách hàng chỉ cần ấn chuông, cửa tự động mở ra. Khách có thể tự chọn đồ dựa trên thực đơn được nhà hàng niêm yết. Lựa chọn xong đồ, khách hàng đến quầy thanh toán, tự dùng dụng cụ quét mã vạch sản phẩm, giá sẽ được hiện trên máy tính và chỉ việc điền số điện thoại rồi máy sẽ in hóa đơn.

Cửa hàng nhỏ được trang trí rất bắt mắt.
Cửa hàng nhỏ được trang trí rất bắt mắt.

Sau đó, khách hàng cho tiền cùng hóa đơn vào bao nilon được nhà hàng chuẩn bị sẵn, thả vào thùng thanh toán. Cuối cùng, khách hàng có thể thưởng thức sản phẩm mình mua tại Mama Fanbox với đầy đủ bàn, ghế và điều hòa mát lạnh.

Mọi chỉ dẫn đã được gia chủ chú thích đầy đủ, tuy nhiên nhiều người vẫn lóng ngóng không biết bắt đầu thanh toán từ đâu. Với những trường hợp này, chủ quán đã đặt một camera quan sát được nối với trung tâm quản lý, nhân viên Mama Fanbox sẽ hướng dẫn khách cụ thể qua hệ thống loa, nhờ đó không ai gặp rắc rối. Qua một ngày, nhân viên đến dọn dẹp và thu tiền bán hàng của ngày hôm trước, lúc này chủ cửa hàng mới biết khách có trả đủ tiền hay không.

Bán hàng bằng niềm tin

Đào Khánh Hiệp, ông chủ của Mama Fanbox chia sẻ, anh có khoảng thời gian 6 tháng ở Nhật Bản. Anh thấy được văn hóa của người Nhật rất hay, có hệ thống cửa hàng không người quản lý gọi là mini shop cho thấy sự trung thực của người Nhật.

Nhiều vùng ở Nhật không có nông dân. Ban ngày họ vẫn đến công sở, ngoài giờ làm họ trồng trọt thêm. Sau khi thu hoạch, họ đóng gói sản phẩm, dán giá và để thùng tiền bên cạnh. Người mua cứ theo giá niêm yết mà tự bỏ tiền vào thùng. Cuối ngày, trên đường đi làm về, họ ghé đem thùng tiền về nhà. Người Nhật tự hào khẳng định động từ “ăn cắp vặt” gần như đã biến mất trong từ điển.

Do đó, anh quyết định đem mô hình này về Việt Nam và áp dụng với tên gọi là Mama Fanbox – Chiếc hộp nhỏ đáng yêu của fan vì ngưỡng mộ sự trung thực của người Nhật và với niềm tin có thể xây dựng một nét đặc trưng về văn hóa cùng fan của Mama Chocolate.

Anh Hiệp chia sẻ, cửa hàng đầu tiên anh mở tại Liễu Giai vẻn vẹn với số vốn hơn 90 triệu, nhưng chỉ sau một mùa Valentine là anh đã thu về số vốn ban đầu này. Từ đó anh tiếp tục mở rộng thêm, đến nay Mama Fanbox đã có hệ thống cửa hàng tại Hà Nội và Hải Phòng. “Chi phí ít, chủ yếu ứng dụng công nghệ trong quản lý, với hệ thống 4 cửa hàng chỉ cần 2 nhân viên hướng dẫn khách hàng trong giai đoạn đầu khi chưa nhiều người biết cách sử dụng”, anh Hiệp cho biết.

Khách hàng tự quét mã vạch thanh toán.
Khách hàng tự quét mã vạch thanh toán.

Mặc dù các cửa hàng đã đem lại lợi nhuận tốt nhưng chủ chuỗi cửa hàng này cho biết, không đặt lợi nhuận lên trên hết. Anh Hiệp chia sẻ, ban đầu khách hàng đến với mình có thể vì tò mò nhưng để họ ở lại phải là chất lượng sản phẩm. Do đó, anh không ngừng đầu tư vào sáng tạo, nghiên cứu để hoàn thiện chuỗi sản xuất, cho ra đời những sản phẩm chất lượng tốt nhất.

Điểm đặc biệt nhất và ý nghĩa nhất mà Mama Fanbox đem lại, đó chính là đem lại “niềm tin” cho cả người bán và người mua. Chủ cửa hàng này cho biết, nếu muốn khách hàng trung thực, cần phải tin tưởng họ đã. Khi trao niềm tin trước bạn sẽ nhận lại được điều tương tự từ khách hàng của mình.

“Tôi cho rằng việc trao niềm tin cũng giống như việc cho và nhận. Tôi rất tin tưởng vào khách hàng của mình, tôi muốn cùng họ tạo nên một văn hóa tiêu dùng mới để thay đổi cách nhìn nhận của người Việt về người Việt. Tôi muốn lồng ghép văn hóa tiêu dùng vào sản phẩm và tìm ra được những khách hàng tử tế và lan tỏa sự tử tế đó ra ngoài. Rất nhiều người tốt xung quanh chúng ta, họ chỉ chưa có chỗ để thể hiện mà thôi. Nhiều người coi Fanbox giống như ở nhà, họ đến quét sàn, lau nhà, tưới cây… làm mình cảm thấy rất vui”, anh Hiệp cho hay.

Ở Việt Nam, các doanh nghiệp (DN) vẫn quen kinh doanh dựa trên lợi thế về chi phí nhân công thấp nhưng đó không còn là lợi thế, khi chi phí nhân công tại Việt Nam đang tăng lên. Vì thế các DN cần phải tăng cường đổi mới, sáng tạo để có thể sản xuất ra các sản phẩm có chất lượng, sáng tạo và mang lại lợi nhuận lớn hơn. Theo các chuyên gia, sáng tạo không chỉ mang lại sự tăng trưởng đột phá cho DN mà còn làm thay đổi chiến lược của một DN.

Theo Báo Tin tức

TIN LIÊN QUAN