Nỗ lực dập dịch cứu lúa

25/08/2017 22:39

(Baonghean) - Thống kê của Chi cục Trồng trọt và BVTV tỉnh cho thấy, đến thời điểm hiện tại, đã có trên 27 nghìn ha lúa Hè thu - Mùa nhiễm các loại sâu bệnh hại nguy hiểm, đòi hỏi những biện pháp phòng trừ kịp thời và hiệu quả nếu không muốn ảnh hưởng nặng nề năng suất.

Dịch bệnh lây lan nhanh chóng

Hiện tại, các trà lúa mùa trên địa bàn huyện Nghĩa Đàn đang ở giai đoạn đẻ nhánh - làm đòng, nhưng nhiều đối tượng sâu bệnh đang phát sinh, gây hại và có khả năng lây lan trên diện rộng, trong đó đáng lo ngại nhất là rầy các loại.

Trưởng trạm Trồng trọt và BVTV huyện, ông Nguyễn Viết Trung lo ngại: Rầy phát sinh gây hại và gia tăng mật số một cách nhanh chóng trên các trà lúa với mật độ cao và diện rộng, phổ biến 500 - 600 con/m2, nơi cao 1.000 – 1.500 con/m2, cục bộ trên một số ổ rầy có mật độ trên 3.000 con/m2.

Toàn huyện hiện có hơn 1000ha nhiễm rầy tại các xã Nghĩa Long, Nghĩa Lộc, Nghĩa Minh… Tuy nhiên đến nay diện tích phòng trừ chỉ được khoảng 650ha và nguy cơ cháy rầy sẽ xảy ra trên diện rộng ảnh hưởng lớn đến năng suất lúa vụ mùa. Ngoài ra, toàn huyện hiện có 250 ha bị bệnh khô vằn, tập trung chủ yếu trên trà lúa mùa tại các xã Nghĩa Khánh, Nghĩa Đức, Nghĩa Long…

Nông dân Hưng Nguyên phun thuốc diệt rầy sâu hại lúa. Ảnh: Thanh Tâm
Nông dân Hưng Nguyên phun thuốc diệt rầy sâu hại lúa. Ảnh: Thanh Tâm

Vụ hè thu năm nay, 9 sào lúa của gia đình ông Trương Sỹ Tiệp, xóm 1 xã Diễn Cát, Diễn Châu gần như không còn cho thu hoạch do cháy rầy và bạc lá từ khi bắt đầu trổ. Sau bão số 2, sâu bệnh và rầy phát sinh gây hại mạnh, dù ông đã mua thuốc phun phòng trừ 3 lần nhưng vẫn không ăn thua.

Ông Nguyễn Văn Trường, cán bộ nông nghiệp xã Diễn Cát cho hay: Từ khi lúa cuối thời kỳ con gái, rầy đã xuất hiện, mạnh nhất thời điểm cuối tháng 7, đầu tháng 8 khi lúa chuẩn bị trổ đến chín sữa. Tuy xã đã tập trung chỉ đạo phòng trừ nhưng mật độ và diện tích rầy phát triển quá nhanh. Hiện đã có gần 70 ha nhiễm rầy, trong đó trên 1,4 ha đã bị “cháy”, nhiều hộ dân đã phun 2- 3 lần nhưng cơ bản vẫn không hiệu quả. Không riêng gì Diễn Cát mà nhiều xã khác ở Diễn Châu, nông dân cũng đứng ngồi không yên vì sâu, bệnh trên lúa.

Theo thống kê, toàn tỉnh hiện có trên 3.000 ha nhiễm rầy, trong đó có trên 100 ha nhiễm nặng xuất hiện ở hầu hết các địa phương; 216 ha lúa nhiễm sâu, tập trung tại các huyện Con Cuông, Hưng Nguyên… Ngoài ra, sâu non cuốn lá nhỏ lứa 6 đã bắt đầu phát sinh gây hại cục bộ tại một số vùng. Diện tích nhiễm bệnh lùn sọc đen cũng tăng khá nhanh, hiện đã có 676,5 ha nhiễm bệnh trong đó có 164 ha nhiễm nặng...

Nỗ lực phòng trừ sâu bệnh hại lúa

Những ngày này, ngành nông nghiệp và các địa phương đã và đang tập trung nhiều giải pháp nhằm hạn chế đến mức thấp nhất tác hại do sâu bệnh gây ra. Tại Nghĩa Đàn, toàn bộ nhân lực của Trạm Trồng trọt và BVTV huyện đều ứng trực 100% quân số để phòng, chống dịch bệnh.

Trạm trưởng Nguyễn Viết Trung cho hay: Kể cả ngày nghỉ thứ Bảy, Chủ nhật, chúng tôi vẫn yêu cầu cán bộ phụ trách vùng bám sát cơ sở nhằm theo dõi sát diễn biến phát sinh, phát triển của từng loại sâu bệnh hại nhằm có biện pháp xử lý kịp thời đồng thời tăng cường công tác điều tra phát hiện, dự tính dự báo kịp thời để UBND các xã và khuyến nông viên, BVTV cơ sở cùng phối hợp chỉ đạo phòng trừ khi sâu có mật độ gây hại cao.

Ảnh sâu cuốn lá
Ảnh sâu cuốn lá. Ảnh minh họa

Hiện tại, dự báo sâu non cuốn lá nhỏ lứa 6 sẽ nở rộ vào khoảng thời gian từ 12/8 đến 17/8, thời gian phòng trừ chỉ từ 15- 25/8, vì thế toàn bộ nhân lực đang tập trung chỉ đạo, hướng dẫn phòng trừ trên những diện tích có mật độ sâu non từ 50c/m2 trở lên ở giai đoạn lúa đẻ nhánh và 30 con/m2 trở lên đối với lúa ở thời kỳ lúa ôm đòng, trổ bằng các loại thuốc đặc hiệu theo liều lượng khuyến cáo khi sâu ở tuổi nhỏ. Với các đối tượng sâu bệnh hại khác cũng có những biện pháp chỉ đạo phù hợp.

Tại Diễn Châu, rầy và bạc lá phát sinh gây hại từ cuối tháng 7 nhưng gây hại mạnh nhất từ giai đoạn lúa trổ. Ông Nguyễn Văn Phú -Trưởng trạm Trồng trọt và BVTV huyện cho biết, đến ngày 10/8, diện tích còn nhiễm rầy là 264,4 ha, trong đó 80,3 ha nhiễm nhẹ, 70 ha nhiễm trung bình và 45,8 ha nhiễm ở mức độ nặng.

Theo ông Nguyễn Tiến Đức - Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và BVTV tỉnh, hiện nay và trong thời gian tới, tất cả các loại bệnh đều có xu hướng phát sinh, lây lan trên diện rộng, ảnh hưởng nặng đến năng suất vụ hè thu - mùa thậm chí lây lan gây hại sang cả những vụ sau. Các địa phương và ngành chức năng cần phối hợp chặt chẽ, phân công cán bộ bám sát cơ sở, phân vùng, phân trà để điều tra xác định rõ những diện tích cần phòng trừ để tuyên truyền, chỉ đạo nông dân thực hiện phòng trừ kịp thời, tránh tình trạng chủ quan không phun hoặc phun thuốc ở những diện tích không cần phun gây tốn kém và ảnh hưởng đến môi trường.

Đồng thời chủ động cân đối ngân sách địa phương để hỗ trợ nông dân ở những vùng có rầy, sâu bệnh hại phát sinh, gây hại lớn. Tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát việc kinh doanh thuốc BVTV để phát hiện và xử lý nghiêm những trường hợp kinh doanh thuốc ngoài danh mục, thuốc giả, thuốc kém chất lượng, ảnh hưởng đến chất lượng phòng trừ.

Phú Hương

TIN LIÊN QUAN