Quân đội nhường đất cho Đà Nẵng phát triển
Để có một Đà Nẵng khang trang như ngày nay, chính quyền TP đã làm một cuộc “đàm phán” lớn và quân đội đã đồng ý nhượng lại cho TP hơn 2.000ha đất quân sự.
Đường Sơn Trà - Điện Ngọc (TP Đà Nẵng) trước đây vốn là sân bay quân sự. Ảnh: Hữu Khá |
Trong đó có những địa điểm được cho là nhạy cảm liên quan đến an ninh quốc phòng. Nhưng vì nghĩ về đại cuộc cho sự thịnh vượng của một đô thị ven biển miền Trung, vì tương lai của người dân TP, mọi thứ đã được sắp xếp ổn thỏa, hài hòa.
Nhường đất để phục vụ dân
Ông Nguyễn Điểu, nguyên giám đốc Sở Tài nguyên - môi trường TP Đà Nẵng, kể rằng trong cuộc đời 23 năm làm giám đốc của mình ông dành gần 20 năm để tiếp xúc với bên quân đội vì một mục đích kiên trì là muốn phía quân đội nhượng đất để phát triển TP, để phục vụ cuộc sống người dân.
Ngày nay, đi trên con đường rộng rãi ven biển dọc Sơn Trà - Điện Ngọc, từ Đà Nẵng kéo dài vào Hội An, ít ai nghĩ sau lưng nó là một cuộc thương lượng bền bỉ giữa chính quyền Đà Nẵng và quân đội.
Nhiều vị trí được cho là khá nhạy cảm về trận địa phòng thủ như đất của sân bay Nước Mặn, đất đường Nguyễn Tất Thành, đường 2-9. Nhưng nếu không có những tuyến đường huyết mạch này thì Đà Nẵng sẽ vĩnh viễn là một đô thị manh mún, không được quy hoạch khang trang như ngày nay.
Ông Điểu nói rằng để di chuyển một đơn vị quân đội đến “định cư” tại nơi mới thì TP Đà Nẵng phải có trách nhiệm với Bộ Quốc phòng. Quan điểm của lãnh đạo TP Đà Nẵng lúc bấy giờ là phối hợp hỗ trợ để đơn vị quân đội khi đến địa điểm mới có cơ sở vật chất, hạ tầng khang trang, kiên cố hơn.
“Để làm được việc này, tôi phải gặp nhiều chuyên gia quân sự, họ cũng nói rằng chiến tranh hiện đại thì các trận địa, cơ sở quân đội nằm ở các vị trí đất đai đắc địa không phù hợp nên cần phải di dời. Các kho bom của Mỹ ở Đà Nẵng trước đây ở gần sân bay nhưng nay hoàn toàn có thể di dời ra khỏi TP đến nơi khác tốt hơn, an toàn hơn trong thời bình” - ông Điểu kể.
Kết quả của sự kiên trì
Ông Điểu kể rằng khi làm cầu Thuận Phước, ông Nguyễn Bá Thanh không dám nghĩ đường Lê Đức Thọ sẽ chạy qua khu doanh trại quân đội được cho là cực kỳ quan trọng, không thể di dời và bên quân đội cũng không đồng ý di dời. Nhưng sau mấy năm thương lượng, bên quân đội đã đồng ý dời khu doanh trại quân đội này cho TP làm đường.
Ông Điểu cũng nhấn mạnh nếu TP không kiên trì thì đường Sơn Trà - Điện Ngọc không thẳng như hiện nay mà phải cong xuống sát biển, vì bên quân đội cho rằng phần đất mà TP muốn quân đội nhường để làm đường này là kho vũ khí phòng thủ.
“Lúc đó gần như bế tắc. Nhưng anh Thanh bảo tôi phải đi tìm hiểu thật sự cái kho đó quan trọng đến mức nào và chứng minh được sự thật nó ít quan trọng để xin ý kiến Chính phủ. Cuối cùng tôi phải đi làm 2 tháng mới ra và sự thật thì quy mô nó không lớn như người ta nói. Mà kho đạn để gần biển, gần TP cũng không hay” - ông Điểu kể.
Còn kiến trúc sư Hoàng Quang Huy, chủ tịch Hội Quy hoạch Đà Nẵng, cho biết khi Đà Nẵng trở thành TP trực thuộc trung ương năm 1997, cơ sở hạ tầng rất yếu kém, đường sá nhỏ hẹp, trong khi đất quốc phòng khá nhiều.
“Chính nhờ quyết tâm của lãnh đạo TP trong các cuộc làm việc đầy thiện chí với Bộ Quốc phòng nên đã được bàn giao lại một quỹ đất lớn. Khi có được quỹ đất, TP Đà Nẵng đã thiết lập quy hoạch đô thị bài bản, mở rộng đường sá, xây dựng các khu dân cư, khu du lịch” - ông Huy nhớ lại.
Di dời cả trăm doanh trại quân đội Theo ông Nguyễn Điểu, khi làm đường Sơn Trà - Điện Ngọc, có đến 30 đơn vị doanh trại quân đội phải di dời. Tương tự, khi làm tuyến đường Liên Chiểu - Thuận Phước cũng phải di dời khoảng 30 đơn vị quân đội. Và tính cả TP Đà Nẵng thì không dưới 100 đơn vị quân đội phải di dời để nhường đất cho TP phát triển. |
Theo Tuổi trẻ
TIN LIÊN QUAN |
---|