Hơn 5000 quyết định xử phạt vi phạm hành chính chưa được thi hành

09/06/2017 17:55

(Baonghean.vn)– Trong 5 tháng đầu năm, toàn tỉnh vẫn còn 5.006 quyết định xử phạt vi phạm hành chính chưa thi hành, 5 quyết định bị khiếu nại.

Đó là thông tin được nêu ra tại cuộc làm việc của Ban Pháp chế HĐND tỉnh với Sở Tư pháp về công tác theo dõi thi hành pháp luật và quản lý công tác pháp luật về xử lý vi phạm hành chính.

Quang cảnh cuộc làm việc. Ảnh: Mai Hoa
Quang cảnh cuộc làm việc. Ảnh: Mai Hoa

Theo báo cáo của Sở Tư pháp, ngoài theo dõi chung tình hình thi hành pháp luật theo Nghị định số 59/2012/NĐ-CP, ngày 23/7/2012 của Chính phủ, hàng năm, Sở đã lựa chọn một số lĩnh vực trọng tâm, như theo dõi thi hành pháp luật về hỗ trợ doanh nghiệp; an toàn vệ sinh thực phẩm; áp dụng biện pháp xử lý hành chính giáo dục ở cấp xã...

Bên cạnh đó, việc quản lý công tác pháp luật về xử lý vi phạm hành chính cũng tăng cường chỉ đạo có trọng tâm, như xử lý vi phạm hành chính trong bảo vệ rừng; thẩm quyền xử lý hành chính của Chủ tịch UBND cấp huyện và cấp xã; xử lý vi phạm hành chính trong quản lý thị trường...

Kết quả công tác xử phạt vi phạm hành chính, trong 5 tháng đầu năm 2017, các chức danh có thẩm quyền xử lý vi phạm hành chính trên địa bàn tỉnh đã tiến hành kiểm tra và phát hiện 11.346 vụ vi phạm hành chính; trong đó có 105.567 vụ bị xử phạt. Các cấp, các ngành, cơ quan, đơn vị ban hành 109.333 quyết định xử phạt vi phạm hành chính, trong đó đã thi hành 105.827 quyết định, đạt 96,3%.

Số tiền phạt thu hơn 80 tỷ đồng; số tiền thu từ bán, thanh lý tang vật, phương tiện bị tịch thu hơn 6,5 tỷ đồng.

Tuy nhiên, theo bà Nguyễn Thị Quế Anh – Phó Giám đốc Sở Tư pháp, liên quan đến công tác theo dõi thi hành pháp luật thì vẫn còn nhiều sở, ngành, địa phương chưa quan tâm bố trí kinh phí và con người thực hiện nhiệm vụ này; nhất là đối với cấp huyện mới chỉ bố trí 1 cán bộ nhưng phải kiêm nhiệm nhiều công việc “3 – 5 trong 1”.

Cảnh sát giao thông kiểm tra việc chấp hành luật pháp về an toàn giao thông.. Ảnh tư liệu
Cảnh sát giao thông kiểm tra việc chấp hành luật pháp về an toàn giao thông. Ảnh tư liệu

Về công tác xử lý vi phạm hành chính, trong 5 tháng đầu năm vẫn còn 5.006 quyết định chưa thi hành. Nguyên nhân do tổ chức, cá nhân vi phạm không đủ khả năng kinh tế để thi hành quyết định xử phạt; một số đối tượng không chấp hành quyết định xử phạt. Trong khi đó việc tổ chức cưỡng chế thi hành gặp nhiều khó khăn, chi phí để tổ chức lực lượng cưỡng chế thi hành quyết định xử phạt lớn hơn nhiều lần so với mức tiền phạt.

Bà Nguyễn Thị Quế Anh cũng nêu một số bất cập, khó khăn trong quá trình thi hành pháp luật về xử lý vi phạm hành chính. Ví dụ trong Luật xử lý vi phạm hành chính quy định thẩm quyền tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính bị giới hạn theo thẩm quyền phạt tiền làm phát sinh nhiều vụ việc vi phạm vượt quấ thẩm quyền xử phạt của cơ quan cấp dưới vị dồn lên cấp trên giải quyết, không đảm bảo tính kịp thời trong việc xử phạt vi phạm.

Hay đối với tang vật, phương tiện đang bị tam giữ do bị chiếm đoạt, sử dụng trái phép để vi phạm hành chính thuộc trường hợp vị tịch thu thì trả lại cho chủ sở hữu, người quản lý hoặc người sử dụng hợp pháp. Trong trường hợp này, cá nhân, tổ chức vi phạm phải nộp một khoản tiền tương đương giá trị tang vật, phương tiện vi phạm vào ngân sách. Tuy nhiên việc áp dụng trong thực tiễn khó khăn, do các tài sản, phương tiện vi phạm có giá trị lớn, trong khi đó người thực hiện hành vi vi phạm đa số là làm thuê, thu nhập thấp, không có khả năng thi hành quyết định xử phạt...

Bà Thái Thị An Chung - Phó trưởng ban Pháp chế HĐND tỉnh chủ trì cuộc giám sát
Bà Thái Thị An Chung - Phó Trưởng ban Pháp chế HĐND tỉnh phát biểu tại cuộc làm việc. Ảnh: Mai Hoa

Kết thúc cuộc làm việc, thay mặt Ban Pháp chế HĐND tỉnh, bà Thái Thị An Chung – Phó Trưởng ban Pháp chế HĐND tỉnh đã chia sẻ những khó khăn của ngành trong việc triển khai nhiệm vụ theo dõi thi hành pháp luật và quản lý công tác pháp luật về xử lý vi phạm hành chính, do đây là lĩnh vực mới, cơ chế, thể chế chưa rõ; có nhiều việc không mới nhưng phạm vi rộng, nhiều cơ quan thực hiện.

Đồng thời đề nghị Sở tiếp tục bám vào các quy định hiện hành để triển khai thực hiện nhiệm theo dõi thi hành pháp luật thật sát và đúng; cần chọn chuyên đề trọng tâm, đi vào các kiến nghị xử lý cụ thể, nâng cao hiệu quả trong điều kiện kinh phí và nhân lực con người hạn chế. Liên quan đến nhiệm vụ quản lý công tác pháp luật về xử lý vi phạm hành chính,

Phó trưởng ban Pháp chế cho rằng, Sở cần quan tâm tập huấn nghiệp vụ nhằm chấn chỉnh các sai sót và tránh bị khiếu nại đối với các quyết định xử phát hành chính ở từng cấp, từng ngành. Về một số kiến nghị của ngành sẽ được Ban Pháp chế HĐND tỉnh tổng hợp để kiến nghị đến HĐND, UBND và các ngành tháo gỡ trong thời gian tới.

Mai Hoa

TIN LIÊN QUAN