Bộ Tài chính đề xuất phương án thuế mới với ô tô dưới 9 chỗ
Nếu đề xuất của Bộ Tài chính được Chính phủ thông qua, ô tô nội sẽ giảm giá nếu tăng cao tỉ lệ nội địa hóa, thuế linh kiện phụ tùng có thể về 0%.
Bộ Tài chính vừa công bố dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt (thuế TTĐB) đối với mặt hàng ô tô.
Theo Bộ Tài chính, việc điều chỉnh thuế lần này nhằm thực hiện chiến lược phát triển ngành công nghiệp ô tô, đồng thời, khuyến khích doanh nghiệp nâng cao tỷ lệ nội địa hóa, hạ giá thành sản phẩm, nâng cao năng lực cạnh tranh giữa ô tô sản xuất trong nước và ô tô nhập khẩu trước bối cảnh hội nhập.
Theo Bộ Tài chính, đối với linh kiện phụ tùng ô tô, nếu đáp ứng được tiêu chí sản lượng, tỷ lệ nội địa hóa thì thuế linh kiện sẽ theo đề xuất là về 0%. |
Theo quy định hiện hành, giá tính thuế TTĐB đối với ô tô hiện nay là giá do cơ sở sản xuất, cơ sở nhập khẩu bán ra. Tuy nhiên, theo đánh giá của Bộ Công thương, quy định này chưa khuyến khích được doanh nghiệp nâng cao tỷ lệ nội địa hóa, chưa tạo điều kiện cho ô tô trong nước cạnh tranh với ô tô nhập khẩu.
Cuối tháng 4 vừa qua, trong một văn bản về vấn đề này, Bộ Công thương cũng báo cáo liên quan tới tỷ lệ nội địa hóa đối với xe cá nhân dưới 9 chỗ ngồi còn thấp so với mục tiêu đề ra. Chính vì thế, Bộ Công thương đã đề xuất thay đổi giá tính thuế TTĐB đối với phần giá trị gia tăng tạo ra trong nước là linh kiện phụ tùng.
Trên cơ sở đó, Bộ Tài chính trình Chính phủ 2 phương án, gồm: Phương án 1, giá tính thuế TTĐB đối với mặt hàng ô tô từ 9 chỗ ngồi trở xuống sản xuất trong nước là giá do cơ sở sản xuất bán ra trừ đi giá trị linh kiện, phụ tùng sản xuất trong nước.
Phương án 2, giá tính thuế TTĐB đối với mặt hàng ô tô từ 9 chỗ ngồi trở xuống được thực hiện theo quy định hiện hành (giá do cơ sở sản xuất bán ra không trừ giá trị linh kiện, phụ tùng sản xuất trong nước). Qua đó, Bộ Tài chính đề nghị thực hiện theo phương án 1.
Bên cạnh thuế TTĐB, Bộ Tài chính sẽ báo cáo Chính phủ quy định mức thuế suất thuế nhập khẩu cụ thể đối với loại hàng hóa này. “Đối với linh kiện phụ tùng ô tô, nếu đáp ứng được tiêu chí sản lượng, tỷ lệ nội địa hóa thì thuế linh kiện sẽ theo đề xuất là về 0% để vừa thực hiện chiến lược phát triển ngành công nghiệp ô tô, vừa tăng tỷ lệ nội địa hóa”, ông Phạm Đình Thi thông tin.
Tuy nhiên, ông Phạm Đình Thi, Vụ trưởng Vụ Chính sách thuế, thừa nhận việc thực hiện chính sách này có nguy cơ vi phạm cam kết WTO. “Có nước cũng thực hiện chính sách này. Còn mức độ bị kiện hay không tùy thuộc vào tình hình sản xuất của các nước nữa. Vì điều này dễ dẫn đến vi phạm quy định của WTO nên Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ đã yêu cầu Bộ Tư pháp, Bộ Công Thương đánh giá đầy đủ nội dung trên”, ông Thi cho biết.
Ông Thi cũng cho biết, các doanh nghiệp Nhật Bản đang có hướng đầu tư nhà máy phụ tùng ở Việt Nam, phục vụ phần nhỏ cho trong nước còn phần lớn sẽ xuất khẩu.
Nếu đề xuất này được thông qua, giá xe ô tô sản xuất trong nước có thể giảm đáng kể, có khả năng cạnh tranh với xe ô tô nhập khẩu.
Quy định thuế TTĐB với ô tô thân thiện với môi trường Bộ Tài chính cũng vừa trình Chính phủ quy định rõ xe ô tô chạy bằng xăng kết hợp với năng lượng điện (xe nạp điện bằng hệ thống sạc điện riêng). Đại diện Bộ Tài chính cho hay, quy định nêu trên nhằm khuyến khích người tiêu dùng sử dụng các loại xe thân thiện với môi trường, gồm loại hai động cơ là xăng và điện. Trong điều kiện bình thường, xe chủ yếu chạy bằng động cơ điện, động cơ xăng có tính chất dự phòng, lượng khí thải ra môi trường thấp hơn nhiều so với loại xe ô tô thông thường khác. Theo Luật Thuế TTĐB hiện hành, xe ô tô chạy bằng xăng kết hợp với năng lượng điện, năng lượng sinh học, trong đó tỷ trọng xăng sử dụng không quá 70% số năng lượng sử dụng áp dụng thuế suất thuế TTĐB bằng 70% mức thuế suất áp dụng cho xe cùng loại. Tuy nhiên, do chưa quy định rõ nên một số doanh nghiệp đề nghị áp dụng ưu đãi thuế TTĐB đối với xe Hybrid (năng lượng điện có được do chuyển hóa từ nhiên liệu xăng, như các xe Lexus dòng HL, Prius, Camry hybrid, Honda Insight). |
Theo Báo Tiền phong
TIN LIÊN QUAN |
---|