Thanh Chương: Gần 5.000 ha lúa hè thu bị nhiễm sâu cuốn lá

13/07/2017 14:59

(Baonghean.vn) - Vụ hè thu năm nay huyện Thanh Chương gieo cấy 5.500 ha lúa, thời điểm này, một số trà sớm đã đứng cái làm đòng; hiện sâu cuốn lá nhỏ đang phát triển gây hại nặng trên diện tích gần 2.000ha.

Qua kiểm tra của Trạm Trồng trọt và Bảo vệ thực vật huyện, đến 10/7/2017, sâu cuốn lá trưởng thành lứa 4 đang bắt đầu vũ hóa rộ tạo nên sâu non lứa 5 với mật độ cao trên diện rộng, gây hại trên lúa hè thu thời kỳ đẻ nhánh làm đòng.

Sâu cuốn lá ăn chất diệp lục làm quăn lá lúa ản hưởng đến sự phát triển của cây lúa.Ảnh: Đình Hà
Sâu cuốn lá ăn chất diệp lục làm quăn lá lúa, ảnh hưởng đến sự phát triển của cây lúa. Ảnh: Đình Hà

Theo ông Nguyễn Như Quân - Trạm phó Trạm BVTV Thanh Chương, số diện tích bị nhiễm khoảng 5.000 ha, ở hầu khắp các địa phương trong huyện. Đặc điểm của sâu cuốn lá là rất khó phát hiện, nếu không phát hiện sớm và phòng trừ kịp thời khi nhìn lá lúa đã bị quăn lại, chuyển sang màu trắng thì quá muộn. Đặc biệt ở lứa 5 sâu có hiện tượng gối lứa, do đó thời gian phát sinh gây hại của sâu non sẽ kéo dài hơn so với lứa 4.

Để chủ động phát hiện và phòng trừ kịp thời, hiệu quả đối với sâu cuốn lá nhỏ lứa 5, huyện đã chỉ đạo Trạm Trồng trọt và Bảo vệ thực vật làm đầu mối để tổ chức cho các xã, thị trấn phối hợp tiến hành kiểm tra, phân trà, phân vùng theo dõi sát diễn biến phát sinh gây hại của sâu cuốn lá nhỏ trên đồng ruộng; tuyên truyền, hướng dẫn và chỉ đạo phòng trừ có hiệu quả trên những diện tích có mật độ sâu cao. Tránh để xảy ra tình trạng nông dân không phòng trừ do chủ quan, thiếu thông tin.

Ông Nguyễn Như Quân (giữa) - Trạm phó Trạm BVTV huyện Thanh Chương đang hướng dẫn người dân xã Thanh Đồng cách phát hiện sâu trên lá lúa. Ảnh: Đình Hà
Ông Nguyễn Như Quân (giữa) - Trạm phó Trạm BVTV huyện Thanh Chương đang hướng dẫn người dân xã Thanh Đồng cách phát hiện sâu trên lá lúa. Ảnh: Đình Hà

Trạm Trồng trọt và Bảo vệ thực vật huyện cũng khuyến cáo, bà con nông dân phun trừ trên những diện tích có mật độ sâu non từ 50 con/m2 trở lên đối với lúa ở thời kỳ đẻ nhánh, 30 con/m2 trở lên đối với lúa ở thời kỳ làm đòng. Phun trừ bằng các loại thuốc đặc hiệu có hoạt chất: Indoxacarb (Ammate 150SC, Clever 150 SC, 300 WG, Sunset 300 WG ,Opulent 150SC, Obaone 95WG,…), Chlorantraniliprole (Prevathon 5SC, Voliam targo 063SC, Virtako 40WG,…), Flubendiamide (Takumi 20WG,…).

Thời gian phun hiệu quả nhất khi đa số sâu ở tuổi 1 - 3; khi phun cần đảm bảo lượng nước, thuốc theo khuyến cáo và đúng kỹ thuật.

Người dân xã Thanh Lĩnh (Thanh Chương) đang tích cực phun thuốc phòng trừ sâu cuốn lá lứa 5. Ảnh: Đình Hà
Người dân xã Thanh Lĩnh (Thanh Chương) đang tích cực phun thuốc phòng trừ sâu cuốn lá lứa 5. Ảnh: Đình Hà

Cùng với đó, huyện cũng giao cho Trạm BVTV, các xã và các ngành chức năng tăng cường kiểm tra việc kinh doanh, sử dụng thuốc bảo vệ thực vật trên địa bàn. Phát hiện, ngăn chặn kịp thời việc buôn bán thuốc kém chất lượng, thuốc ngoài danh mục, quá hạn sử dụng,... làm ảnh hưởng đến kết quả phòng trừ./.

Đình Hà

TIN LIÊN QUAN