Phát hiện mới về muỗi gây sốt xuất huyết

18/08/2017 15:03

“Chúng tôi rất ngạc nhiên khi giám sát thấy có muỗi vằn truyền bệnh sốt xuất huyết mà không thấy ổ bọ gậy. Thực tế, chúng đã có những chỗ ở mới, rất kín đáo”.

Mẫu muỗi phục vụ nghiên cứu phòng dịch bệnh.
Mẫu muỗi phục vụ nghiên cứu phòng dịch bệnh.

Đó là nhận xét của TS Trần Vũ Phong, Trưởng khoa Côn trùng và động vật y học (Viện Vệ sinh dịch tễ T.Ư, Bộ Y tế). Là người có nhiều năm tham gia thực hiện giám sát về muỗi và côn trùng, TS Phong cho biết: “Chúng tôi cũng cố gắng tìm hiểu vì sao tại các ổ dịch sốt xuất huyết có muỗi truyền bệnh mà không thấy ổ bọ gậy. Cuối cùng, khi lật các tủ lạnh ra thì thấy các khay chứa nước đọng dưới tủ lạnh trong các gia đình có rất nhiều ổ bọ gậy.

Thực tế cho thấy muỗi vằn truyền bệnh sốt xuất huyết ngày càng khôn hơn, tinh ranh hơn. Có những ổ bọ gậy mà bình thường chúng ta không thể ngờ tới. Loài muỗi này đã tìm đến những nơi mà con người không phát hiện ra được để đẻ trứng. Đây là một khó khăn rất lớn trong phòng chống sốt xuất huyết”, chuyên gia này nhận xét.

Để phun hóa chất diệt muỗi vằn, các nhà chuyên môn đã phải lên những giờ "vàng" khi chúng đi “ăn” để tiêu diệt. Trong đó, giờ hoạt động cao điểm của muỗi vằn là lúc sáng sớm và chiều tối.

Đặc biệt, theo các chuyên gia, muỗi vằn rất thích hút máu người và thường sống ở trong nhà, gần người. Chỉ con cái mới hút máu để có “dưỡng chất” cho trứng phát triển. Trong nhà, muỗi vằn thích trú ngụ ở những nơi tối, trên quần áo sẫm màu, quần áo mặc dở trên mắc chứ không đậu trên vách tường.

“Muỗi vằn rất tinh, chúng cảm nhận được người rất nhanh, sà vào đốt ngay khi chúng ta vừa bước vào nhà. Khi thức dậy ra khỏi màn thì chúng cũng đã kịp nhao đến”, TS Vũ Sinh Nam, chuyên gia của Viện Vệ sinh Dịch tễ T.Ư, người có hàng chục năm nghiên cứu về các loài muỗi, cho hay.

TS Nam lưu ý, trứng của muỗi vằn có thể bám trên bề mặt các vật dụng chứa nước và chịu khát rất lâu. Khi có nước mưa xuống và nắng lên, chúng lập tức phát triển thành những ổ bọ gậy, trưởng thành lứa muỗi mới và tìm đốt người. Một con muỗi cái nhiễm vi rút dengue gây sốt xuất huyết thì trứng, bọ gậy và lứa muỗi mới cũng mang vi rút này, tiếp tục đốt người, truyền vi rút gây bệnh khiến dịch lan nhanh.

Ông Nguyễn Nhật Cảm, Giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng Hà Nội, cho biết ngành y tế đang tiến hành phun thuốc diệt muỗi trên diện rộng toàn thành phố Hà Nội từ nay đến hết tháng 8. Đây là chiến dịch lớn, huy động nhiều lực lượng tham gia, trong đó có cả bộ đội và dân phòng. Tuy nhiên, việc phun thuốc diệt muỗi sẽ không thể dập dịch hoàn toàn nếu vẫn tồn tại các ổ lăng quăng/bọ gậy trong các hộ gia đình.

Sốt xuất huyết đến nay chưa có vắc xin phòng bệnh và chưa có thuốc điều trị đặc hiệu, biện pháp phòng bệnh chủ yếu và hiệu quả là diệt muỗi, diệt loăng quăng/bọ gậy và phòng muỗi đốt. Bộ Y tế khuyến cáo người dân thực hiện các biện pháp phòng dưới đây:

1. Đậy kín tất cả các dụng cụ chứa nước để muỗi không vào đẻ trứng.

2. Hàng tuần, thực hiện các biện pháp diệt loăng quăng/bọ gậy bằng cách thả cá vào dụng cụ chứa nước lớn, thau rửa dụng cụ chứa nước vừa và nhỏ, lật úp các dụng cụ không chứa nước, thay nước bình hoa, bỏ muối hoặc dầu vào bát nước kê chân chạn.

3. Hàng tuần, loại bỏ các vật liệu phế thải, các hốc nước tự nhiên, không cho muỗi đẻ trứng, như chai, lọ, mảnh chai, vỏ dừa, mảnh lu vỡ, lốp/vỏ xe cũ, hốc tre, bẹ lá...

4. Ngủ màn, mặc quần áo dài phòng muỗi đốt ngay cả ban ngày.

5. Tích cực phối hợp với ngành y tế trong các đợt phun hóa chất phòng, chống dịch./.

Theo TNO

TIN LIÊN QUAN