Đôi cánh của 1.000 con bồ câu nâng cuộc sống người đàn ông còn 3% sức khỏe

07/08/2017 16:37

Mất 97% sức khỏe, liệt nửa người nhưng người đàn ông ấy vẫn biết cách làm giàu trên đôi cánh của 1.000 con chim câu, tiên phong về làm kinh tế giỏi ở tỉnh Vĩnh Phúc…

Điểm tựa tinh thần

Những tia nắng cuối ngày rung rinh trên cánh của 1.000 con chim câu, soi hắt trên đôi mắt lấp lánh của chủ nhân chúng, anh Phạm Quang Trung người chỉ còn 3% sức khỏe. Ở thôn Mỹ Ân, xã Văn Quán (huyện Lập Thạch, tỉnh Vĩnh Phúc) ai nấy đều cảm phục anh bởi tuy mất 97% sức khỏe, bại liệt hoàn toàn nhưng vẫn biết làm giàu trên những đôi cánh của đàn bồ câu. Để có được thành công ngày nay, người có công lớn nhất phải kể đến chị Nguyễn Thị Xuân người “đầu gối tay ấp” luôn bên cạnh anh Trung trong những lúc khó khăn nhất.

07-05-16_nh_phm_qung_trung_bi_thuong_tt_97_dng_cho_bo_cu_njpg
Anh Phạm Quang Trung bị thương tật 97% đang cho bồ câu ăn

Nhớ lại thời còn thanh niên đang tràn đầy sức sống, Phạm Quang Trung kể, năm 16 tuổi do hoàn cảnh gia đình gặp nhiều khó khăn, không có điều kiện học tiếp, một mình anh vào Đăk Lăk để lập nghiệp, nhưng do không có kinh nghiệm trồng cà phê, tiêu nên được vài năm anh lại vào TP Hồ Chí Minh làm thợ xây. Sau 7 năm ở nơi xứ người, anh và chị cưới nhau rồi ngược ra Bắc vừa làm ăn vừa tiện chăm sóc mẹ già. Năm 2007, trong lúc xuống Hà Nội làm nghề chẳng may giàn giáo gẫy, anh bị ngã từ tầng 3 xuống.

Chị Nguyễn Thị Xuân bảo, lúc ấy đang mang bầu bé thứ 2, sắp đến ngày chuyển dạ thì nhận được thông báo chồng gặp tai nạn lao động nghiêm trọng đang cấp cứu ở bệnh viện Hà Nội. Mẹ chồng chị phải khăn gói lên Hà Nội thăm nom xem tình hình còn chị phải ở nhà với đứa con gái đầu mới hơn 4 tuổi. Ngày hôm sau, mẹ chồng nhắn tin anh Trung phải được bác sĩ mổ gấp nhưng tỉ lệ thành công chưa đến 50%, khi mổ xong nguy cơ bị liệt nửa người trên 60%. Nghe được hung tin về chồng, bản thân chị rất hoang mang, bao nhiêu nỗi buồn chị giấu hết vào trong để chuẩn bị cho bé thứ 2 của chị chào đời.

Đang lo lắng không biết chồng sắp phẫu thuật thế nào, bỗng nhiên bụng chị đau thắt lại, cơn đau của chuyển dạ báo hiệu đứa con sắp chào đời. Trong lúc chuẩn bị lên bàn mổ, chị cũng thầm động viên bản thân và chồng cùng nhau vượt qua ca phẫu thuật này.

Sau bao khó khăn, đứa con của chị cũng chào đời khỏe mạnh như bao đứa trẻ khác, anh Trung cũng phẫu thuật thành công. Tuy nhiên bác sĩ cho biết sau 5 tháng nếu anh Trung không đi được thì có thể anh sẽ bị liệt vĩnh viễn. Khi tỉnh dậy anh Trung mất hẳn cảm giác từ rốn xuống dưới chân, tuy nhiên vợ chồng anh vẫn hi vọng anh may mắn lành lại dù tỉ lệ không cao. Càng chờ càng tuyệt vọng, nửa năm trôi qua, mặc dù gia đình cố gắng chữa trị khắp nơi nhưng cũng không thể cứu chữa đôi chân anh bị liệt. Thời gian đó, anh Trung rơi vào trạng thái khủng hoảng tinh thần, bế tắc, chán nản…

Chị Xuân nhớ lại, hàng ngày do mặc cảm bản thân bị thương tật nên anh Trung thường hay cáu kỉnh, vớ được cái gì thì quăng, đập cái đấy, đồ đạc trong nhà chẳng có thứ gì anh không đập, gia tài 2 vợ chồng có cái ti vi đáng giá nhất cũng bị anh đập nát màn hình. Thương chồng đang lúc chán nản, chị Xuân không ngại khó, ngại khổ luôn cố gắng chăm sóc chồng như đứa con mới chào đời của mình. Nguôi ngoai được vài ngày, có lúc anh Trung lại muốn nghĩ quẩn tìm đến cái chết để đỡ khổ vợ khổ con, nên những vật sắc nhọn chị cũng không dám để gần anh. Còn có lần anh tháo xăng xe máy ra đổ đầy nhà, định kiếm lửa để tự thiêu nhưng may chị về kịp…

07-05-16_chi_nguyen_thi_xun_ben_nguoi_chong_chi_con_3_suc_khoejpg
Chị Nguyễn Thị Xuân bên người chồng chỉ còn 3% sức khỏe

Được hơn 1 năm, chị thương chồng ở trong nhà bị dột, con cái suốt ngày bị cảm lạnh khi trời trở rét nên bàn vay mượn làm nhà mới. Thấy vợ đã khó khăn còn muốn sửa nhà, anh Trung không đồng ý, ngăn cản thợ xây, đẩy đổ cả tường, nhưng chị Xuân vẫn quyết tâm làm. Dần dần ngôi nhà mới thành hình, lòng anh cũng nguôi ngoai.

Mô hình thoát khó

Trong lúc xem thợ làm nhà, thấy có thừa nhiều gỗ, tre, tiện búa, đinh anh thử đóng chuồng rồi nhử bầy chim thả xuống. Chúng chỉ sợ người có chân còn không sợ người đi xe lăn nên cứ theo xuống, làm quen dần và chịu cho bắt vào chuồng để nuôi. Từ đó, anh dành thời gian để nghiên cứu về cách nuôi chim bồ câu, hi vọng sẽ đem lại thu nhập trang trải các khoản sinh hoạt trong gia đình mà phù hợp với sức khỏe hiện tại của mình. Động lực lớn nhất giúp anh vượt qua mọi mặc cảm là nhìn 2 đứa con mỗi ngày mỗi lớn, khiến anh suy nghĩ trách nhiệm của người đàn ông trong gia đình khi không phụ giúp gì được vợ.

Khi những cái lồng chim thành hình, năm 2008 anh nuôi thử 150 đôi chim bồ câu, khi đó ở địa phương chưa có ai nuôi bồ câu, nên đầu ra của anh được tiêu thụ rất nhanh, từ đó anh Trung quyết tâm xây dựng mô hình nuôi chim bồ câu một cách bài bản.

Năm 2010, anh mạnh dạn vay Ngân hàng NN-PTNT hơn 20 triệu đồng để đóng chuồng chim bằng sắt và mua thêm 50 đôi chim bồ câu giống Pháp, do chưa có kinh nghiệm trong cách chọn giống và kỹ thuật phòng, chữa bệnh cho đàn chim, cho nên, lứa đầu tiên thất bại. Không nản lòng, anh ngày đêm tìm hiểu trên tivi, mua các loại sách, báo để nghiên cứu, trong quá trình tìm hiểu anh vỡ lẽ ra nhiều điều và hiểu hơn về đặc tính, quá trình sinh trưởng của chim bồ câu. Sau đó, anh ra Hà Nội đến Trung tâm Nghiên cứu giống gia cầm Thụy Phương mua 30 đôi chim câu giống ta về cho lai với giống Pháp, thấy chim đẻ được lứa đầu khỏe mạnh anh tiếp tục phát triển đàn. Năm 2015, số lượng chim trong chuồng có lúc lên đến gần 500 đôi, với hơn 80% là bồ câu lai.

07-05-16_mo_hinh_nuoi_chim_bo_cu_cu_nh_phm_qung_trungjpg
Mô hình nuôi chim bồ câu của anh Phạm Quang Trung

Hiện tại, trong chuồng nhà anh có gần 400 đôi chim bố mẹ, mỗi tháng trung bình bán từ 200 đến 300 đôi chim các loại, với giá chim giống khoảng 200 ngàn đồng/đôi, giá bồ câu thịt anh bán trên 100 ngàn đồng/đôi, sau khi trừ chi phí mỗi tháng anh thu lãi khoảng 6 triệu đồng từ mô hình này.

Nhìn đôi chim câu vừa mới sinh trong lồng, anh Trung chia sẻ: Từ lúc bị tai nạn lao động đến nay đã gần 11 năm, nguồn động viên tinh thần lớn nhất cho tôi là gia đình của tôi. Nhìn vợ chăm con nhỏ và mình chẳng khác gì nhau, tôi tự nghĩ mình không thể tiếp tục là gánh nặng cho vợ được nữa. Đến nay, mô hình nuôi chim bồ câu đã giúp tôi tự lo cho bản thân được, không phải phụ thuộc kinh tế vào vợ.

Tuy nuôi chim câu đem lại hiệu quả kinh tế cao nhưng anh không dám mở rộng thêm nữa vì sức khỏe hiện tại của anh không cho phép. Hiện, anh Trung chỉ mong có đủ sức khỏe để tiếp tục duy trì mô hình nuôi chim bồ câu, trang trải cuộc sống gia đình và nuôi hai con ăn học đến nơi đến chốn.

"Nhìn chồng bị liệt nửa người, con nhỏ vừa mới sinh, nhiều lúc tôi muốn bỏ tất cả để 1 mình vào trong Nam sống. Nhưng lúc đó nghĩ lại mình bỏ đi thì 3 bố con sẽ sống sao, trong khi bây giờ mình đang là trụ cột kinh tế và tinh thần trong gia đình này, sống ở nơi khác tuy sướng hơn nhưng lương tâm cắn rứt chắc cũng không vui vẻ gì. Hiện tại, anh Trung đã yêu đời hơn, ngày càng có trách nhiệm với gia đình, đứa con gái lớn cũng phụ mẹ được nhiều việc nhà, mọi thứ khó khăn trước kia tưởng chừng không vượt qua cuối cùng cũng tốt đẹp được như bây giờ", chị Xuân tâm sự.


Theo Mạnh Tuấn/nongnghiep.vn

TIN LIÊN QUAN