Khẳng định vai trò nòng cốt của doanh nghiệp đối với phát triển kinh tế - xã hội

26/07/2017 08:18

(Baonghean) - Đồng chí Lê Xuân Đại - Ủy viên BTV Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh trả lời phỏng vấn Báo Nghệ An

P.V: Năm 2016, với sự nỗ lực của cả hệ thống chính trị, sự cố gắng vượt qua khó khăn của cộng đồng doanh nghiệp, thu ngân sách của Nghệ An đã đạt được những kết quả nổi bật. Xin đồng chí có thể cho biết rõ hơn?

Đồng chí Lê Xuân Đại: Năm 2016, tình hình kinh tế - xã hội gặp nhiều khó khăn do thời tiết diễn biến phức tạp, bão lũ, sự cố môi trường ở biển miền Trung ảnh hưởng lớn đến đời sống của người dân và doanh nghiệp. Một số dự án trọng điểm của tỉnh trong giai đoạn đầu tư đang được hưởng chính sách ưu đãi chưa phát sinh nguồn thu lớn cho tỉnh. Một số chính sách thay đổi làm ảnh hưởng hụt thu trên địa bàn...

Nhiều khó khăn như vậy, nhưng nhờ sự lãnh đạo, chỉ đạo kịp thời xuyên suốt từ Trung ương tới địa phương, sự phối hợp chặt chẽ của các cấp ủy Đảng, HĐND, UBND các cấp; các sở, ban, ngành, các cơ quan có liên quan trong công tác thu Ngân sách trên địa bàn. Đặc biệt, là sự cố gắng nỗ lực trong sản xuất kinh doanh của cộng đồng doanh nghiệp với tổng thu ngân sách trên địa bàn đạt 11.005 tỷ đồng (trong đó: Tổng số thu nội địa tính cân đối đạt 9.930 tỷ đồng, bằng 112% dự toán pháp lệnh, 110% dự toán HĐND và bằng 124% so với cùng kỳ năm 2015).

Đồng chí Lê Xuân Đại và lãnh đạo Sở  Công Thương tham quan các gian hàng Hội chợ thương mại Cửa Lò. Ảnh: Trân Châu
Đồng chí Lê Xuân Đại và lãnh đạo Sở Công Thương tham quan các gian hàng Hội chợ thương mại Cửa Lò. Ảnh: Trân Châu

Những thành tựu mà Đảng bộ và nhân dân Nghệ An dành được trong năm qua có sự đóng góp vô cùng quan trọng của các doanh nghiệp, doanh nhân. Đây là lực lượng nòng cốt tạo ra của cải vật chất cho xã hội, phát triển nguồn thu cho ngân sách nhà nước, giải quyết an sinh xã hội, góp phần thực hiện thắng lợi các mục tiêu kinh tế - xã hội của tỉnh. Mỗi năm có hàng trăm doanh nghiệp, hộ kinh doanh đã hoàn thành xuất sắc nghĩa vụ thuế, được tôn vinh và ghi danh, là minh chứng sống động về sự nỗ lực của các doanh nghiệp, doanh nhân trong việc thực hiện phong trào thi đua yêu nước.

P.V: Thời gian qua, Nghệ An đã có nhiều hỗ trợ tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, doanh nhân. Vậy đâu là những cố gắng của các cấp ủy, chính quyền về vấn đề này, thưa đồng chí?

Đồng chí Lê Xuân Đại: Trong bối cảnh hội nhập quốc tế sâu rộng, yêu cầu cải cách thể chế, hành chính ở tầm cao mới thì tháo gỡ khó khăn, đồng hành tạo mọi điều kiện cho doanh nghiệp phát triển là nhiệm vụ chính trị quan trọng của các cấp ủy, chính quyền địa phương và cũng được Trung ương quán triệt giao nhiệm vụ. UBND tỉnh đã chỉ đạo các cấp, các ngành phải có chương trình hành động cụ thể, thiết thực để thực hiện.

Hoạt động đăng ký doanh nghiệp, khởi sự kinh doanh, gia nhập thị trường, cấp phép đầu tư luôn được UBND tỉnh quan tâm chỉ đạo. Các sở, ban, ngành công khai các thủ tục hành chính trên cổng thông tin điện tử và niêm yết tại bộ phận một cửa. Triển khai và hỗ trợ doanh nghiệp đăng ký doanh nghiệp qua mạng điện tử, trả kết quả cho doanh nghiệp qua đường bưu điện, nhằm giúp doanh nghiệp giảm thời gian, chi phí. Đến nay, tỷ lệ hồ sơ đăng ký doanh nghiệp qua mạng điện tử của tỉnh Nghệ An đã tăng vượt bậc, đạt 85%, cao hơn so với bình quân cả nước (30%). Tỷ lệ kê khai thuế qua mạng đạt 97%, các sở, ngành tích cực chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ cung cấp các dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4.

Tỉnh đã ban hành đề án tập trung thu hút đầu tư có hiệu quả vào địa bàn đến năm 2020 và các giải pháp cải thiện môi trường đầu tư, nâng cao chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI); thu hút được nhiều dự án có quy mô lớn, mang tính động lực như: Dự án xây dựng và kinh doanh hạ tầng Khu công nghiệp, đô thị và dịch vụ VSIP Nghệ An, Khu công nghiệp Hemaraj (Thái Lan), dự án của Tập đoàn Vingroup, dự án khu du lịch Cầu Cau (Thanh Chương), các dự án của tập đoàn Hoa Sen, dự án rau và hoa trong nhà kính của Công ty CP lâm nghiệp Tháng Năm, dự án nhà máy gỗ MDF Nghĩa Đàn lớn nhất Đông Nam Á, trung tâm thực phẩm Masan miền Bắc... Hoạt động đối ngoại được chú trọng, tăng cường hiệu quả. Đặc biệt tháng 1/2017, UBND tỉnh thành lập Trung tâm Xúc tiến và Hỗ trợ đầu tư trực thuộc UBND tỉnh để phục vụ các nhà đầu tư một cách tốt nhất với một đầu mối duy nhất.

Năm 2016, trên địa bàn tỉnh đã cấp mới và điều chỉnh (gồm chấp thuận chủ trương đầu tư/cấp giấy chứng nhận đầu tư) cho 141 dự án, với tổng vốn đầu tư đăng ký 35.441,2 tỷ đồng. Đến 15/7/2017, Nghệ An đã cấp đăng ký kinh doanh cho 96 dự án tổng vốn đăng ký hơn 10.000 tỷ đồng.

Vận chuyển hàng hóa ở Nhà máy Royal foods. Ảnh: Trân Châu
Vận chuyển hàng hóa ở Nhà máy Royal foods. Ảnh: Trân Châu

Công tác đối thoại với doanh nghiệp, trực tiếp giải quyết vướng mắc của doanh nghiệp cũng được tỉnh quan tâm và triển khai thường xuyên. Bên cạnh đó, các ngành các cấp cũng triển khai hoạt động đối thoại, giải đáp khó khăn vướng mắc cho doanh nghiệp.

Hàng tháng, UBND tỉnh tổ chức hội nghị giao ban giữa UBND tỉnh với đại diện các Hội doanh nghiệp, VCCI Nghệ An, Đảng ủy khối doanh nghiệp để giải quyết khó khăn vướng mắc cho các doanh nghiệp, nhà đầu tư. Hàng quý, lãnh đạo tỉnh trực tiếp đối thoại với các doanh nghiệp để lắng nghe, tháo gỡ vướng mắc cho các dự án lớn. Đó là những hoạt động hết sức hiệu quả, thể hiện trách nhiệm cao đối với cộng đồng doanh nghiệp tỉnh nhà.

Với nhiều cố gắng, đến nay, Nghệ An đã đạt được một số kết quả: Thời gian thành lập doanh nghiệp bình quân là 2,63 ngày/quy định là 3 ngày; thời gian cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư 5 ngày/quy định 5 ngày; thời gian giải quyết thủ tục hành chính về đầu tư thuộc thẩm quyền giải quyết của UBND tỉnh giảm 30 - 50% so với quy định; tỷ lệ đăng ký kinh doanh qua mạng điện tử đến nay đạt 85%; tỷ lệ doanh nghiệp kê khai thuế qua mạng điện tử đạt 100%; 95% người nộp thuế thực hiện nộp thuế qua mạng Internet; 100% cơ quan nhà nước trong hệ thống hành chính các cấp, các ngành ở tỉnh và địa phương có trang thông tin điện tử; 60% các dịch vụ công của các đơn vị trên địa bàn tỉnh được cung cấp trực tuyến ở mức độ 3; 15% các dịch vụ công của các đơn vị trên địa bàn tỉnh được cung cấp trực tuyến ở mức độ 4.

Nghệ An cũng đẩy mạnh sắp xếp, cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước; thoái vốn nhà nước tại các doanh nghiệp mà Nhà nước không cần nắm giữ, bao gồm cả những doanh nghiệp đang kinh doanh có hiệu quả theo cơ chế thị trường.

P.V: Để phát huy hơn nữa hiệu quả của quản lý thuế, tăng thu ngân sách, ngành Thuế cần thực hiện các giải pháp gì trong thời gian tới, thưa đồng chí?

Đồng chí Lê Xuân Đại: Để phát huy hơn nữa hiệu quả công tác quản lý thuế, hoàn thành nhiệm vụ thu NSNN mà Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVIII đã đề ra đến năm 2020 với 25.000 - 30.000 tỷ đồng là hết sức khó khăn. Ngoài đẩy mạnh sản xuất kinh doanh, thu hút đầu tư, để hoàn thành được nhiệm vụ nặng nề này, ngành Thuế cần triển khai một số biện pháp sau:

Cán bộ Phòng nợ thuế bàn giải pháp thu nợ thuế. Ảnh: Trân Châu
Cán bộ Phòng nợ thuế bàn giải pháp thu nợ thuế. Ảnh: Trân Châu

Thứ nhất: Tích cực triển khai chiến lược cải cách ngành Thuế đến năm 2020 đã được Chính phủ phê duyệt, nhằm xây dựng ngành Thuế Nghệ An hiện đại, hiệu lực, hiệu quả, minh bạch và chuyên nghiệp.

Thứ hai: Tiếp tục làm tốt công tác tham mưu cho UBND các cấp, phối hợp chặt chẽ với các ngành, các cấp trên địa bàn trong công tác triển khai nhiệm vụ thu NSNN từng năm.

Thứ ba: Làm tốt công tác cải cách hành chính, cắt giảm các thủ tục hành chính thuế tạo điều kiện thuận lợi nhất cho người nộp thuế; làm tốt công tác tuyên truyền, phố biến chính sách pháp luật về thuế đến với người nộp thuế. Đẩy mạnh công tác thu hồi nợ đọng thuế và chống thất thu thuế; tăng cường công tác đào tạo bồi dưỡng cán bộ, xây dựng đội ngũ cán bộ công chức tinh thông về nghiệp vụ, chuyên sâu, chuyên nghiệp, có đạo đức trong sáng đáp ứng yêu cầu đổi mới, hội nhập quốc tế.

P.V: Xin cảm ơn đồng chí!

Trân Châu (Thực hiện)

TIN LIÊN QUAN