'Đòn tự sát' của Liên Xô để đánh chìm tàu sân bay Mỹ

31/07/2017 06:32

Liên Xô từng có kế hoạch triển khai 100 oanh tạc cơ Tu-22M mang tên lửa để tấn công kiểu cảm tử vào cụm tàu sân bay chiến đấu Mỹ.

Phi đội Tu-16 đóng vai trò tai mắt cho đòn tấn công tên lửa

Vào giai đoạn cuối thập niên 1970 tới đầu thập niên 1980, Liên Xô không đủ khả năng chạy đua chế tạo tàu sân bay để cạnh tranh với Mỹ. Điều này khiến Moscow bí mật xây dựng chiến lược răn đe bằng cách tiêu diệt tàu sân bay Mỹ dựa trên chiến thuật tấn công tự sát của Nhật Bản trong Thế chiến II, theo WATM.

Trong Thế chiến II, Liên Xô nhận thấy Nhật Bản có nhiều chiến hạm uy lực, nhưng sự ra đời của hạm đội tàu sân bay Mỹ đã thay đổi hoàn toàn bản chất hải chiến. Hầu hết tàu chiến hải quân Nhật đã bị chiến đấu cơ Mỹ đánh chìm trong giai đoạn cuối cuộc chiến, khiến họ không có cách đối đầu với tàu chiến Mỹ.

Cách duy nhất để Nhật Bản đối phó với Mỹ là tung đòn đánh phủ đầu gây thiệt hại nặng cho tàu sân bay, khiến chiến đấu cơ không thể xuất kích, vô hiệu hóa vũ khí uy lực nhất của hải quân Mỹ. Điều này buộc Tokyo đưa ra chiến thuật cảm tử "Kamikaze" (Thần phong), sử dụng máy bay mang bom lao thẳng vào tàu chiến Mỹ.

Chiến lược tiêu diệt tàu sân bay Mỹ của Liên Xô cũng lấy không quân làm nòng cốt, lực lượng này sẽ đóng quân ở các căn cứ gần bờ biển. Kế hoạch này không bắt chước chiến thuật Kamikaze, nhưng Liên Xô ước tính mỗi đơn vị tấn công tàu sân bay Mỹ sẽ mất tới 50% lực lượng khi làm nhiệm vụ.

Theo kế hoạch, không quân hải quân Liên Xô sẽ điều 100 oanh tạc cơ Tu-22M trang bị tên lửa diệt hạm tấn công cụm tàu sân bay chiến đấu Mỹ. Chiến lược gia Liên Xô muốn vô hiệu hóa hệ thống phòng không của biên đội hộ tống tàu sân bay, tạo ra "thời điểm vàng" để tung đòn tấn công bằng tên lửa.

don-tu-sat-cua-lien-xo-de-danh-chim-tau-san-bay-my

Máy bay F-14 Mỹ hộ tống oanh tạc cơ Tu-22M Liên Xô. Ảnh: Wikipedia.

Liên Xô biết phi đội tiêm kích đánh chặn Mỹ hoạt động dựa trên chỉ dẫn của kiểm soát không lưu. Họ sẽ tìm cách đánh lừa sĩ quan điều hành, khiến hệ thống cảm biến quá tải và tàu chiến Mỹ không kịp phản ứng trước một cuộc tấn công tổng lực.

Phi công hải quân Liên Xô cũng không tin tưởng vào dữ liệu chỉ thị mục tiêu từ vệ tinh hoặc tình báo. Nguồn thông tin đáng tin cậy nhất với họ là các tàu chỉ điểm liên tục bám đuôi hạm đội Mỹ để gửi dữ liệu trực tiếp theo thời gian thực.

Thậm chí, thủy thủ đoàn trên các tàu bám đuôi xác định sẽ bị hủy diệt nếu chiến tranh nổ ra. "Ngay khi có thông báo tuyên chiến hoặc nhận lệnh cấp trên, thuyền trưởng sẽ thông báo vị trí hạm đội Mỹ cho oanh tạc cơ qua điện đàm, sau đó nã pháo vào đường băng và tháp chỉ huy tàu sân bay. Con tàu cũng có thể lao thẳng vào tàu sân bay Mỹ", Maksim Y. Tokarev, cựu sĩ quan hải quân Liên Xô, tiết lộ.

Oanh tạc cơ Liên Xô sẽ phóng hàng loạt tên lửa từ khoảng cách xa nhất để nghi binh, trong khi hai chiếc trinh sát cơ Tu-16 sẽ tìm cách xâm nhập vào trung tâm đội hình Mỹ để tìm tàu sân bay bằng mắt thường. Họ sẽ thông báo vị trí chính xác của nó cho toàn bộ lực lượng còn lại qua điện đàm. Phi hành đoàn Tu-16 hiểu rằng đây là nhiệm vụ tự sát, không có hy vọng trở về an toàn.

Khi xác định được vị trí tàu sân bay Mỹ, lực lượng chủ lực Liên Xô sẽ đồng loạt phóng tên lửa hành trình diệt hạm. Các phi đoàn oanh tạc cơ sẽ tấn công từ các hướng và độ cao khác nhau, nhằm gây khó khăn cho hệ thống phòng không đối phương. Thời điểm vàng để tấn công chỉ kéo dài trong một phút nhằm đạt hiệu quả cao nhất. "Nếu trong tập trận, thời gian tiến hành tấn công lâu hơn một phút, đòn tập kích này bị xem là thất bại", ông Tokarev cho biết.

Theo tính toán của Liên Xô, cần tới 12 tên lửa chống hạm dùng đầu đạn thông thường hoặc một quả đạn hạt nhân để đánh chìm tàu sân bay Mỹ.

don-tu-sat-cua-lien-xo-de-danh-chim-tau-san-bay-my-1

Những chiếc Tu-22M mang tên lửa là trọng tâm của "đòn tự sát". Ảnh: Wikipedia.

Do độ khó và tỷ lệ thương vong quá cao trong kế hoạch này, phi hành đoàn oanh tạc cơ hải quân Liên Xô thường tự coi mình là phi đội tự sát. Họ cũng tính toán rằng các tàu dẫn đường sẽ chỉ sống sót trong khoảng 20-25 phút đầu tiên của trận đánh với biên đội tàu sân bay Mỹ. Mức độ thiệt hại quá nặng trong khi hiệu quả đánh chìm tàu sân bay không thực sự được bảo đảm khiến Liên Xô từ bỏ kế hoạch này.

Theo VNE

TIN LIÊN QUAN