Khai thác chất xám của con em Nghệ An xa quê
(Baonghean) - Nghệ An trong tỉnh đã đoàn kết; nếu biết gắn kết với các bộ, ngành Trung ương, và biết khai thác chất xám của con em Nghệ An ngoài tỉnh thì Nghệ An đi lên bền vững.
Thiên nhiên Nghệ An có 3 thế mạnh không phải tỉnh nào cũng có được. Thứ nhất là, đất đai rộng lớn và phì nhiêu. Lâu nay chúng ta vẫn bảo đất Nghệ An cằn cỗi là không đúng. Tôi đơn cử so sánh với đất nước Israel và Đài Loan, thì đất đai của Nghệ An là rất tốt. Với 16.480km2, diện tích của tỉnh chúng ta gần bằng diện tích đất nước Israel và gần gấp 9 lần đất nước Singapore.
Nhà máy sữa TH ở Nghĩa Đàn. Ảnh Internet |
Đối với đất miền Tây Nghệ An, trong hồ sơ canh nông của người Pháp gọi vùng này là “bầu sữa” miền Tây của tỉnh. Nếu chúng ta đi nước ngoài, chúng ta mới thấy rõ rằng chúng ta đang chịu đói nghèo trên mảnh đất đầy tiềm năng. Tôi đơn cử Israel diện tích 23.000km2, nhưng chỉ có 10% đất canh tác được, mà riêng sản lượng hoa quả của họ đã bằng cả nước Việt Nam; sản lượng khoai tây của họ là 3 tấn/1ha, dưa chuột và cà chua 500 tấn/ha, sữa bò 12.000 lít/con/năm. Nếu so năng suất, chúng ta chỉ bằng 10% sản lượng của Israel. Đất làm nông nghiệp của Israel họ phải lấy nước mặn từ biển lọc thành nước ngọt phục vụ tưới tiêu, mà họ vẫn là một trong những nước có nền sản xuất nông nghiệp hàng đầu thế giới. Còn Nghệ An có khí hậu bốn mùa, có nhiều loại cây chỉ cần có mưa xuống là mọc lên... rất thuận lợi, nhưng vẫn cứ khó khăn đói nghèo!
Thứ hai, thiên nhiên của Nghệ An đa dạng và phong phú, có biển, có hải đảo, có vùng trung du, vùng miền núi cao, đường biên giới…; như sinh thời Thủ tướng Phạm Văn Đồng gọi thì Nghệ An là hình ảnh thu hẹp của cả nước.
Thứ ba, Nghệ An là tỉnh hội tụ các hạ tầng cơ sở hiếm tỉnh nào có như gồm sân bay, cảng biển, đường sắt, đường bộ, đường thủy, đường hàng không... Dù vào Nam hay ra Bắc đều đi qua Nghệ An.
Ba lợi thế trên cho thấy tự nhiên rất là ưu ái Nghệ An, là điều kiện thuận lợi cho tỉnh phát triển.
Rừng cao su ở Nghĩa Đàn. Ảnh tư liệu |
Còn về thế mạnh con người, Nghệ An có 3 thế mạnh: Nghệ An là quê hương giàu truyền thống văn hóa và cách mạng. Đặc biệt Dân ca Ví dặm Nghệ Tĩnh được UNESCO công nhận là Di sản phi vật thể đại diện của nhân loại. Nói đến Nghệ An là nói đến quê hương cách mạng. Nghệ An được biết đến là quê hương của nhiều danh nhân trên các lĩnh vực và xuyên thời đại. Đặc biệt 3 nhà cách tân của đất nước đều ở Nghệ An đó là Nguyễn Trường Tộ, Hồ Chí Minh và Phan Bội Châu. Theo thống kê, Nghệ An có tới 109 người được phong tướng (từ thiếu tướng đến đại tướng).
Đặc điểm rõ nét nữa, Nghệ An là quê hương có người sinh sống ở ngoài tỉnh đông nhất, thành đạt và luôn hướng về quê hương. Ở nhiều tỉnh trong nước và ở nhiều nước trên thế giới có Hội đồng hương Nghệ An, hay như ở cộng hòa Séc có làng Nghệ An,… Có thể nói có tới hàng nghìn người Nghệ An ngoài tỉnh, ngoài nước thành đạt và có trách nhiệm luôn hướng về quê hương.
Qua quá trình tìm hiểu, nghiên cứu, tôi có tổng kết như thế này: Nghệ An trong tỉnh đã đoàn kết; nếu biết gắn kết với các bộ, ngành Trung ương, và biết khai thác chất xám của con em Nghệ An ngoài tỉnh thì Nghệ An đi lên bền vững. Chúng ta đi lên muộn là vì chúng ta chưa khai thác yếu tố này. Nhưng điều đáng chú ý ở đây là chúng ta phải biết khai thác theo hướng “chuyên gia” chứ không phải khai thác theo kiểu mít tinh, vỗ tay giải tán là hết, đâu lại vào đó. Quan trọng là tỉnh phải làm gì để mời gọi và có sự góp ý đóng góp của các chuyên gia người Nghệ An về các lĩnh vực...
Về tính cách con người Nghệ An, thứ nhất là tính trung thực mà có người nói là cương trực; đặc tính người Nghệ An là cần kiệm, hiếu học; những người học sinh giỏi thành đạt xuất phát từ Nghệ An nhiều, chiếm 1/3 số lượng tiến sỹ, giáo sư của cả nước. Rồi tính tôn trọng nguyên tắc, gắn kết làng xã, dòng họ, gia đình bền vững.
Tuy nhiên, bên cạnh truyền thống đó, chúng ta phải thẳng thắn nhìn nhận những tồn tại rõ nét trong tính cách chung của con người Nghệ An. Đó là người Nghệ An rất ít người hữu khuynh mà hầu như chỉ có người tả khuynh. Người Nghệ An chúng ta chịu khổ nhưng không chịu khó, vẫn còn nặng tâm lý thà khổ mà nhàn thân còn hơn sướng mà vất vả, đa số người Nghệ An sáng tạo mà không táo bạo; tiết kiệm đến mức hạ tiện tự làm khổ mình; thẳng thắn đến mức thô thiển, dũng cảm đến mức liều lĩnh, quan tâm đến mức can thiệp; đoàn kết đến mức cục bộ, bảo thủ đến mức gàn, giàu thì tự phụ, nghèo thì tự ti. Đây là những hạn chế chúng ta phải thay đổi.
Bên cạnh đó, Nghệ An là địa phương có nhiều dân tộc sinh sống. Trong đó, các dân tộc ở Nghệ An có đặc điểm là: thật thà, sống đơn giản không biết lo xa, tư duy thực tế, ít tư duy trừu tượng, hay tự ái, dễ tổn thương, tin thì dốc hết sức mình, còn không tin thì bất hợp tác, thà nghèo nhàn thân còn hơn giàu mà vất vả, nếp sống đủng đỉnh, chần chừ, chậm trễ, tự tôn dân tộc cao, tự ti dân tộc mạnh, ít đi ngại đọc, cái cũ khó ra, cái mới khó vào. Từ đặc điểm đó chúng ta phải hiểu để bố trí cán bộ, để tập trung cải tạo, phát triển miền núi. Tiềm năng của Nghệ An tập trung ở khu vực miền núi, nếu để khu vực miền núi thế này mãi không phát triển được.
Một góc thị xã Cửa Lò. Ảnh Internet |
Thời đại ngày nay là thời đại của khoa học và công nghệ với sự phát triển thần tốc. Khoa học và công nghệ vừa đang làm cho thế giới mở ra, vừa làm cho thế giới thu nhỏ lại, khoa học công nghệ làm cho thời gian dài ra và cũng làm cho thời gian ngắn lại. Khoa học và công nghệ tôn vinh từng con người và cải tạo từng con người, làm thay đổi trật tự các quốc gia một cách nhanh chóng cả văn hóa tinh thần và cả vật chất; một thời đại như thế nếu chúng ta vẫn ôm khư khư tư tưởng bảo thủ thì rất khó phát triển.
Chúng ta đang đẩy mạnh thực hiện Chỉ thị 05 của Bộ Chính trị về “Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”. Bác Hồ là một nhà văn hóa tầm thế giới, là kết tinh của văn hóa con người xứ Nghệ chuẩn mực nhất. Học tập Bác, chúng ta phải biết học tập tư tưởng, phong cách của Bác gắn với phát huy giá trị cốt lõi của con người xứ Nghệ. Điều đó đòi hỏi chúng ta phải biết phát huy giá trị tốt đẹp của cốt cách con người xứ Nghệ nhưng đồng thời phải biết “chỉnh trang” lại tư tưởng, văn hóa còn tồn tại, hạn chế của con người Nghệ An, để chúng ta phát triển phù hợp với thời đại./.
Lê Doãn Hợp
(Nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Bí thư Tỉnh ủy Nghệ An,
nguyên Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông)
TIN LIÊN QUAN |
---|