Doanh nghiệp khai thác mỏ 'kêu khó' nếu áp dụng mức thuế, phí mới

04/07/2017 17:49

(Baonghean.vn)- Từ ngày 1/7, Thông tư số 44 áp dụng khung thuế tài nguyên mới của Bộ Tài chính có hiệu lực. Nhiều doanh nghiệp khai khoáng ở Nghệ An, Yên Bái lo lắng, kiến nghị Thủ tướng Chính phủ và các cơ quan chức năng.

Khung thuế mới quá cao

Hội doanh nghiệp vừa và nhỏ huyện Qùy Hợp (Nghệ An) hoạt động lĩnh vực khai thác khoáng sản vừa có đơn kiến nghị với Thủ tướng Chính phủ và các cơ quan có thẩm quyền phản ánh những khó khăn khi áp dụng Thông tư số 44/2017/TT-BTC ngày 12/5/2017 của Bộ Tài chính về khung thuế tài nguyên mới.

Các doanh nghiệp cho rằng, khi áp dụng thông tư này sẽ đẩy mức thuế tài nguyên và tiền cấp quyền khai thác khoáng sản lên gấp 3 - 4 lần khiến doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn.

1
Công ty CP khoáng sản và thương mại Trung Hải (Châu Quang) đầu tư nhà máy chế biến bột đá siêu mịn hiện đại trị giá hơn 6 triệu USD, mới tuyển thêm hơn 200 lao động phục vụ cho nhà máy, nhưng nếu theo khung thuế mới nhà máy dễ dừng sản xuất. Ảnh: Văn Trường

Ông Nguyễn Trung Hải - Chủ tịch HĐQT Công ty CP khoáng sản và thương mại Trung Hải - Nghệ An cho biết, công ty vừa đầu tư nhà máy chế biến bột đá siêu mịn quy mô, công suất lớn với công nghệ hiện đại nhất hiện nay, với tống mức đầu tư trên 6 triệu USD, mới tuyển thêm hơn 200 lao động.

Nếu mỏ của Công ty khai thác đạt công suất theo giấy phép, khi áp dụng khung giá thấp nhất theoThông tư 44, mức thuế tài nguyên tăng thêm của doanh nghiệp sẽ trên 18 tỷ đồng, tiền cấp quyền tăng thêm khoảng 3,6 tỷ đồng, tổng là 21,6 tỷ đồng. Với mức thuế này, doanh nghiệp chắc chắn sẽ bị lỗ, công ty phải dừng sản xuất.

1
DNTN Long Anh đầu tư cắt đá bằng lưỡi cưa kim cương khai thác từ trên xuống ở mỏ đá Thọ Hợp, Quỳ Hợp nhưng hiếm tìm thấy đá trắng, chất lượng mỏ kém cũng là nguyên nhân khó tiêu thụ sản phẩm. Ảnh: Văn Trường.

Đại diện của Công ty CP An Lộc xã Thọ Hợp - Quỳ Hợp cũng chia sẻ: Công ty chủ yếu tận dụng đá hoa trắng để sản xuất bột carbonat bán ở thị trường Trung Quốc, Malaysia. Mức thuế cũ bột đá 90.000 đồng/m3, nay áp theo khung thuế mới từ 280.000 - 400.000 đồng/m3 thì chúng tôi sẽ rất khó khăn, bởi không thể tăng được giá bán với các đối tác.

1
Còn ít xưởng xẻ đá ốp lát đang hoạt động ở xã Đồng Hợp, Quỳ Hợp. Ảnh: Văn Trường.

Ông Chu Đức Mạnh, Trưởng VP đại diện Công ty CP XD và hợp tác đầu tư Đất Việt tại Nghệ An cho biết: Công ty có mỏ đá ở Thung Lọ, Thung Điệp giáp ranh giữa 2 xã Liên Hợp và Châu Lộc. Mỏ đá có diện tích 18,76 ha do Bộ TNMT cấp từ năm 2010, thời hạn 29 năm. Sản lượng theo giấy phép đá xẻ 2,8 triệu tấn, đá hộc 7,2 triệu tấn / 29 năm nhưng thực tế, mỏ không đạt trữ lượng và chất lượng. Chủ yếu là đá hộc, chỉ khai thác được từ 5 – 10 % đá thành phẩm. Trong khi đó, doanh nghiệp vẫn phải đóng thuế cho 100%, gồm cả đá không thể sử dụng. Nay mức thuế tăng cao, doanh nghiệp lao đao.

Đại diện DNTN Long Anh, xã Thọ Hợp, cho hay: Doanh nghiệp chúng tôi đầu tư hệ thống máy cưa đá lưỡi kim cương cắt tầng từ trên xuống nhưng rất hiếm tìm được đá trắng, chủ yếu đá màu, giá trị thấp. Hoặc nếu tìm được vỉa đá trắng khi cắt vào trong mới biết được đá không đảm bảo đủ độ trắng, độ liền mạch, và nó bị nứt vỡ xem như hư hỏng hoàn toàn. Chất lượng đá kém nên chúng tôi phải quay sang sản xuất đá hộc, mấy năm nay thị trường thế giới kén tiêu thụ nên phải sản xuất cầm chừng. Công nhân từ trên 150 lao động, nay chỉ còn hơn 50 lao động. Nếu áp dụng mức thuế mới, chắc chắn chúng tôi sẽ phải phá sản.

Ông Nguyễn Giang Hoài - Chủ tịch Hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Quỳ Hợp cho biết: Toàn quốc hiện có 70 mỏ đá hoa trắng đã được cấp phép nhưng chỉ có 40% số mỏ hoạt động, 60% còn lại phải tạm dừng hoạt động do chất lượng đá kém, thuế và phí quá cao, doanh nghiệp chịu không nổi. Hiện nay, các doanh nghiệp trong lĩnh vực này đều đang cố gắng nộp đủ hơn 10 loại thuế và phí. Các doanh nghiệp đều đã đạt đến giới hạn về sức chịu đựng vì phải "cõng" thuế và phí quá nhiều. Trong khi đó, các doanh nghiệp Việt Nam đều phải rất cố gắng để giảm giá thành nhằm níu kéo khách hàng trước sự cạnh tranh khốc liệt với các nước có cùng sản phẩm, nhất là Trung Quốc và Malaysia. Nếu tăng thuế và phí theo Thông tư số 44 thì 100% doanh nghiệp trong lĩnh vực này sẽ gặp khó.

Mặt khác, các doanh nghiệp ở Nghệ An cho rằng, giá sàn, giá trần được xây dựng tại Thông tư số 44 không phù hợp với Luật thuế tài nguyên 2009, do khung giá nêu trên không phải là giá bán tài nguyên đá hoa, đá hoa trắng trên địa bàn tỉnh Nghệ An.

Cụ thể, hiện Nghệ An đang ban hành giá tính thuế 250.000 đồng/m3 đối với đá hộc. Nếu áp dụng theo Thông tư 44 mức thấp nhất sẽ là 700.000 đồng/m3, cao gấp 2,8 lần hiện nay.

Đối với bột đá, hiện nay, Nghệ An ban hành mức thu thuế, phí 50.000 đồng/tấn trữ lượng, nếu áp dụng theo Thông tư 44, mức thấp nhất sẽ khoảng 164.700 đồng/tấn, tăng hơn 3 lần. "Với mức phí hiện nay, chúng tôi đang thu không đủ bù chi. Nếu áp dụng theo mức mới thì thật sự là phi thực tế", ông Nguyễn Giang Hoài khẳng định.

1
Nhiều doanh nghiệp đá ở Quỳ Hợp đã giải thể do khó tiêu thụ sản phẩm. (Một trong những xưởng xẻ đá của doanh nghiệp ở Thọ Hợp bị bỏ hoang). Ảnh: Văn Trường.

Nguy cơ nợ xấu hơn 7000 tỷ, gần 2,9 vạn lao động mất việc

Quỳ Hợp được xem là thủ phủ đá xuất khẩu của cả nước. Những năm trước hoạt động khoáng sản ở Quỳ Hợp rất nhộn nhịp, nhưng thời điểm này về các vùng mỏ ở Châu Quang, Châu Hồng, Thọ Hợp... rất ảm đạm, các cụm công nghiệp thiết bị máy móc nằm ngổn ngang, hàng loạt doanh nghiệp phải nghỉ việc do sản phẩm không cạnh tranh được với thế giới.

Thực tế cho thấy, chất lượng đá ở các mỏ không cao. Sản lượng thu hồi chỉ đạt 7%, trong đó đá ốp lát hơn 2% và bột đá 5%, số còn lại là đá thải loại. Một số doanh nghiệp phản ánh: Trữ lượng theo được cấp phép là thế, nhưng số lượng đá phải bỏ đi nhiều gấp hàng chục lần so với đá lượng đá thành phẩm ít ỏi có thể bán ra. Đó là chưa kể đến các chi phí khác như cước vận chuyển, rồi thị trường biến động nên hoạt động rất khó khăn.

Một số doanh nghiệp đang cố “cầm cự” chưa dám ký thêm những hợp đồng mới bởi nếu đã lỡ ký mà phí, thuế lại tăng lên thì doanh nghiệp không thể tăng giá đối với khách hàng. Doanh nghiệp lại phải “gánh” thêm kinh phí.

1
Sản phẩm đá xẻ ốp lát ở cụm công nghiệp Thung Khuộc thị trấn Quỳ Hợp nhiều năm qua không bán được đang để phơi sương gió. Ảnh: Văn Trường.

Ông Hoàng Văn Hải - Giám đốc Công ty CP Hoàng Gia (xã Đồng Hợp) phân bua: Dẫu biết nộp thuế là trách nhiệm và nghĩa vụ của doanh nghiệp, nhưng nếu ngành chức năng không có giải pháp tháo gỡ khi áp dụng Thông tư 44 thì doanh nghiệp rất dễ đóng cửa. Hệ lụy là rất nhiều lao động mất việc làm, hàng năm không duy trì được các loại tiền thuế cho Nhà nước mà công ty còn trở thành nợ xấu của ngân hàng…

Hiện nay rất nhiều công nhân khoáng sản địa bàn Quỳ Hợp vừa làm việc vừa lo lắng theo dõi tình hình mới nhất của việc triển khai thông tư. Một công nhân của Công ty CP Hoàng Gia tâm sự: "Tôi gắn bó nghề chế biến đá với công ty hơn 7 năm, nguồn sống của gia đình nhìn vào đồng lương công nhân. Nếu không có việc làm thì cuộc sống sẽ khốn khó, bởi đất ruộng, đất rừng đều không có, không biết làm gì để trang trải cuộc sống".

Ông Nguyễn Giang Hoài - Chủ tịch Hội doanh nghiệp nhỏ và vừa Quỳ Hợp cho biết thêm: Nếu áp mức thuế mới sẽ xảy ra nhiều hệ lụy. Cụ thể là Tổng mức đầu tư lĩnh vực đá hoa tại Nghệ An, Yên Bái là khoảng 10.800 tỷ đồng và giải quyết 30.500 lao động. Trong đó, vốn vay ngân hàng chiếm 70%, tương ứng 7.560 tỷ, nếu áp theo quy định và khung giá tại Thông tư số 44 sẽ dẫn tới 95% doanh nghiệp phá sản, sẽ dẫn tới nợ xấu ngân hàng khó thu hồi vốn khoảng 7.182 tỷ đồng. Kéo theo đó là 28.957 lao động trực tiếp mất việc làm, ảnh hưởng gián tiếp 86.925 nhân khẩu tương ứng khoảng 7.243 hộ gia đình. Những vùng mỏ khai thác dở dang để lại nguy cơ về môi trường, mất an toàn lao động và nguy cơ thất thoát tài nguyên do hoạt động trái phép gây ra.

Sẽ trình Thủ tướng Chính phủ để có chính sách hợp lý

Trước tình hình đó, Hội doanh nghiệp nhỏ và vừa Quỳ Hợp - Nghệ An và Hội đá trắng Lục Yên - Yên Bái đã có tờ trình xin Thủ tướng Chính phủ xem xét, có ý kiến chỉ đạo Bộ Tài Chính, Tổng Cục Thuế và các cơ quan có thẩm quyền, xem xét điều chỉnh khung giá, danh mục, mức thu, phương pháp tính phù hợp.

Đơn kêu cứu của
Tờ trình Thủ tướng của Hội doanh nghiệp nhỏ và vừa Quỳ Hợp - Nghệ An và Hội đá trắng Lục Yên - Yên Bái

Theo đơn kiến nghị của Hiệp hội các doanh nghiệp vừa và nhỏ huyện Qùy Hợp, thực hiện Luật khoáng sản 2010, Nghị định 203/2013/NĐ-CP của Chính phủ quy định thu thêm khoản tiền rất lớn đó là tiền cấp quyền khai thác khoáng sản trên cơ sở giá tính thuế tài nguyên khoáng sản do UBND cấp tỉnh ban hành.

Ngoài ra, các doanh nghiệp còn phải thực hiện nghĩa vụ nộp ngân sách thường xuyên gồm: Tiền sử dụng thông tin tài liệu địa chất, phí bảo vệ môi trường, tiền thuê đất, chi phí tái tạo rừng, phí xây dựng cơ sở hạ tầng, Thuế thu nhập doanh nghiệp, VAT, tiền ký quỹ phục hồi môi trường, thuế suất khẩu và thuế Tài nguyên (trong đó thuế suất thuế tài nguyên được điều chỉnh tăng liên tục kể từ năm 2010, 2013, 2015 đến nay,chỉ riêng thuế tài nguyên nhiều loại khoáng sản nhà nước đã thu đến 15% doanh thu).

Qua thời gian thực hiện quy định nêu trên, trên toàn quốc đã có nhiều doanh nghiệp đóng cửa, số còn lại khoảng 50% doanh nghiệp không nộp thuế, trong đó tại Nghệ An, Yên Bái (70% doanh nghiệp nộp được những năm đầu và số doanh nghiệp nộp được những lần sau chỉ khoảng 50%).

Ông Nguyễn Đình Tùng - Chủ tịch UBND huyện Qùy Hợp cho biết: Thời điểm này các doanh nghiệp khai thác khoáng sản, đặc biệt là đá trắng trên địa bàn rất khó khăn. Do suy thoái kinh tế, sản xuất, kinh doanh của hầu hết các doanh nghiệp bị giảm sút, tính đến thời điểm này Qùy Hợp (có 227/477 doanh nghiệp dừng sản xuất hoặc giải thể, có trên 118 doanh nghiệp nợ đọng thuế do hàng tồn kho nhiều). Nếu như tăng thuế theo thông tư mới thì sẽ thêm phần khó khăn, địa phương cũng mong cấp trên có chính sách hợp lý tạo điều kiện cho doanh nghiệp hoạt động”.

1
Nếu thực hiện khung thuế mới nhiều lao động sẽ mất việc làm. Ảnh chụp tại dây chuyền chế biến bột đá siêu mịn Công ty CP khoáng sản và thương mại Trung Hải (Châu Quang). Ảnh: Văn Trường.

Hiện tại các doanh nghiệp trên địa bàn mong muốn, Bộ tài chính cơ quan chức năng cần thành lập đoàn công tác liên bộ, ngành, địa phương khảo sát thực tế giá trị mỏ, suất đầu tư, lợi nhuận, việc làm và lấy ý kiến cơ quan chuyên ngành tại địa phương.

Cùng đó, lấy ý kiến các chuyên gia kinh tế mỏ, địa chất, tài chính, thuế để có phương án giải quyết phù hợp với đặc thù chất lượng sản phẩm đá hoa ốp lát và đá hoa sản xuất bột cacbonat canxi tại Yên Bái, Nghệ An và các quy định thu ngân sách hiện nay.

Từ đó ban hành lại giá sàn, đơn giá, phân loại, tên nhóm, loại tài nguyên đối với khung giá tính thuế đối đá hoa, đá hoa trắng hoặc cho áp dụng tham chiếu.

Ông Lê Ngọc Hoa - Phó chủ tịch UBND tỉnh cho biết: “Tỉnh đã nắm được vấn đề tồn tại khi triển khai Thông tư số 44/2017/TT-BTC của Bộ Tài chính “quy định về khung giá tính thuế tài nguyên”. Sau khi nhận được tờ trình của Hội doanh nghiệp vừa và nhỏ Quỳ Hợp, trong cuộc họp giao ban doanh nghiệp mới đây UBND tỉnh đã giao cho Sở kế hoạch đầu tư tổng hợp lại những nội dung kiến nghị để báo cáo, những vấn đề trong khuôn khổ của tỉnh, tỉnh sẽ xem xét hỗ trợ. Sau khi rà soát nội dung trên, tỉnh sẽ trình xin Thủ tướng chính phủ có chính sách hợp lý về khung thuế mới tạo điều kiện cho doanh nghiệp hoạt động”.


Hải An

TIN LIÊN QUAN