Khởi công trùng tu, tôn tạo Đền Vạn- Cửa Rào
(Baonghean.vn) - Sáng 24/6, huyện Tương Dương tổ chức Lễ khởi công trùng tu, tôn tạo Đền Vạn – Cửa Rào.
Dự lễ khởi công có đại diện Ban Dân tộc, Sở Văn hóa và Thể thao tỉnh Nghệ An, lãnh đạo huyện Tương Dương, các tập thể, cá nhân doanh nghiệp, cùng đông đảo người dân trên địa bàn.
Đại diện Ban Dân tộc, Sở Văn hóa- Thể thao, lãnh đạo huyện Tương Dương thực hiện nghi thức khởi công. Ảnh: Đình Tuân |
Đền Vạn - Cửa Rào nằm trên địa bàn xã Xá Lượng, huyện Tương Dương, là nơi thờ danh tướng Đoàn Nhữ Hài (1280-1335) cùng các tướng sỹ thời Trần tử trận trong cuộc chiến chống giặc Ai Lao và thờ Tam tòa Thánh mẫu và Thánh Trần Hưng Đạo đại vương.
Đền được xây dựng từ thế kỷ XIV và khôi phục lại vào thế kỷ XIX. Trải qua những thăng trầm lịch sử, nhất là qua hai cuộc chiến tranh, ngôi đền bị xuống cấp nghiêm trọng. Năm 2005, Đền Vạn-Cửa Rào được trùng tu theo đúng kiến trúc ban đầu. Đầu năm 2009, Đền Vạn-Cửa Rào chính thức được công nhận và xếp hạng Di tích lịch sử văn hoá cấp tỉnh.
Trong buổi lễ khởi công, BTC đã nhận được hơn 2 tỷ đồng từ các tập thể, cá nhân, doanh nghiệp cung tiến để trùng tu, tôn tạo đền. Ảnh: Đình Tuân |
Tuy nhiên, do được xây dựng từ lâu đời, lại trải qua nhiều biến cố thăng trầm của lịch sử và thiên nhiên khắc nghiệt, nên hiện nay đền đã bị xuống cấp, không đảm bảo an toàn cho nhu cầu bái lễ của đồng bào các dân tộc huyện Tương Dương và du khách thập phương... Vì vậy, được sự nhất trí của UBND tỉnh, Sở Văn hóa và thể thao tỉnh Nghệ An, UBND huyện Tương Dương lập dự án đầu tư trùng tu tôn tạo, mở mang cảnh sắc di tích, tạo điểm nhấn văn hóa tâm linh. Đây là công trình được huy động 100% nguồn vốn xã hội hóa.
Phối cảnh tổng thể Đền Vạn – Cửa Rào. Ảnh: Đình Tuân |
Theo kế hoạch trùng tu, tôn tạo, trên cơ sở đảm bảo nét kiến trúc vốn có, đền sẽ được mở rộng thành 5 khu, gồm: khu bái đường; khu nhà truyền thống mang bản sắc đặc trưng của 6 dân tộc anh em; khu ẩm thực; khu tượng phật quan thế âm bồ tát; khu tổ chức lễ hội.
Giai đoạn đầu sẽ trùng tu, tôn tạo nhà thượng điện và nhà hậu cung, kết cấu bằng gỗ lim, kiến trúc theo kiểu trông dường cổ, có chạm trổ hoa văn, với diện tích xây dựng 101 m2; tôn tạo đường vào đền, sân đền được lát bằng đá tự nhiên và trồng cây xanh tạo cảnh quan. Dự kiến, sau 3 tháng kể từ ngày khởi công công trình sẽ hoàn thành giai đoạn 1.
Đình Tuân
TIN LIÊN QUAN |
---|