'Với điểm 9 -10 mà vào được sư phạm thì trường nên dừng tuyển sinh!'

15/08/2017 09:14

(Baonghean) - Với chỉ từ 9 điểm đối với hệ cao đẳng và từ 15,5 điểm đối với hệ đại học, là mức điểm trúng tuyển thấp kỷ lục vào nhóm ngành này trong nhiều năm trở lại đây. Nhiều ý kiến cho rằng, điểm chuẩn đầu vào thấp, ngành Sư phạm sẽ khó có sinh viên giỏi. Chất lượng đào tạo ngành Sư phạm ảnh hưởng là chắc chắn.

Thống kê cho thấy, rất ít trường sư phạm, hoặc trường có ngành đào tạo sư phạm có điểm trúng tuyển ổn định ở mức trên 20 điểm, mà hầu hết chỉ tuyển bằng điểm sàn 15,5, hoặc cao hơn một chút. Cụ thể, như Trường Đại học Vinh, ngoài một số ngành học là Sư phạm tiếng Anh, Giáo dục tiểu học, Giáo dục mầm non và Giáo dục thể chất có điểm chuẩn từ 20 - 27 điểm, còn các ngành sư phạm đều lấy điểm chuẩn bằng điểm sàn là 15,5 điểm.

Trường Đại học Sư phạm Thái Nguyên có 6 ngành lấy điểm bằng điểm sàn là 15,5 điểm. 10 ngành sư phạm của Trường Đại học Hồng Đức (Thanh Hóa) có mức điểm 15,5. Trường Đại học Hùng Vương (Phú Thọ), 8 trong tổng số 10 ngành đào tạo sư phạm có mức trúng tuyển bằng điểm sàn. Nhiều trường đại học công lập khác như Trường Đại học Tây Nguyên, Trường Đại học An Giang, Trường Đại học Tân Trào… điểm trúng tuyển ngành Sư phạm cũng rất thấp. Ở khối trường cao đẳng sư phạm địa phương, nhiều trường có điểm trúng tuyển chỉ từ 9 - 10,25 điểm 3 môn.

Nhiều giáo viên, chuyên gia giáo dục lo ngại, sau 3 đến 4 năm nữa, những thí sinh này sẽ tốt nghiệp, trở thành giáo viên, sẽ ảnh hưởng lớn đến chất lượng giáo dục phổ thông. Với xuất phát điểm thấp như thế, sau quá trình đào tạo của các trường đại học, cao đẳng cũng rất khó giúp họ trở thành những giáo viên giỏi, có đủ kiến thức, kỹ năng, phương pháp để dạy học sinh.

Tiến sỹ Lê Trường Tùng - Trường Đại học FPT cho rằng: “Chất lượng đào tạo phụ thuộc vào nhiều yếu tố, trong đó đầu vào là một trong những yếu tố khá quan trọng. Thông thường đối với một số ngành quan trọng, như sư phạm, thì về mặt nguyên tắc, đầu vào chỉ nên chọn những người có học lực khá trở lên. Nếu lấy bằng điểm sàn, tức là 3 môn tương đương 15,5 điểm, thấp như vậy, rất khó kỳ vọng sau 5 năm chúng ta có những người thầy đủ tầm để có thể tham gia đào tạo thế hệ trẻ cho tương lai, đặc biệt là trong bối cảnh có những thay đổi lớn trong chương trình giáo dục phổ thông hiện nay”.

Thầy giáo Trần Trung Hiếu - Trường THPT chuyên Phan Bội Châu, tỉnh Nghệ An thì băn khoăn, trong bối cảnh ngành Giáo dục đang đổi mới, chất lượng giáo viên là yếu tố quyết định. Những giáo viên hiện nay phải đào tạo lại mới có thể dạy được chương trình giáo dục phổ thông mới.

Điểm trúng tuyển của nhiều thí sinh vào ngành Sư phạm năm nay chỉ ở mức trung bình và dưới mức trung bình sẽ dẫn đến chất lượng giáo viên kém, khó tiếp cận cái mới, gây nguy cơ thất bại khi đổi mới giáo dục: “Với điểm 9 - 10 mà vào được sư phạm thì trường nên dừng tuyển sinh, đừng vì thành tích, đừng vì sự tồn tại của một trường mà chúng ta làm hỏng một thế hệ sau này sẽ trở thành những nhà giáo. Bởi vì trên thực tế hiện nay, rất nhiều trường diễn ra tình trạng thừa giáo viên không đủ yêu cầu, thiếu giáo viên tâm huyết và có kinh nghiệm. Khi chương trình giáo dục phổ thông tổng thể được triển khai, đòi hỏi cao hơn về mặt năng lực, kỹ năng, kiến thức, thậm chí kiến thức đa ngành, liên môn, với điểm như thế rõ ràng không ổn”.

Từ việc điểm trúng tuyển vào ngành Sư phạm thấp cho thấy, thực tế học sinh giỏi không mặn mà với nghề giáo, do chế độ đãi ngộ với giáo viên ở địa phương còn thấp và nhiều sinh viên sư phạm tốt nghiệp không tìm được việc làm.

Theo tiến sỹ Nguyễn Tùng Lâm - Hiệu trưởng Trường THPT Đinh Tiên Hoàng (Hà Nội) với cách tuyển chọn cốt cho đủ chỉ tiêu mà không chú ý đến chất lượng của các trường đào tạo sư phạm hiện nay chứng tỏ các trường đang thiếu nguồn tuyển trầm trọng.

Vì vậy, để thu hút được người giỏi vào học ngành sư phạm thì phải giải quyết vấn đề chính sách cho giáo viên và sáp nhập các trường sư phạm để nâng cao chất lượng đào tạo: “Bộ Giáo dục và Đào tạo phải xây dựng sớm chính sách cho giáo viên. Giáo viên phải có đầy đủ 3 điều kiện, thứ nhất là đào tạo bồi dưỡng, nhưng sau đó phải đến sử dụng và tuyển chọn, thứ 3 là đãi ngộ đối với giáo viên. Bộ Giáo dục và Đào tạo phải thay đổi và phải làm sớm, nếu không vài năm nữa các trường sư phạm tan. Thứ hai là các trường sư phạm cũng phải đổi mới đào tạo, như một số ngành khác đào tạo kép; tức là sinh viên Toán, Lý giỏi bên cạnh bằng sư phạm có thể làm việc khác, để khi ngành sư phạm chưa sử dụng thì người ta có thể làm việc khác”.

Như thế, muốn có thầy giáo giỏi thì trước hết phải đào tạo người giỏi làm thầy, sau đó mới tiếp tục đào tạo được học sinh phổ thông giỏi. Chất lượng đầu vào của các trường sư phạm thấp, sẽ khó có được đội ngũ giáo viên giỏi, có kiến thức, kỹ năng, phương pháp để giảng dạy học sinh. Nhiều chuyên gia cho rằng, các trường sư phạm không nên tuyển sinh bằng mọi giá cho đủ chỉ tiêu vì sẽ kéo theo chất lượng giáo dục đi xuống và hậu quả lâu dài đối với học sinh sẽ rất khó lường./.

Huệ Anh

TIN LIÊN QUAN