Làm thế nào để giải cứu tàu lớn mắc cạn?

19/07/2017 10:27

(Baonghean.vn) - Trước việc hiện có 4 tàu cỡ lớn đang mắc cạn tại Nghệ An sau bão số 2, phóng viên Báo Nghệ An phỏng vấn ông Nguyễn Công Luận - Giám đốc Công ty TNHH Thiên Tài, một trong những đơn vị cứu hộ cứu nạn tàu ở Nghệ An về việc giải cứu tàu mắc cạn.

P.V: Thưa ông, ông có thể cho biết nguyên nhân khiến các tàu thường mắc cạn khi gặp bão?

Ông Nguyễn Công Luận: Có nhiều nguyên nhân dẫn tới hiện tượng mắc cạn đối với con tàu. Ngoài thiên tai thì chủ yếu là do yếu tố con người, tức là việc khai thác con tàu chưa hợp lý. Cụ thể như chưa tìm hiểu điều kiện của vùng hoạt động của tàu, đường đi của con tàu được vạch ra thiếu tìm hiểu kĩ lưỡng. Chưa chuyên nghiệp trong việc tác nghiệp hải đồ, chủ quan định vị theo kinh nghiệm, thói quen dẫn tới sự sai sót trong quá trình hàng hải.

Tàu dễ mắc cạn do sai sót khi quan sát và đo đạc dẫn tới nhầm lẫn nhiều đối tượng như hải đăng, phao báo hiệu hay mỏm núi, các vật trôi nổi... Cũng có thể do quá tin tưởng vào các vật báo hiệu dẫn tới sai sót không đáng có. Hoặc có sự sai sót, nhầm lẫn trong việc xác định tốc độ của dòng chảy, hướng của dòng chảy cũng như thủy triều; luồng quá hẹp so với kích thước của tàu, ảnh hưởng tới quá trình quay trở của con tàu...

a
Một con tàu lớn mắc cạn ở Cửa Hội - Cửa Lò Nghệ An. Ảnh: Lê Thắng

P.V: Thưa ông, vậy việc giải cứu các con tàu lớn này ra khu vực an toàn như thế nào?

Ông Nguyễn Công Luận: Ngay sau khi tàu bị mắc cạn, người khai thác tàu cần xác định vị trí của tàu, tìm hiểu kỹ lưỡng thủy triều, dòng chảy cũng như các hiện tượng khí tượng thủy văn tại khu vực đó.

Dùng dây đo độ sâu để xác định độ sâu ở vùng mà tàu mắc cạn, nắm rõ tính chất của nền đáy tại khu vực xung quanh tàu, cát hay đất, đá... xác định khu vực thân tàu bị mắc cạn và mức độ của nó. Cần phải xác định và kiểm tra rõ ràng bên trong thân tàu, xem có bị thủng đáy hay không để đề ra phương án bơm rút nước cũng như bịt lỗ thủng nếu có.

Nếu tàu bị thủng và nước đã xâm nhập thân tàu thì phải định rõ được vị trí vết thủng, mức độ nghiêm trọng và đóng tất cả các cửa kín nước lại, áp dụng các giải pháp để rút nước, chặn lượng nước có thể gia tăng thêm vào thân tàu. Kiểm tra tình trạng của chong chóng, bánh lái xem có hư hỏng gì hay không.

Muốn xác định độ nằm trên cạn thì ta có thể xác định chiều chìm thực tế của tàu để so sánh với mớn nước tàu khi tàu bị mắc cạn.

Sau khi đo độ sâu thì cần xác định chất đáy cũng như địa hình của nó, xác định các vị trí xung quanh để tìm ra hướng thoát cạn hợp lý.

Bên cạnh việc quan sát liên tục diễn biến của thời tiết cần tính toán lượng nước tràn vào hầm, két bị thủng và sự thay đổi mớn nước. Xác định lực kéo cần để giúp tàu có thể thoát cạn, thời gian thủy triều cao thấp, xác định khối lượng hàng cần bốc ra để làm giảm khối lượng tàu...

Sau đó, tính lực tác dụng của tàu lên nền đất và xác định lực kéo để thoát cạn.

Hiện tượng mắc cạn thường xảy ra ở đuôi và lái tàu, hoặc một bên mạn của tàu. Cần giải phóng bớt tải trọng hàng hoá để thoát cạn. Chúng tôi thường dùng tàu kéo công suất lớn và xa lan mang cẩu chữ A sức nâng 120T trở lên, máy hút cát, sỏi, máy hút nước cỡ lớn và neo, tời định vị để cứu hộ. Đối với các con tàu mắc cạn trên cát, phải hút cát phần mắc cạn.

Đơn vị cứu hộ sẽ dùng đầu kéo kéo xà lan đến vị trí tàu bị chìm, bỏ neo tời định vị xà lan. Cho người kiểm ra tàu, xác định vị trí các lỗ thủng để bịt trước khi cẩu. Dùng máy sói cát ở những vị trí cần thiết, cho người luồn cáp vào các vị trí cẩu. Sau đó dùng cẩu chữ A làm nổi tàu, dùng bơm công suất lớn bơm nước ra khỏi tàu, dùng đầu kéo kéo ra ngoài vị trí đã thống nhất trước.

P.V: Xin cảm ơn ông!

Trân Châu

(Thực hiện)

TIN LIÊN QUAN