Nghệ An: Trường THPT ngoài công lập gặp khó trong tuyển sinh

04/08/2017 10:16

(Baonghean) - Thời điểm tháng 8, trong khi các trường THPT công lập đã bắt đầu chuẩn bị cho năm học mới thì ở nhiều trường THPT ngoài công lập, công tác tuyển sinh mới bắt đầu và gặp nhiều khó khăn. Thực trạng này đã diễn ra nhiều năm nay, khiến không ít trường phải ngừng hoạt động.

“Khát” học sinh

Năm học 2017 - 2018, Trường THPT VTC (thành phố Vinh) đã không còn tên trên hệ thống các trường THPT trên địa bàn tỉnh. Thay vào đó, trường đổi sang tên mới là Trường Trần Đại Nghĩa với chức năng chính là trường mầm non. Tình trạng này dường như đã được báo trước, bởi vài năm trở lại đây, chưa năm nào việc tuyển sinh của nhà trường được thuận lợi và số lớp học giảm đi theo từng năm.

Riêng trong năm học này, dù vẫn đăng ký tuyển sinh nhưng trường chưa nhận được học sinh nào. Hoạt động của trường hiện chỉ còn lại hai lớp 11 và 12 với tổng số 40 học sinh, trong đó riêng lớp 12 chỉ có 14 em. Cô giáo Trần Thị Mậu - Hiệu trưởng nhà trường cho biết: “Việc dạy và học của Trường THPT VTC rất khó khăn bởi học phí của học sinh không đủ để trả lương cho giáo viên. Phụ huynh, trước tình trạng học sinh ngày càng giảm cũng có nhiều đắn đo khi cho con đăng ký tại trường”.

Làm thủ tục tuyển sinh vào lớp 10 ở Trường THPT Hermann Gmeiner.
Làm thủ tục tuyển sinh vào lớp 10 ở Trường THPT Hermann Gmeiner. Ảnh: Mỹ Hà

Ở Trường THPT Nguyễn Trường Tộ, dù là ngôi trường có bề dày gần 30 năm nhưng đến thời điểm này, lãnh đạo nhà trường vẫn thấp thỏm vì danh sách trúng tuyển chưa duyệt xong. Theo chỉ tiêu, năm nay trường có 9 lớp 10, không tăng so với những năm trước. Tuy nhiên, năm học này tỷ lệ học sinh vào lớp 10 thấp nhất trong khoảng 5 năm trở lại đây, nên việc tuyển sinh gặp rất nhiều khó khăn. Cụ thể, nếu như những năm trước, toàn thành phố có từ 5.200 – 5.500 học sinh lớp 9 tốt nghiệp thì năm nay chỉ gần 3.000 học sinh.

Do địa bàn thành phố có đến 3 trường THPT và 2 trường THPT chuyên nên theo như chỉ tiêu đã phân bố thì đến 75% sẽ tập trung vào các trường công lập. Số còn lại, khoảng 700 em thì học sinh phân luồng, học nghề chiếm tỷ lệ khá nhiều; chỉ còn rất ít học sinh dành cho các trường ngoài công lập tuyển sinh. Để đảm bảo đủ học sinh, Trường THPT Nguyễn Trường Tộ tuyển sinh mọi đối tượng, kể cả những em chỉ mới tốt nghiệp lớp 9, không tham gia thi tuyển sinh vào lớp 10.

Khó khăn trong tuyển sinh cũng buộc nhiều trường ngoài công lập khác phải chuyển đổi loại hình và cho thuê trụ sở để lấy kinh phí hoạt động. Như Trường THPT Nguyễn Huệ hiện nay không hoàn toàn là trường phổ thông mà đã xây dựng thành Trường Mầm non Phượng Hoàng; Trường THPT Nguyễn Trãi, một nửa trụ sở cho Bệnh viện Nội Tiết thuê...

Trên toàn tỉnh hiện có 18 trường THPT ngoài công lập và chủ yếu đều hoạt động dưới hình thức tự chủ. Do khó tuyển sinh nên trong 5 năm trở lại đây đã có 3 trường ngoài công lập buộc phải giải thể, đó là Trường THPT Văn Tràng (Đô Lương), THPT Sông Hiếu (thị xã Thái Hòa) và THPT Hoàng Xuân Thì (Diễn Châu). Năm 2016, theo thống kê mức lương, mức thu nhập của hầu hết giáo viên ở các trường THPT ngoài công lập đều rất thấp. Trong đó, thấp nhất là Trường THPT Nguyễn Trãi (thành phố Vinh) với trung bình 480.000 đồng/tháng. Nhiều trường không có tiền thưởng Tết, không đủ tiền đóng BHXH cho giáo viên như Trường THPT Nguyễn Trãi, THPT Cù Chính Lan do thu từ tiền học phí không đủ chi.

Đổi mới và trao quyền tự chủ

Trường THPT Lý Tự Trọng (Quỳnh Lưu) năm học này được giao tuyển sinh 210 học sinh với 5 lớp. Mặc dù thời gian qua, trường đã liên hệ với các trường THCS của 12 xã, thị trấn trong khu vực tuyển sinh, xuống tận địa phương, gia đình tuyên truyền, vận động nhưng đến thời điểm hiện nay chỉ tiêu mới chỉ đạt khoảng 70%. Theo thầy Lê Văn Tâm - Hiệu trưởng nhà trường, hiện nay, nhiều em học sinh sau khi học xong THCS không nạp hồ sơ dự thi vào THPT mà nghỉ học đi làm ngay hoặc vào học các trường dạy nghề.

Trong tình trạng tuyển sinh ngày một khó khăn, hiện nhà trường phải thực hiện chức năng “3 trong 1”. Đó là, liên kết, phối hợp với Trường Cao đẳng Công nghệ kỹ thuật của Bộ NN&PTNT mở các lớp trung cấp nghề chính quy không thu tiền. Việc học này được tiến hành song song trong quá trình 3 năm học văn hóa THPT tại trường, gồm các nghề kỹ nghệ sơn mài khảm trai, công nghệ thông tin, kế toán doanh nghiệp, điện dân dụng…

Bên cạnh đó, nhà trường còn liên kết với các công ty để tư vấn du học cho học sinh sau khi các em tốt nghiệp THPT. Trong quá trình học tại trường, các em được dạy ngoại ngữ Nhật, Hàn miễn phí. Vài năm trở lại đây, trường cũng liên kết với Công ty Samsung Thái Nguyên để giới thiệu việc làm cho học sinh sau khi tốt nghiệp THPT. Hàng năm, Công ty Samsung tài trợ hơn 10 suất học bổng, mỗi suất 1,5 triệu đồng nhằm khuyến học, khuyến tài.

Cách làm này cũng đang được Trường THPT Mai Hắc Đế (Nam Đàn) triển khai nhằm tạo lợi thế riêng so với các trường THPT công lập. Thông qua việc vừa dạy văn hóa vừa dạy nghề, học sinh không chỉ vẫn hoàn thành chương trình phổ thông mà còn có thể có được bằng nghề sau khi ra trường, rút ngắn thời gian học nghề để tìm kiếm việc làm. Về phía phụ huynh, xác định lực học của con hạn chế nên việc học song song này được phụ huynh đồng tình, bởi tâm lý chung vẫn muốn các em có bằng tốt nghiệp THPT thay vì chỉ tốt nghiệp THCS rồi đi học nghề.

Từ vài năm trở lại đây, Sở GD&ĐT đã có những điều chỉnh đối với công tác tuyển sinh của các trường ngoài công lập như cho các trường tự chủ trong việc xây dựng kế hoạch tuyển sinh, mở rộng đối tượng tuyển sinh (tuyển sinh bằng học bạ với những học sinh không thi tuyển vào lớp 10) và kéo dài thời gian tuyển sinh. Tuy nhiên, với nhiều lãnh đạo trường ngoài công lập, giải pháp này vẫn chưa hữu hiệu khi mà phần lớn chỉ tiêu vẫn đang ưu tiên cho các trường công lập, dẫn đến nguồn tuyển của các trường ngoài công lập đang ngày càng ít.

Nhiều ý kiến khác thì cho rằng, ngoài việc cho các trường xây dựng kế hoạch tuyển sinh thì nên cho các trường tự chủ về chỉ tiêu. Cụ thể như ở Trường THPT Hermann Gmeiner, năm nay trường có 280 chỉ tiêu. Mặc dù số lượng hồ sơ đăng ký vào trường còn rất đông nhưng do bị giới hạn về chỉ tiêu nên buộc nhà trường phải loại nhiều hồ sơ.

Thầy giáo Phan Xuân Huỳnh – Hiệu trưởng nhà trường cho rằng: “Từ năm 2018, trường chúng tôi sẽ bị cắt hỗ trợ từ tổ chức SOS. Vì vậy, nếu cho nhà trường tự chủ trong chỉ tiêu tuyển sinh sẽ góp phần nâng cao chất lượng giảng dạy và tạo được công việc ổn định cho giáo viên”.

Thầy giáo Trần Anh Tuấn - Hiệu trưởng Trường THPT Nguyễn Trường Tộ cũng cho rằng: “Với cơ chế tự chủ hiện nay, nên chăng Sở GD&ĐT không nên can thiệp quá nhiều vào chỉ tiêu của các trường, bởi lẽ việc dạy và học phải căn cứ vào điều kiện cơ sở vật chất, đội ngũ giáo viên và nhà trường tự điều chỉnh dựa trên điều kiện thực tế”.

Bà Nguyễn Thị Lan – Phó Trưởng ban Văn hóa – xã hội – HĐND tỉnh cho biêt: “Mô hình hoạt động của các trường THPT ngoài công lập của Nghệ An khác với các tỉnh khác và chủ yếu đang rơi vào những trường khó về cơ sở vật chất, trang thiết bị, đội ngũ giáo viên và khó tuyển sinh. Trong khi đó, ở Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh các trường ngoài công lập thường là trường chất lượng cao. Chính vì điều này nên trong quá trình điều hành, Sở Giáo dục và Đào tạo cần quan tâm tới chất lượng của các trường ngoài công lập. Xa hơn, tỉnh cần có phương hướng phát triển các trường ngoài công lập thành trường chất lượng cao và mở ở những nơi có điều kiện thuận lợi”.

Mỹ Hà

TIN LIÊN QUAN