Nhiều người bất chấp nguy hiểm đi lao động 'chui'

04/08/2017 17:57

(Baonghean) - Không phải đóng nhiều phí, không trải qua những thủ tục kiểm tra kỹ càng cộng với lời dụ dỗ của những tay môi giới, nhiều người dân vẫn bất chấp nguy hiểm để đi xuất khẩu lao động bằng con đường bất hợp pháp.

Những ngày tháng 7, không khí tang thương bao trùm ngôi nhà của bà Trần Thị Trâm (47 tuổi) ở xã Nam Lộc (Nam Đàn). Ở cái xóm nghèo ven sông Lam này, người dân không ngớt bàn tán về cái chết của anh Lưu Xuân Hoàng (26 tuổi, con trai bà Trâm).

Anh Hoàng là 1 trong 4 lao động quê Nghệ An thiệt mạng với lý do “tai nạn trên biển” khi đang cố vượt qua eo biển Đài Loan bằng đường biển. Bà Trâm kể, 4 năm trước vợ chồng bà vay hơn 150 triệu đồng cho Hoàng sang Đài Loan làm việc, nhưng công việc của Hoàng ở đất khách quê người không mấy thuận lợi. Cuối năm 2016, Hoàng về nước với số tiền dành dụm được chẳng đáng là bao.

Cuối tháng 3 vừa qua, Hoàng nói với bố mẹ ra Bắc chơi. Tuy nhiên, vài hôm sau, chuông điện thoại reo, bà nhấc máy thì đầu dây bên kia nói: "Con đi với nhóm bạn qua Trung Quốc làm ăn. Bố mẹ yên tâm đừng lo...".

Ngôi nhà của anh Lưu Xuân Hoàng (xã Nam Lộc, Nam Đàn), 1 trong 4 lao động Nghệ An thiệt mạng trên đường sang Đài Loan bằng hình thức “chui”. Ảnh: Tiến Hùng
Ngôi nhà của anh Lưu Xuân Hoàng (xã Nam Lộc, Nam Đàn), 1 trong 4 lao động Nghệ An thiệt mạng trên đường sang Đài Loan bằng hình thức “chui”. Ảnh: Tiến Hùng

Đó cũng là cuộc gọi cuối cùng của anh Hoàng với gia đình. Ngày 18/4, khi một số thi thể có kèm giấy tờ tùy thân nổi trên vùng biển Trung Quốc, cơ quan chức năng xác nhận đây là lao động "chui" gặp tai nạn trên biển nên thông báo về cho người thân ở Việt Nam. Lúc này một số bạn bè của Hoàng ở Đài Loan gọi điện thông báo Hoàng tử vong trên con tàu gặp nạn hôm 31/3, khi vượt biên từ Trung Quốc sang Đài Loan. Vợ chồng bà Trâm sau đó nhận được thông báo từ cơ quan chức năng yêu cầu gửi mẫu máu qua Trung Quốc để đối chiếu ADN với thi thể.

Trong chuyến tàu định mệnh đó, có hơn 20 người Việt Nam, phần lớn đã từng làm việc tại Đài Loan nhưng sau đó bỏ trốn ra ngoài và bị bắt, trục xuất về nước. Do đã bị phía cơ quan chức năng Đài Loan ghi vào “danh sách đen” vì tội bỏ trốn, họ không thể trở lại nơi này làm việc một cách đường đường chính chính. Người thân của một trong những nạn nhân xấu số này cho hay, cuối tháng 2, con họ gom góp được chút tiền, sau đó nhờ một người quê Bắc Giang đưa qua Trung Quốc rồi tìm cách vượt biển sang Đài Loan “chui” với chi phí 40 triệu đồng. Trong khi đó, chi phí để một lao động qua đây làm việc thông thường mất hơn 100 triệu đồng nếu đi hợp pháp.

Đây chỉ là một trong nhiều vụ lao động người Việt thiệt mạng khi chọn xuất khẩu lao động bằng con đường chui. “Hiện tại số lượng lao động ở Nghệ An đi xuất khẩu lao động chui nhiều nhất là các nước Trung Quốc, Đài Loan, Hàn Quốc và các nước châu Âu. Để đi qua các nước châu Âu, còn nguy hiểm hơn thế rất nhiều. Nhiều người đã phải nằm trong rừng suốt cả tháng để trốn công an. Có người thiệt mạng, thi thể cũng chẳng mang về được” - đại diện một văn phòng chuyên về môi giới xuất khẩu lao động ở Nghệ An cho biết.

Ngay giữa tháng 7, TAND Hà Nội đưa 8 bị cáo trong đường dây đưa người lao động sang nước ngoài làm việc chui ra xét xử, trong đó có 2 người trú tại TP. Vinh là Trần Thế Phương và Nguyễn Trọng Tương. Theo cáo buộc, sau khi liên hệ được với những người có nhu cầu qua Hàn Quốc làm việc, nhóm người này đã đăng ký tour du lịch cho khách hàng. Sau đó kết nối với một người Việt Nam đang sống tại Hàn Quốc để lo việc, sau khi nhóm khách tới đảo Jeju.

Đầu năm 2016, đường dây này đã đưa trót lọt được hơn 20 người có nhu cầu ra nước ngoài lao động qua cửa khẩu sân bay quốc tế Nội Bài. Số chi phí để đi bằng con đường này là từ 100 triệu đồng đến hơn 200 triệu đồng mỗi người. Nhưng chỉ sau ít ngày trốn lại Hàn Quốc, nhóm lao động “chui” đã bị cơ quan chức năng nước sở tại phát hiện và trục xuất về Việt Nam. Vào thời điểm vụ án này bị cơ quan công an phát hiện, cũng với thủ đoạn nêu trên, đường dây này vẫn đang tiếp tục thu nhận nhiều hồ sơ đi xuất khẩu lao động “chui” sang Hàn Quốc, trong đó, có nhiều lao động quê ở Nghệ An.

Nhiều năm nay, Nghệ An là tỉnh đứng đầu về số lượng người đi xuất khẩu lao động. Nhận thấy “thị trường” đầy tiềm năng này, hàng loạt đường dây đã tung “chân rết” về các địa phương, đặc biệt là vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa để tuyển lao động “chui”. Lợi dụng tâm lý mong muốn sớm được đi nước ngoài của người dân, nhiều doanh nghiệp đã khiến người lao động lâm vào cảnh nợ nần.

2 năm trước, chỉ trong thời gian ngắn, Trần Văn Trung (trú tại Nam Định), thông qua các tour du lịch cũng đã đưa gần 30 người quê Nghệ An và Hà Tĩnh qua Hàn Quốc làm việc bằng con đường chui. Mới đây, Công an Nghệ An cũng đã khởi tố vụ án, bắt tạm giam Phạm Duy Tuyên (trú tại huyện Đức Thọ, tỉnh Hà Tĩnh) về hành vi tổ chức đưa người đi lao động trái phép. Tuyên đã thu 26.000 USD và hơn 1,2 tỷ đồng của một số người lao động ở 2 tỉnh Nghệ An và Hà Tĩnh để tổ chức người khác trốn đi nước ngoài bất hợp pháp thông qua các tour du lịch.

Theo thống kê của Sở LĐ-TB&XH tỉnh Nghệ An, chỉ tính riêng trong năm 2016, số lao động di cư tự do tại một số nước như Lào, Thái Lan, Campuchia, Anh, Nga, Australia và một số nước khác là 11.378 người và con số này luôn biến động tùy vào từng thời điểm khác nhau.

Theo cơ quan công an, thủ đoạn hoạt động của tội phạm trong lĩnh vực xuất khẩu lao động rất linh hoạt. Để tạo lòng tin cho người lao động, các đối tượng thường làm giả hồ sơ, hợp đồng lao động đi làm việc tại nước ngoài có dấu giả và chữ ký của lãnh đạo nhiều cơ quan liên quan. Thậm chí, các đối tượng còn giả danh cán bộ của các doanh nghiệp xuất khẩu lao động có uy tín, về tận các vùng nông thôn để tuyển người. Một số đường dây tung các "chân rết" xuống từng địa phương rồi thông qua mối quan hệ quen biết, họ hàng xa gần để mời chào đi xuất khẩu lao động.

Cách thức chiêu dụ thường là rỉ tai, dụ dỗ ngon ngọt rằng môi trường làm việc rất tốt, lương cao, công việc nhẹ nhàng. Nhiều người muốn đi xuất khẩu lao động nhưng thiếu hiểu biết và thông tin ít rất dễ sập bẫy. Trong khi một số người vì thiếu hiểu biết, đã phải xuất khẩu lao động “chui” thì nhiều người khác lại chủ động sang nước ngoài làm việc bằng hình thức này.

Bởi trên thực tế, đi làm việc chui thường tốn kém ít kinh phí, các thủ tục cũng rất sơ sài, mất ít thời gian… Tuy nhiên, khi xuất cảnh đến nước sở tại, người lao động do không có hợp đồng lao động phải chấp nhận sống chui lủi, phải tự tìm kiếm việc làm, ốm đau bệnh tật không được chăm sóc, bị bắt giữ, trục xuất về nước mà không được sự bảo hộ nào.

Cũng theo cơ quan công an, cái khó trong việc đối phó với các đối tượng đưa người đi nước ngoài trái phép là khi thu tiền của người lao động không có biên nhận hoặc chỉ làm giấy biên nhận phản ánh nội dung không rõ ràng, viết sơ sài, có tính chất đối phó đề phòng hậu quả sau này. Cơ quan điều tra cũng gặp nhiều khó khăn trong việc thu thập chứng cứ, tài liệu có giá trị pháp lý. Do đó, để tránh rủi ro, người có nhu cầu xuất khẩu lao động nên tìm hiểu thông tin đầy đủ thông qua các cơ quan, đơn vị được phép tuyển dụng; liên hệ trực tiếp với văn phòng các công ty xuất khẩu lao động có uy tín và được cấp phép tuyển dụng.

Tiến Hùng

TIN LIÊN QUAN